Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


CÁC BỆNH Ở NAM GIỚI NHƯ: RỐI LOẠN CƯƠNG DƯƠNG, XUẤT TINH SỚM, XUẤT TINH RA MÁU

(Tham khảo chính: 4128/QĐ-BYT )

RỐI LOẠN CƯƠNG DƯƠNG

  1. Định nghĩa

Rối loạn cương dương là tình trạng không có khả năng đạt được và duy trì độ cương cứng của dương vật để tiến hành cuộc giao hợp một cách trọn vẹn.

  1. Nguyên nhân

- Rối loạn cương dương do bệnh lý rối loạn nội tiết.

- Rối loạn cương dương do thần kinh.

- Rối loạn cương dương do tâm thần.

- Rối loạn cương dương do rối loạn vận mạch.

- Rối loạn cương dương do các biến dạng của dương vật.

- Rối loạn cương dương do một số thuốc.

  1. Phân tuyến kỹ thuật: theo danh mục kỹ thuật do Bộ Y tế quy định.
  2. Chẩn đoán

4.1. Triệu chứng lâm sàng

4.1.1. Tập trung vào 4 nhóm triệu chứng sau:

- Hoàn toàn mất ham muốn tình dục.

- Vẫn có ham muốn tình dục nhưng dương vật không thể cương cứng được để giao hợp như ý muốn.

- Dương vật cương cứng tốt nhưng không đúng lúc.

- Dương vật cương cứng trong thời gian rất ngắn, chưa kịp đưa vào âm đạo hoặc chưa kịp xuất tinh đã mềm xìu.

4.1.2. Bảng chỉ số quốc tế về chức năng cương dương vật

(The International Index of Erectile Function-IIEF).

Thang điểm này gồm 15 câu hỏi, mỗi câu hỏi cho điểm từ 0 đến 5. Điểm chức năng cương là tổng số điểm của các câu hỏi. Nếu từ 59 điểm trở xuống là rối loạn cương dương.

Mức độ rối loạn cương dương được quy định như sau: 6-20 điểm: mức độ nặng, 31-59 điểm: mức độ nhẹ, 21-30 điểm: mức độ trung bình.

4.2. Tiền sử các bệnh nội khoa và ngoại khoa

- Các bệnh nội khoa: tim mạch, huyết áp, tiểu đường,…

- Các bệnh ngoại khoa: chấn thương vùng chậu, tiền sử phẫu thuật vùng tiểu khung và bộ phận sinh dục.

4.3. Khám bộ phận sinh dục và tầng sinh môn để phát hiện các bệnh

- Biến đổi hình thể giải phẫu của dương vật: lỗ đái lệch thấp, dương vật ngắn và nhỏ bẩm sinh, bệnh xơ cứng vật hang,…

- Các bệnh vùng bẹn bìu: tinh hoàn ẩn, giãn tĩnh mạch tinh,…

- Đánh giá các phản xạ vùng bẹn bìu-tầng sinh môn như: cảm giác quanh hậu môn, cảm giác trương lực cơ vòng hậu môn, phản xạ cơ hành hang.

4.4. Các xét nghiệm

- Xét nghiệm sinh hóa máu: Đường, acid uric, cholesterol máu,…

- Định lượng nội tiết tố: LH, FSH, prolactin, estradiol, testosterone.

  1. Điều trị

Điều trị rối loạn cương dương tùy thuộc vào nguyên nhân và các cơ chế đi kèm. Sau đây là một số hướng dẫn điều trị cơ bản.

5.1. Điều trị không dùng thuốc

5.1.1. Thay đổi lối sống và sinh hoạt

- Thay đổi lối sống có thể làm giảm các yếu tố nguy cơ: tăng hoạt động thể chất, giảm thừa cân/béo phì, bỏ thuốc lá ở nam giới,… có thể cải thiện tình trạng cương dương vật.

- Các thuốc cũng có thể có tác động sâu sắc đến chức năng cương: điều trị tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây rối loạn cương dương do thuốc, các thuốc kháng anpha-adrenergic không đặc hiệu và thuốc lợi tiểu thiazide thường phối hợp với rối loạn cương,… Đơn giản chỉ cần thay thế các thuốc này sang nhóm khác là có thể cải thiện chức năng cương.

5.1.2. Tư vấn tâm lý

Tư vấn tâm lý được sử dụng cho nhiều nhóm rối loạn cương dương, đặc biệt hiệu quả cho nhóm rối loạn cương dương do nguyên nhân tâm lý.

5.1.3. Dụng cụ hút chân không

Dụng cụ hút chân không có thể tạo được độ cương dương vật mức độ sinh lý mà không ảnh hưởng lên các yếu tố nguy cơ.

5.2. Điều trị rối loạn cương dương bằng thuốc

5.2.1. Các thuốc ức chế PDE5

Nam giới đang dùng các thuốc kháng anpha adrenergic điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt cần lưu ý khi phối hợp với chất ức chế PDE5 vì có nguy cơ giảm huyết áp.

- Trừ khi có chống chỉ định, các thuốc ức chế PDE5 là lựa chọn đầu tiên để điều trị rối loạn cương dương.

- Có thể dùng một trong số các loại thuốc sau:

+ Sildenafil (Viagra, Medovigor) 50-100 mg/viên. Tuần dùng từ 1-2 ngày; mỗi ngày dùng 1 lần, uống 1 viên trước khi giao hợp 30 phút.

+ Tadalafil (Cialis) 10-20 mg/viên. Cách dùng như trên.

+ Vardenafil (Levitra) 10-20 mg/viên. Cách dùng như trên.

- Các tác dụng không mong muốn của thuốc là đỏ bừng mặt, đau đầu, đau cơ, rối loạn nhìn,…

- Chống chỉ định: Bệnh tim mạch mức độ nặng (nhồi máu cơ tim trong vòng 6 tháng), người mắc bệnh toàn thân nặng được khuyến cáo không nên quan hệ tình dục, dị ứng thuốc, đang dùng các nitrat gây giãn mạch, nam giới có bệnh lý về võng mạc.

5.2.2. Tiêm vật hang

- Nếu các chất ức chế PDE5 không có tác dụng hoặc có chống chỉ định, có thể dùng các cách điều trị bằng thuốc khác. Tiêm thuốc trực tiếp vào vật hang để gây cương dương vật là một lựa chọn. Các thuốc có thể dùng là: papaverine, phentolamine, alprostadil. Các chất này có thể dùng đơn độc hoặc dùng phối hợp.

- Các tác dụng phụ có thể là: đau chỗ tiêm, cương đau dương vật kéo dài, tăng nguy cơ gây xơ vật hang (chủ yếu với papaverine và phentolamine).

5.2.3. Thuốc đặt niệu đạo

Alprostadil cũng có thể dùng làm thuốc đặt niệu đạo trong trường hợp không muốn dùng đường tiêm vật hang.

5.2.4. Bổ sung testosterone

Cần lưu ý các nguy cơ của việc bổ sung testosterone lên tạo máu và tuyến tiền liệt.

Khi dùng testosterone, bệnh nhân cần được theo dõi hàng năm về các chỉ tiêu: thăm trực tràng, kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (PSA) máu và công thức máu. Bất kỳ sự tăng PSA hoặc thay đổi khi thăm trực tràng nên được kiểm chứng bằng sinh thiết tuyến tiền liệt để loại trừ ung thư tuyến tiền liệt. Nam giới có tiền sử ung thư tuyến tiền liệt cần được lưu ý về các nguy cơ của điều trị bổ sung testosterone.

Bổ sung testosterone có thể bằng đường uống, đường tiêm, đường qua da hoặc viên cấy ghép.

5.3. Điều trị phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật khi có chỉ định.

5.3.1. Các phẫu thuật trên hệ thống động mạch:

- Hồi phục tuần hoàn động mạch chủ bụng.

- Hồi phục tuần hoàn động mạch dương vật.

5.3.2. Các phẫu thuật trên hệ thống tĩnh mạch:

- Làm tắc mạch mu sâu.

- Buộc cắt tĩnh mạch mu sâu và cách nhánh bên.

- Buộc cắt tĩnh mạch ngoại vi và các đường rò rỉ tĩnh mạch.

5.3.3. Phẫu thuật đặt vật hang nhân tạo.

5.3.4. Phẫu thuật tạo hình trên dương vật (Phẫu thuật điều trị bệnh xơ cứng vật hang,…).

5.4. Điều trị bằng đông y, châm cứu

Một số bài thuốc đông y hoặc châm cứu có thể được sử dụng để điều trị rối loạn cương dương như: Hữu quy hoàn, Tán dục đan gia giảm, Bát vị quế phụ gia giảm,… hoặc châm cứu ôn bổ thận dương, sơ can giải uất,…

5.5. Điều trị bằng thảo dược, thực phẩm chức năng

Một số chất như L-arginin, Yohimbine, … có trong các thảo dược, thực phẩm chức năng có tác dụng lên chức năng cương. Vì vậy, có thể sử dụng các loại này để sử dụng điều trị hỗ trợ cương dương cho người bệnh.

 

XUẤT TINH SỚM

  1. Định nghĩa

Xuất tinh sớm là tình trạng mất khả năng kiểm soát và duy trì phản xạ xuất tinh, gây nên tình trạng xuất tinh mặc dù chưa tới lúc muốn xuất tinh, hậu quả tạo nên sự hụt hẫng cho một hoặc cả hai người nam và nữ.

  1. Nguyên nhân

2.1. Nguyên nhân tâm lý

Để có thời gian giao hợp bình thường phải có sự thăng bằng nhịp nhàng giữa các quá trình hưng phấn và ức chế. Hưng phấn quá mức có thể dẫn đến xuất tinh sớm.

Việc thủ dâm lâu dài có thể hình thành nên một phản xạ xuất tinh sớm có điều kiện, từ đó dẫn đến việc xuất tinh sớm trong những lần quan hệ tình dục thực sự về sau.

2.2. Nguyên nhân thực thể

2.2.1. Quá tăng nhạy cảm dương vật

2.2.2. Các bệnh viêm nhiễm vùng chậu hông

2.2.3. Một số bệnh rối loạn nội tiết như: suy sinh dục, mãn dục nam, tăng prolactin máu, … đều gây ảnh hưởng đến chức năng cương và chức năng xuất tinh.

2.2.4. Giả thiết về sự tăng nhạy cảm của các thụ quan serotonin

Sự tăng nhạy cảm của các thụ quan serotonin (thụ quan 5- HT2C và 5-HT1A) ở thần kinh trung ương dẫn đến hiện tượng xuất tinh sớm đã được nhiều tác giả thừa nhận.

  1. Chẩn đoán

3.1. Hỏi bệnh

Chẩn đoán xuất tinh sớm chủ yếu dựa vào hỏi bệnh. Các câu hỏi có thể chia thành các nhóm như sau:

- Câu hỏi để chẩn đoán:

+ Thời gian xuất tinh là bao lâu? Thời gian xuất tinh (IELT-Intravaginal Ejaculation Latency Time) là thời gian tính từ lúc đưa dương vật vào âm đạo cho tới khi xuất tinh.

+ Anh có thể trì hoãn xuất tinh được không?

+ Anh có cảm thấy hụt hẫng do xuất tinh sớm không?

- Câu hỏi để phân biệt xuất tinh sớm nguyên phát hay thứ phát:

+ Anh có bị xuất tinh sớm ngay từ lần quan hệ tình dục đầu tiên và trong mọi lần (hoặc hầu như mọi lần) quan hệ tình dục với mọi bạn tình hay là trước đây xuất tinh bình thường, gần đây mới bị trục trặc?

- Câu hỏi đánh giá rối loạn cương dương:

+ Dương vật của anh có cương đủ cứng để giao hợp không?

+ Anh có bị khó khăn để duy trì độ cương dương vật cho tới lúc xuất tinh khi quan hệ tình dục không?

+ Anh có bao giờ phải cố gắng quan hệ để tránh mất độ cương khi giao hợp không?

- Câu hỏi đánh giá sự ảnh hưởng lên mối quan hệ:

+ Bạn tình của anh có thái độ như thế nào khi anh bị xuất tinh sớm?

+ Xuất tinh sớm có tác động lên mối quan hệ chung của anh với bạn tình hay không?

- Câu hỏi đánh giá ảnh hưởng lên chất lượng cuộc sống:

+ Anh có phải tránh quan hệ tình dục do mặc cảm không?

+ Anh có cảm thấy lo âu, buồn chán vì xuất tinh sớm không?

- Các câu hỏi khác:

+ Anh đã bao giờ sử dụng thuốc điều trị xuất tinh sớm chưa?

+ Anh đã từng lạm dụng hoặc nghiện thuốc gì khác không?

+ Anh có đang bị bệnh gì khác hay không?

3.2. Công cụ chẩn đoán

IELT + Bảng câu hỏi đánh giá xuất tinh sớm PEDT (Premature Ejaculation Diagnostic Tool)

Điểm PEDT được tính bằng cách cộng điểm tất cả 5 câu hỏi: Tổng điểm ≤ 8: Không bị xuất tinh sớm.

Tổng điểm = 9 hoặc 10: Có thể đang bị xuất tinh sớm. Tổng điểm ≥ 11: Bị xuất tinh sớm.

3.3. Khám lâm sàng

Khám lâm sàng chủ yếu để đánh giá các yếu tố nguy cơ và căn nguyên sinh bệnh, gồm:

- Khám thực thể: khám bộ phận sinh dục và tuyến tiền liệt,…

- Khám toàn thân: bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa, bệnh tâm-thần kinh...

3.4. Xét nghiệm

Nhìn chung, các xét nghiệm cận lâm sàng ít giá trị cho chẩn đoán xuất tinh sớm. Có thể làm một số xét nghiệm khi cần thiết: xét nghiệm máu (nội tiết tố, sinh hóa,…), xét nghiệm nước tiểu,…

3.5. Chẩn đoán xác định

Dựa vào kết quả trả lời các câu hỏi, xác định:

- Bệnh nhân có xuất tinh sớm hay không?

- Nếu có xuất tinh sớm, thì xuất tinh sớm có phải là bị sau rối loạn cương dương hoặc bệnh lý nào khác không?

- Xuất tinh sớm thuộc loại nguyên phát (xảy ra ngay từ những lần quan hệ tình dục đầu tiên và trong mọi lần hoặc hầu như mọi lần quan hệ tình dục) hay thứ phát (trước đây xuất tinh bình thường, gần đây mới bị trục trặc).

  1. Phân tuyến kỹ thuật: theo danh mục kỹ thuật do Bộ Y tế quy định.
  2. Điều trị

Nguyên tắc điều trị:

- Ở những bệnh nhân mà xuất tinh sớm do rối loạn cương dương hoặc các bệnh lý khác, nên điều trị rối loạn cương dương trước.

- Nếu xuất tinh sớm không phải do nguyên nhân khác:

+ Với xuất tinh sớm nguyên phát: ưu tiên điều trị bằng thuốc trước, phối hợp với điều chỉnh hành vi/liệu pháp tâm lý, có thể kết hợp với tư vấn về mối quan hệ.

+ Với xuất tinh sớm thứ phát: ưu tiên điều chỉnh hành vi/liệu pháp tâm lý, phối hợp với dùng thuốc, có thể kết hợp với tư vấn về mối quan hệ.

5.1. Dùng thuốc

5.1.1. Các thuốc đường uống: Các thuốc có thể dùng để điều trị xuất tinh sớm:

Các thuốc đường uống

Tên thương mại

Liều khuyến cáo

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin không chọn lọc

Clomipramine

Anafranil

25-50 mg/ngày hoặc 25mg, 4-24 giờ trước khi quan hệ tình dục

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc

Fluoxetine

Prozac, Fluozac

20-40 mg/ngày hoặc 20mg, 3-4 giờ trước khi quan hệ tình dục

Paroxetine

Paxil

10, 20, 40 mg/ngày hoặc 20mg, 3-4 giờ trước khi quan hệ tình dục

Sertraline

Zoloft

25-200 mg/ngày hoặc 50mg, 4-8 giờ trước khi quan hệ tình dục

Dapoxetine

Priligy

30, 60 mg, uống 1-3 giờ trước khi quan hệ tình dục

Liều dùng: nên dùng từ liều thấp lên liều cao.

Cho đến nay, Dapoxetine (Priligy) đã được phê chuẩn để điều trị xuất tinh sớm ở trên 50 quốc gia.

5.1.2. Thuốc gây tê tại chỗ

- Dùng xylocain, lidocain, prilocaine dạng gel hoặc dạng xịt lên đầu dương vật trước khi giao hợp 20-30 phút. Sau đó rửa sạch rồi mới quan hệ.

- Nhật Bản, Trung Quốc công bố kem SS điều chế từ thảo dược.

5.2. Thủ thuật phong bế đám rối thần kinh cùng

Người bệnh ở tư thế quỳ, đầu thấp mông cao. Xác định khe khớp giữa S5-S6, sau đó bơm 20ml dung dịch xylocain 0,5% vào khoang cùng. Mỗi tuần 1-2 lần, trong 5-6 tuần liên tục.

5.3. Phẫu thuật

Cắt bỏ dây thần kinh cảm giác ngoại vi quanh đầu dương vật nhằm mục đích làm giảm sự quá nhạy cảm ở đầu dương vật.

5.4. Điều trị bằng điều chỉnh hành vi/liệu pháp tâm lý

Tập luyện bằng các phương pháp điều chỉnh hành vi/liệu pháp tâm lý làm cho người bị xuất tinh sớm có thể kiểm soát được sự xuất tinh, tự tin hơn trong quan hệ tình dục.

 

XUẤT TINH RA MÁU

  1. Định nghĩa

Xuất tinh ra máu là tình trạng có máu lẫn trong tinh dịch khi xuất tinh.

Thông thường xuất tinh máu là bệnh lành tính và tự khỏi nhưng rất hay tái phát (đối với những người trẻ tuổi, dưới 40). Trong một số trường hợp thì đây lại là một triệu chứng của một bệnh lý ác tính (đối với người có tuổi, trên 40).

  1. Nguyên nhân

2.1. Viêm và nhiễm khuẩn

Viêm là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất. Quá trình viêm gây kích thích niêm mạc dẫn đến hiện tượng sung huyết và phù nề các ống, các tuyến của đường dẫn tinh, túi tinh, tuyến tiền liệt, ụ núi và niệu đạo. Từ đó gây xuất tinh ra máu.

Các nguyên nhân gây viêm là do nhiễm khuẩn, chấn thương, sỏi túi tinh, hay calci hóa tiền liệt tuyến. Nhiễm khuẩn thường gặp như: enterobacteria (chủ yếu là Escherichia coli), Chlamydia, Gram dương, trực khuẩn lao và một số loại virus. Cần chú ý là lao là nguyên nhân chủ yếu ở Việt Nam.

2.2. Tắc túi tinh và các nang túi tinh

Các nguyên nhân gây căng và giãn túi tinh lâu ngày làm đứt vỡ các mạch máu dưới niêm mạc.

2.3. Ung thư

Các loại ung thư thường gặp phải kể đến như là ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đường dẫn tinh, ung thư tinh hoàn, u lympho.

2.4. Các bệnh toàn thân

Các bệnh toàn thân thường gặp là rối loạn đông máu, hemophilie, xơ gan, tăng huyết áp.

2.5. Nhóm do các thủ thuật (do thầy thuốc gây ra)

Sinh thiết tuyến tiền liệt qua trực tràng, đặt dụng cụ niệu đạo, chiếu xạ trong ung thư tuyến tiền liệt, sau thắt ống dẫn tinh, sau cắt tinh hoàn,…

2.6. Giãn tĩnh mạch niệu đạo

Trong trường hợp này tinh dịch thường không có máu mà bệnh nhân thấy đái máu một bãi sau khi cương dương vật hoặc chảy máu ra ngoài niệu đạo sau khi cương dương vật mà chưa xuất tinh.

  1. Phân tuyến kỹ thuật: theo danh mục kỹ thuật do Bộ Y tế quy định.
  2. Chẩn đoán

4.1. Chẩn đoán xác định

- Lâm sàng: tinh dịch có màu đỏ, màu nâu hoặc màu rỉ sắt.

- Cận lâm sàng: Xét nghiệm có nhiều hồng cầu trong tinh dịch.

4.2. Chẩn đoán nguyên nhân

4.2.1. Các xét nghiệm nước tiểu

Phân tích nước tiểu, nuôi cấy vi khuẩn nước tiểu và làm kháng sinh đồ, tìm tế bào ác tính trong nước tiểu.

4.2.2. Các xét nghiệm tinh dịch

Làm tinh dịch đồ để tìm hồng cầu và bạch cầu, nuôi cấy tìm vi khuẩn và làm kháng sinh đồ, tìm tế bào ác tính trong tinh dịch.

4.2.3. Các xét nghiệm máu

Công thức bạch cầu, tốc độ máu lắng, các xét nghiệm đánh giá chức năng đông máu, kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (PSA), đặc biệt đối với bệnh nhân trên 40 tuổi.

4.2.5. Các xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân lao đường tiết niệu

Ngoài các xét nghiệm công thức bạch cầu, tốc độ máu lắng để tìm nguyên nhân, cần làm thêm các xét nghiệm sau: Mantoux, kháng thể kháng lao, phản ứng PCR với trực khuẩn lao (bệnh phẩm là tinh dịch).

4.2.6. Siêu âm ổ bụng

Đánh giá tình trạng gan, thận, bàng quang, tuyến tiền liệt.

4.2.7. Siêu âm qua trực tràng

Là phương tiện chẩn đoán hữu hiệu để chẩn đoán các bệnh lý khu vực túi tinh và tuyến tiền liệt như: calci hóa tiền liệt tuyến, sỏi túi tinh, giãn túi tinh, nang túi tinh hoặc nang ống phóng tinh.

4.2.8. Soi niệu đạo và bàng quang

Soi bàng quang và niệu đạo có thể phát hiện các tổn thương ở niệu đạo, tuyến tiền liệt. Thông thường, soi bàng quang-soi niệu đạo khi dương vật cương có thể xác định được giãn mao mạch và tĩnh mạch của niệu đạo cũng như của tuyến tiền liệt hay các u máu niệu đạo một cách dễ dàng.

4.2.9. Chụp cộng hưởng từ vùng tiểu khung

Cộng hưởng từ là một phương tiện chẩn đoán hình ảnh có giá trị nhất trong thăm dò túi tinh và tuyến tiền liệt, được chỉ định trong các trường hợp nghi ngờ bệnh lý trên siêu âm qua trực tràng.

4.2.10 Nội soi túi tinh

- Được chỉ định trong các trường hợp xuất tinh ra máu kéo dài trên 3 tháng mà không tìm thấy nguyên nhân nào. Hoặc xuất tinh ra máu kéo dài mà có phát hiện bất thường túi tinh qua siêu âm hay chụp cộng hưởng từ.

- Nếu người nam giới phàn nàn là có xuất tinh ra máu, cần xác định xem là có thực sự là xuất tinh ra máu hay không? Hay chỉ là ngộ nhận hoặc chỉ là chảy máu từ dương vật (ví dụ như rách hãm da bao quy đầu dương vật) hoặc nhầm lẫn với máu từ kinh nguyệt của người bạn tình.

- Khi xác định là có xuất tinh ra máu, 3 yếu tố then chốt giúp đánh giá tiếp theo: tuổi của bệnh nhân, thời gian kéo dài của triệu chứng, và sự xuất hiện của các triệu chứng hoặc các yếu tố nguy cơ phối hợp.

- Nam giới dưới 40 tuổi có một vài đợt xuất tinh ra máu và không có yếu tố nguy cơ hoặc triệu chứng phối hợp có thể chỉ cần đánh giá các bệnh tiết niệu sinh dục thông thường (ví dụ như viêm nhiễm đường tiết niệu), được điều trị nếu có chỉ định và tái theo dõi.

- Nam giới từ 40 tuổi trở lên có xuất tinh ra máu tái diễn nhiều lần hoặc điều trị không khỏi, có các triệu chứng hoặc yếu tố nguy cơ phối hợp, cần đánh giá rộng rãi hơn, bao gồm cả việc đánh giá xem có ung thư (ví dụ như ung thư tuyến tiền liệt) hay không.

- Xuất tinh ra máu ít, có phối hợp với căn nguyên do thầy thuốc gây ra thường nhẹ; vì vậy, theo dõi là cách thức điều trị phù hợp nhất.

  1. Điều trị

Nếu xuất tinh ra máu cần điều trị thì cần điều trị dựa vào nguyên nhân.

5.1. Điều trị nội khoa

Chỉ định cho các trường hợp viêm và nhiễm khuẩn.

5.1.1. Trong trường hợp nhiễm khuẩn do các vi khuẩn thông thường

Điều trị theo kháng sinh đồ là hợp lý nhất.

Nếu không có kháng sinh đồ thì sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm.

- Lựa chọn những loại kháng sinh nào phổ rộng tác dụng với họ Enterobacteria (chủ yếu là Escherichia coli); đặc biệt là ở những người trẻ, thuốc phải có tác dụng với cả Chlamydia.

- Nhóm quinolon: ciprofloxacin, norfloxacin, levofloxacin, hay gatifloxacin. Liều uống 400-500 mg/ngày trong vòng 2 tuần đến 1 tháng.

- Nếu không có quinolon, thay thế bằng:

+ Trimethoprim/sulfamethoxazol (bactrim) 480 mg/viên, 2-4 viên/ngày + doxycyclin 100 mg/viên, 1-2 viên/ngày, dùng trong 10-15 ngày.

+ Cũng có thể dùng: Metronidazol 250mg, uống 2-4 viên/ngày + clindamycin/erythromycin dùng trong 2 tuần.

Dùng phối hợp với các thuốc chống viêm giảm phù nề, thuốc cầm máu.

- Alpha chymotrypsin 4,2 mg/viên, dùng 4 viên/ngày trong 7 ngày.

- Các thuốc cầm máu: Transamin 500 mg/viên, 2-4 viên/ngày, trong 5-10 ngày.

5.1.2. Trường hợp lao sinh dục-tiết niệu

Điều trị theo phác đồ chữa lao.

5.2. Điều trị ngoại khoa

Việc điều trị ngoại khoa phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể: có thể chỉ định phẫu thuật mở hay nội soi (nội soi qua đường niệu đạo hoặc nội soi qua ổ bụng).

Chỉ định trong các trường hợp sau:

- Bệnh lý tại chỗ như tắc túi tinh, nang túi tinh hay sỏi túi tinh.

- Các bệnh ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đường dẫn tinh (ống dẫn tinh, túi tinh) và ung thư tinh hoàn.

- Giãn tĩnh mạch niệu đạo.

  • Sử dụng kháng sinh trong sản khoa
  • CHĂM SÓC TRƯỚC KHI CÓ THAI VÀ TRƯỚC KHI SINH TƯ VẤN, CHĂM SÓC TRƯỚC KHI CÓ THAI
  • Hỏi bệnh đối với thai phụ
  • Khám toàn thân cho thai phụ
  • Khám sản khoa
  • Giáo dục sức khỏe trong thai kỳ
  • Ghi chép sổ khám thai
  • Dặn dò sau khám thai
  • Tư vấn cho phụ nữ có thai
  • TƯ VẤN CHO SẢN PHỤ TRONG CHUYỂN DẠ VÀ NGAY SAU ĐẺ
  • Chẩn đoán chuyển dạ
  • KỸ NĂNG SỐNG LIÊN QUAN ĐẾN SỨC KHỎE SINH SẢN/SỨC KHỎE TÌNH DỤC CỦA VỊ THÀNH NIÊN VÀ THANH NIÊN
  • TÌNH DỤC AN TOÀN VÀ ĐỒNG THUẬN
  • KINH NGUYỆT VÀ XUẤT TINH Ở VỊ THÀNH NIÊN
  • Mãn dục nam
  • CHĂM SÓC TRƯỚC SINH
  • Quản lý thai
  • Đái tháo đường thai kỳ
  • Bệnh lý lành tính tuyến vú
  • U xơ tử cung
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    thông tin quan sát

    Q-codes.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Tư vấn, xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm HIV

    5456/QĐ-BYT.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Bệnh lao da

    75/QĐ-BYT.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    Khí sắc trầm cảm
    Bình đẳng hơn trong chăm sóc sức khỏe
    Mục tiêu
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space