MÃN DỤC NAM - Định nghĩa
Mãn dục nam là một hội chứng sinh hóa kết hợp với tuổi cao và có đặc trưng là thiếu hụt nồng độ testosterone huyết thanh. Hội chứng này có thể dẫn đến những thay đổi có ý nghĩa trong chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng bất lợi trên chức năng của nhiều cơ quan. - Nguyên nhân
Nội tiết tố testosterone trong máu giảm do các nguyên nhân sau: - Tuổi càng cao, các cơ quan trong đó có tuyến yên-tinh hoàn càng suy thoái. - Bị các bệnh làm rối loạn hoạt động của hệ thống trục hạ đồi-tuyến yên gây rối loạn sự sản xuất của nội tiết tố có liên quan khác. - Di truyền từ thế hệ trước. - Dùng nhiều loại thuốc có tính chất kháng androgen, ví dụ: dùng quá nhiều nội tiết tố estrogen, dùng các loại glucocorticoid, một số loại bucalutamid, flutamid, một số thuốc chữa bệnh khác như cimetidin,… - Một số bệnh gây nên như: tiểu đường, suy tuyến yên, các khối u vùng tuyến yên-tinh hoàn, u tuyến thượng thận và khối u ở các phủ tạng khác. - Một số thói quen xấu như: nghiện rượu, thuốc lá, ma túy,… - Phân tuyến kỹ thuật: theo danh mục dịch vụ kỹ thuật do Bộ Y tế quy định.
- Chẩn đoán
4.1 Dựa vào các triệu chứng lâm sàng 4.1.1. Các triệu chứng về tình dục và sức khỏe sinh sản - Giảm ham muốn tình dục - Rối loạn cương dương-không giao hợp được - Tinh trùng yếu nên khó sinh con 4.1.2. Các triệu chứng toàn thân - Có những rối loạn về hệ thống tim-mạch như: huyết áp cao, thấp bất thường, tim đập nhanh, mặt đỏ bừng, hồi hộp. - Rối loạn hô hấp: khó thở về đêm, ngáy to. - Loãng xương: rất dễ gãy xương ở những tư thế bất thường hoặc những chấn thương rất nhẹ. - Giảm thể tích và trương lực cơ cho nên lười vận động vì dễ mệt mỏi. Toàn thân teo tóp dần. - Lượng mỡ cơ thể tăng, nhất là béo bụng. - Da mất nước và răn rúm, tạo ra các nếp nhăn. - Thần kinh: rất nhạy cảm với các phản xạ. - Tâm thần: các rối loạn tâm thần (trầm cảm, hay lo âu); khả năng nhận thức và khả năng tập trung giảm. - Rối loạn hệ thống tạo máu: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu,… Kết luận về chẩn đoán lâm sàng chỉ cần 1 triệu chứng về tình dục và 2 triệu chứng toàn thân là cần định hướng việc chẩn đoán về mãn dục nam giới. 4.2. Các triệu chứng cận lâm sàng 4.2.1. Các xét nghiệm về sinh hóa để đánh giá chức năng các phủ tạng toàn thân trong cơ thể. Những người có hội chứng chuyển hóa như: tăng mỡ máu, đái tháo đường,… có nguy cơ bị biểu hiện tim mạch, đột quỵ, rối loạn tình dục, … cao hơn so với người bình thường. 4.2.2. Các xét nghiệm về chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, Xquang,…) để chẩn đoán các bệnh lý khác và chẩn đoán phân biệt. 4.2.3. Các xét nghiệm về nội tiết tố chủ yếu là các nội tiết tố sinh sản: LH, FSH, prolactin, estradiol, testosterone để tìm các bệnh rối loạn về nội tiết. 4.2.4. Tiêu chuẩn vàng để xác định mãn dục nam giới là lượng testosterone trong máu hạ thấp dưới mức bình thường (bình thường lượng testosterone trong máu là: 10-35 nmol/lít). Nên tiến hành xét nghiệm vào buổi sáng. - Điều trị
Bổ sung hoặc tăng cường testosterone vào cơ thể. 5.1. Chỉ định Những người có biểu hiện của mãn dục nam và nồng độ testosterone trong máu thấp hơn giá trị của người nam giới khỏe mạnh trẻ hơn (thường lấy mức 12 nmol/lít). 5.2. Các dạng thuốc dòng testosterone Liều bổ sung testosterone phụ thuộc đường dùng và loại thuốc sử dụng. Liều dùng thường được khuyến cáo như sau: - Đường uống: Testosterone undecanoate (Andriol Testocaps): 40-80 mg, 2-3 lần/ngày (uống trong bữa ăn). - Đường tiêm: Sử dụng 1 trong 3 loại sau: + Testosterone enantate hoặc testosterone cypionate: 75-100 mg, tiêm bắp hàng tuần hoặc 150-200 mg tiêm bắp cách 2 tuần 1 mũi. + Testosterone undecanoate: 1000 mg, tiêm bắp mũi đầu tiên và mũi thứ 2 sau mũi đầu tiên 6 tuần, sau đó cứ 12 tuần tiêm nhắc lại 1 mũi. + Sustanon 250 mg/ống 1 ml, tiêm bắp cách 2-3 tuần 1 ống. - Viên cấy dưới da: viên 200 mg, cứ 4-6 tháng cấy 4-6 viên. - Miếng dán da không ở bìu: dán 1-2 miếng (mỗi miếng 5 mg testosterone), dán hàng đêm lên da lưng, đùi, cánh tay (lưu ý tránh vùng tỳ đè). - Dạng bôi: bôi 50-100 mg testosterone/ngày (Androgel 50mg) vào vùng da được che phủ (mặt trong đùi hoặc lưng hoặc bụng) trong 30 ngày. 5.2. Chống chỉ định Chống chỉ định bổ sung testosterone cho những người bệnh đang có bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Cần theo dõi tuyến tiền liệt thường xuyên trước và trong khi bổ sung testosterone, trong vòng 1 năm kể từ khi bắt đầu điều trị thì theo dõi vào thời điểm 3-6 tháng và 12 tháng, trong thời gian sau đó là hàng năm. Có thể tiến hành thêm siêu âm tuyến tiền liệt qua trực tràng. - Những điểm cần tư vấn về tình dục ở tuổi già
- Khi có tuổi, nhìn chung hoạt động tình dục giảm sút nhưng ham muốn tình dục và khả năng tình dục có thể vẫn còn. - Nếu tình dục của một người không đổi trong suốt cuộc đời thì những thay đổi sinh học liên quan đến tuổi ít rõ rệt. - Tình dục là bình thường và tự nhiên, người có tuổi cần nhận biết khả năng tình dục của mình và trở nên thoái mái hơn với khả năng tình dục của mình. - Có nhiều cách hoạt động tình dục chứ không phải chỉ quan hệ tình dục qua đường âm đạo như sờ tay, hôn, thủ dâm…; có nhiều cách làm đa dạng hóa cách biểu hiện tình dục của mình và điều đó là chấp nhận được. - Có thể có hoạt động tình dục ở lứa tuổi 70 và trên 70. - Sức khỏe tình dục có thể làm lợi cho sức khỏe chung ở từng cá nhân có tuổi. - Nếu có băn khoăn về sức khỏe và chức năng tình dục (về tương tác thuốc, các vấn đề sức khỏe mạn tính, các phẫu thuật…), cần tư vấn và điều trị. SUY SINH DỤC NAM - Định nghĩa
Suy sinh dục nam giới là một hội chứng lâm sàng do tinh hoàn không sản sinh ra đủ testosterone (suy giảm testosterone) và lượng tinh trùng bình thường. Nguyên nhân do rối loạn một trong các thành phần của trục nội tiết dưới đồi-tuyến yên-tuyến sinh dục. Phân loại suy sinh dục nam: + Suy sinh dục tiên phát: Rối loạn trục nội tiết dưới đồi-tuyến yên-tuyến sinh dục ở tinh hoàn, ảnh hưởng tới quá trình sinh tinh và làm tăng nồng độ gonadotropin. + Suy sinh dục thứ phát: Rối loạn trục nội tiết dưới đồi-tuyến yên-tuyến sinh dục ở mức độ trung ương (tuyến dưới đồi, tuyến yên), nồng độ gonadotropin thấp dưới mức bình thường. - Nguyên nhân
2.1. Tại tinh hoàn 2.1.1. Bị cắt tinh hoàn trong một số trường hợp bệnh lý hay chấn thương. 2.1.2. Chấn thương: dập nát dẫn đến xơ hóa hoàn toàn tinh hoàn. 2.1.3. Viêm mạn tính dẫn đến xơ teo tinh hoàn. 2.1.4. Teo tinh hoàn do tinh hoàn không ở bìu mà lạc chỗ sang vị trí khác như: ở trên nếp mu, ở trong ổ bụng, ở ống bẹn. 2.1.5. Một số người mắc một số bệnh như ung thư tuyến tiền liệt phải dùng nhiều loại thuốc điều trị nội tiết kháng androgen. 2.2. Ngoài tinh hoàn - Các bệnh rối loạn về gen gây loạn sản tinh hoàn như các hội chứng: Hội chứng Klinefelter (47, XXY), Hội chứng Turner (45, X), Hội chứng Turner với X chromatin dương tính, Hội chứng Turner với X chromatin âm tính. - Các bệnh lý về rối loạn men sinh học. - Bệnh suy tuyến yên (bẩm sinh hay mắc phải) gây suy giảm các hormone LH và FSH. - Phân tuyến kỹ thuật: theo danh mục kỹ thuật do Bộ Y tế quy định.
- Chẩn đoán
4.1. Dựa vào các triệu chứng lâm sàng - Giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương, khó đạt được khoái cảm tình dục, giảm cương dương vật tự phát (dạ cương), … - Khám thực thể: tinh hoàn teo nhỏ, tinh hoàn không có ở bìu (sờ thấy tinh hoàn trong ống bẹn hoặc không sờ thấy hoàn toàn tinh hoàn ở trong bìu). - Các triệu chứng nghĩ tới suy giảm nội tiết tố nam giới: + Sự phát triển cơ quan sinh dục không bình thường, tinh hoàn nhỏ, tinh hoàn ẩn, không có tinh trùng. + Giảm ham muốn tình dục và hoạt động tình dục, giảm cương dương vật tự phát (dạ cương). + Khó chịu ở ngực, vú to; ít lông ở nách, lông mu. + Giảm chiều cao cơ thể, xương dễ gãy, tỷ trọng khoáng xương thấp; giảm khối cơ và lực cơ. - Các triệu chứng khác ít đặc hiệu hơn của suy giảm nội tiết tố nam giới: + Tính tích cực, năng lượng sống, sự tự tin giảm; cảm giác buồn, trầm cảm; mất tập trung và giảm trí nhớ; rối loạn giấc ngủ; giảm khả năng làm việc. + Thiếu máu nhẹ; lượng mỡ cơ thể tăng, BMI tăng,... 4.2. Các triệu chứng cận lâm sàng 4.2.1. Định lượng cả 5 hormon: LH, FSH, prolactin, estradiol, testosterone để tìm các rối loạn về nội tiết tố sinh sản - Xét nghiệm thấy testosterone máu giảm. - Nếu testosterone máu giảm, kết hợp với LH, FSH giảm: bệnh nhân bị suy sinh dục thứ phát. - Nếu testosterone máu giảm, kết hợp với LH, FSH tăng: bệnh nhân bị suy sinh dục tiên phát. 4.2.1. Các xét nghiệm về nhiễm sắc thể và gen - Nhiễm sắc thể XY. - Vật thể Barr. - Phản ứng di truyền TDF để tìm dấu vết của gen hình thành tạo tinh hoàn. 4.2.3. Chẩn đoán hình ảnh để tìm hình ảnh tinh hoàn và các bộ phận của nam giới. - Siêu âm. - Chụp cắt lớp vi tính vùng tiểu khung. - Nhấp nháy đồ. - Nội soi thăm dò bụng 4.2.4. Các xét nghiệm khác: - Tinh dịch đồ. - Chụp cộng hưởng từ vùng tuyến yên. - Test kích thích hCG,… - Điều trị
Mục đích của điều trị là cải thiện chức năng tình dục, hành vi và chất lượng cuộc sống; tạo ra và duy trì các đặc tính sinh dục thứ phát; cải thiện khả năng có con,… 5.1. Bổ sung LH, FSH dưới dạng thuốc tiêm (dùng GnRH, gonadotropin). Điều trị GnRH hoặc gonadotropin chỉ hiệu quả trong trường hợp suy sinh dục thứ phát. Vì vậy, cần khẳng định chẩn đoán chắc chắn trước khi cân nhắc điều trị. Mặc dù các yếu tố này có thể được sử dụng để gây dậy thì ở những trẻ nam và để điều trị suy giảm androgen trong suy sinh dục thứ phát, mục đích sử dụng chính vẫn là khởi tạo và duy trì khả năng sinh tinh ở người suy sinh dục nam có nguyện vọng sinh con. Chống chỉ định dùng cho những nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú hoặc u prolactin chưa được điều trị. Pregnyl 1500 IU, 5000 IU, 10000 IU/ ống (tiêm bắp). Liều lượng tùy theo lứa tuổi. Bồi phụ nội tiết tố FSH dưới dạng thuốc tiêm: Menogon (75UI), Puregon (50UI), IVF- M (75UI),... 5.2. Testosterone Có các dạng bổ sung testosterone như trình bày trong phần Mãn dục nam. Lưu ý rằng nếu bệnh nhân đang có nhu cầu sinh sản thì nên dùng dạng chuyển hóa của testosterone như dihydrotestosterone (mesterolone); còn nếu bệnh nhân không có nhu cầu sinh sản thì có thể dùng testosterone. Mesterolone có hai dạng uống hoặc tiêm. Với dạng uống: 25mg/viên, 2-4 viên/ngày. VÔ SINH NAM - Đại cương
Định nghĩa: một cặp vợ chồng sau 12 tháng chung sống, trong sinh hoạt tình dục không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào mà chưa có con được xếp vào nhóm vô sinh. Vô sinh nam là vô sinh do nguyên nhân từ nam giới (có hay không kết hợp với nguyên nhân từ phía nữ). - Vô sinh I: người vợ chưa có thai lần nào. - Vô sinh II: người vợ đã có thai ít nhất 1 lần. - Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân gây vô sinh nam giới. Có thể chia thành các nhóm: - - Yếu tố tình dục (rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh,…). - - Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu-sinh dục: viêm tinh hoàn-mào tinh hoàn, viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt… - - Những bất thường bẩm sinh: Bất thường về thể nhiễm sắc giới tính (hội chứng Klinefelter và các biến thể của hội chứng này: 47XXY, 48XXXY…), các khuyết tật về gen (hội chứng Kallmann, hội chứng Prader-Willi…), các bất thường khác (tật không tinh hoàn, tinh hoàn không xuống bìu, bất sản ống dẫn tinh, hội chứng chỉ có tế bào Sertoli, cấu trúc bất thường của tinh trùng…), tinh dịch bất thường tự phát (hội chứng OAT) hoặc không tìm thấy nguyên nhân. - - Các yếu tố mắc phải: Nghiện rượu, hút thuốc lá, sau hóa trị liệu, nhiễm độc tia xạ, tiền sử mắc bệnh quai bị biến chứng đến tinh hoàn…; Giãn tĩnh mạch tinh; Các rối loạn nội tiết tố (suy sinh dục, thiếu FSH đơn thuần, bài tiết nội tiết quá mức …; Các yếu tố miễn dịch (kháng thể kháng tinh trùng gây hiện tượng ngưng kết và bất động tinh trùng); Các bất thường khác (tắc ống dẫn tinh, chấn thương mất tinh hoàn…). - Chẩn đoán
3.1. Lâm sàng 3.1.1. Hỏi bệnh - Tiền sử thói quen hút thuốc, uống rượu, nhiễm độc, tiếp xúc hóa chất… - Tiền sử hôn nhân và thai sản: lấy vợ mấy năm, thời gian từ khi muốn có con đến nay. - Tiền sử bệnh tật: quai bị, bệnh mạn tính, bệnh viêm nhiễm-lây truyền qua đường tình dục, …. - Đặc điểm nhu cầu sinh lý, sinh hoạt tình dục xem có rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh… - Tiền sử gia đình về sinh sản: trong gia đình có ai chậm con không? - Phía vợ: đã khám cho vợ chưa? các bất thường liên quan đến sức khỏe sinh sản của người vợ: nhu cầu đòi hỏi về sinh lý, tình hình kinh nguyệt (chu kỳ kinh, màu sắc kinh nguyệt, đau khi có kinh), đau khi giao hợp… 3.1.2. Khám bệnh - Toàn thân: trạng thái tinh thần kinh, hình dáng bên ngoài… - Thực thể: bệnh nội tiết, tim mạch, hệ tiết niệu… - Tại chỗ: bộ phận sinh dục ngoài: dị tật (không có tinh hoàn trong bìu, lỗ đái thấp, cong vẹo dương vật…), viêm nhiễm, chảy mủ hoặc dịch bất thường. Sờ thấy búi giãn tĩnh mạch tinh. Có sờ thấy ống dẫn tinh không?… 3.2. Cận lâm sàng 3.2.1. Xét nghiệm tinh dịch đồ: đánh giá số lượng, tính chất vật lý của tinh dịch, số lượng và chất lượng tinh trùng. 3.2.2. Xét nghiệm sinh hóa tinh dịch: túi tinh chứa nhiều fructose, tuyến tiền liệt chứa phosphatase acid và kẽm, mào tinh hoàn chứa carnitin. Dựa vào các đặc điểm này có thể chẩn đoán tắc đoạn nào của đường xuất tinh. 3.2.3. Xét nghiệm kháng thể kháng tinh trùng: chú ý loại kháng thể và hiệu giá kháng thể. 3.2.4. Xét nghiệm đầy đủ 5 hormone: LH, FSH, prolactin, estradiol, testosteron. 3.2.5. Xét nghiệm về di truyền học (về thể nhiễm sắc, về gen). 3.2.6. Xét nghiệm về mô học - Chọc hút dịch mào tinh hoàn tìm tinh trùng. - Sinh thiết tinh hoàn (dùng kim sinh thiết hoặc phẫu thuật sinh thiết). 3.2.7. Chẩn đoán hình ảnh - Siêu âm hệ tiết niệu-sinh dục (lưu ý: tuyến tiền liệt, túi tinh, tinh hoàn, mào tinh hoàn, tĩnh mạch tinh) xem có bất thường không? Có giãn tĩnh mạch tinh không? Đo kích thước tinh hoàn… - Chụp ống dẫn tinh: mục đích tìm chỗ tắc trên đường dẫn tinh. - Phân tuyến kỹ thuật: theo danh mục kỹ thuật do Bộ Y tế quy định.
- Điều trị
5.1. Nguyên tắc Điều trị vô sinh nam giới cần dựa vào nguyên nhân. 5.2. Điều trị nội khoa - Điều trị kháng sinh đặc hiệu cho các trường hợp viêm nhiễm đường tiết niệu-sinh dục. - Dùng corticoid trong vô sinh có kháng thể kháng tinh trùng. - Điều chỉnh nội tiết tố trong các trường hợp có rối loạn nội tiết tố: nhóm LH, nhóm FSH, nhóm androgen,… - Điều trị rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh,… - Dùng thuốc y học cổ truyền (một số bài thuốc bổ trợ). 5.3. Điều trị ngoại khoa 5.3.1 Phẫu thuật một số bệnh gây ảnh hưởng đến đời sống tinh trùng Thắt tĩnh mạch tinh, hạ tinh hoàn, phẫu thuật điều trị tràn dịch màng tinh hoàn… 5.3.2 Phẫu thuật tạo hình phục hồi đường dẫn tinh và dương vật - Nối ống dẫn tinh-ống dẫn tinh, nối ống dẫn tinh-mào tinh hoàn. - Phẫu thuật dị tật lỗ đái, xơ cứng vật hang dương vật… - Cắt nội soi mở rộng ụ núi hoặc mở rộng cổ túi tinh trong những trường hợp bị chít hẹp không phóng xuất được tinh dịch. 5.3.3 Các phương pháp hỗ trợ sinh sản: thụ tinh nhân tạo (bơm tinh trùng vào buồng tử cung người vợ, thụ tinh trong ống nghiệm…)
|