Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


SỨC KHỎE SINH SẢN VỊ THÀNH NIÊN VÀ THANH NIÊN

(Tham khảo chính: 4128/QĐ-BYT )

HƯỚNG DẪN CHUNG

Vị thành niên là người trong độ tuổi 10-18, thanh niên trẻ là người trong độ tuổi 16-24. Khái niệm vị thành niên và thanh niên (VTN/TN) sử dụng trong tài liệu này dùng cho người trong độ tuổi 10-24. VTN là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em thành người trưởng thành. VTN/TN có đặc điểm tâm sinh lý đặc thù như thích thử nghiệm, thích khám phá năng lực bản thân, năng động, sáng tạo, ham học hỏi. Với những đặc điểm này, VTN/TN có nhiều cơ hội nhưng cũng liên tục đối mặt với những thách thức,nguy cơ. Để chinh phục thách thức của cuộc sống và phát triển cũng như phòng tránh nguy cơ, VTN/TN cần được đáp ứng những nhu cầu cơ bản gồm môi trường an toàn, tiếp cận thông tin chính xác và kịp thời, có các kỹ năng sống, được tư vấn và hỗ trợ dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp.

VTN/TN có quyền được sống trong môi trường lành mạnh, tránh bị lạm dụng và bạo lực. Môi trường này cũng giúp các em phát triển những mối quan hệ tốt đẹp, gần gũi với gia đình, người lớn, bạn cùng trang lứa để tạo cơ hội phát triển tối đa tiềm năng của mình. VTN/TN cần được cung cấp thông tin chính xác, phù hợp và kịp thời, giúp các em hiểu quá trình phát triển bản thân, nguy cơ có thể gặp đối với sức khỏe, các điều kiện cần thiết để khỏe mạnh và thông tin về các dịch vụ sẵn có. VTN/TN cần được trang bị kỹ năng sống để đối phó những đòi hỏi và thách thức của cuộc sống. VTN/TN cần được tư vấn riêng tư để giúp các em hiểu và giải quyết thách thức của bản thân, từ đó ra quyết định có trách nhiệm. VTN/TN cần các dịch vụ y tế dự phòng, điều trị và nâng cao sức khỏe mang tính toàn diện bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) và sức khỏe tình dục (SKTD). Ngành y tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho VTN/TN.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng VTN/TN Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về SKSS/SKTD như quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn, mắc các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục/HIV-AIDS, lạm dụng các chất gây nghiện … Thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng và đặc biệt là thiếu tiếp cận tới các nguồn thông tin tin cậy cũng như các dịch vụ tư vấn, dự phòng và hỗ trợ, chăm sóc SKSS/SKTD là những nguyên nhân khiến vấn đề SKSS của VTN/TN càng trở nên nghiêm trọng hơn. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng VTN/TN đặt niềm tin vào cán bộ y tế, điều này là một thuận lợi và cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với người cung cấp dịch vụ, đòi hỏi người cung cấp dịch vụ phải nhanh chóng bổ sung những kỹ năng cần thiết để có thể thực sự hỗ trợ VTN/TN một cách hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, việc lạm dụng các chất gây nghiện trong thanh thiếu niên mặc dù không phải là vấn đề trực tiếp của SKSS/SKTD, song có ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và tâm lý của VTN/TN, tác động làm gia tăng hành vi không an toàn về SKSS/SKTD. Điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi đa phần những người lạm dụng các chất gây nghiện, bao gồm cả các trò chơi điện tử/game online… lại trong độ tuổi VTN/TN. Với mục đích giúp cho người cung cấp dịch vụ có được những khái niệm cơ bản về vấn đề này, trên cơ sở đó hỗ trợ khách hàng VTN/TN tốt hơn, tài liệu này đã được bổ sung thêm bài Sử dụng các chất gây nghiện ở VTN/TN.

Một vấn đề cũng đã được nêu ra từ nhiều năm và vẫn còn nhiều tồn tại, đó là các dịch vụ SKSS/SKTD cần được thiết kế và vận hành theo hướng thân thiện hơn với VTN/TN.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, dịch vụ sức khỏe thân thiện với VTN/TN là “các dịch vụ có thể tiếp cận được và phù hợp với VTN/TN”. Dịch vụ sức khỏe thân thiện với VTN/TN cần đảm bảo các tiêu chuẩn như địa điểm, giá cả phù hợp (có thể chi trả được hoặc miễn phí nếu cần thiết), độ an toàn, phục vụ theo phương cách mà VTN/TN chấp nhận được nhằm đáp ứng nhu cầu của VTN/TN và khuyến khích các em trở lại cơ sở y tế khi cần cũng như giới thiệu về dịch vụ tới bạn bè. Dịch vụ sức khỏe thân thiện với VTN/TN cần triển khai từ tuyến cơ sở đến trung ương, bao gồm cả các cơ sở cung cấp thông tin, tư vấn và dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD.

Việc cung cấp thông tin, tư vấn cũng như dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD cho VTN/TN không có nhiều khác biệt về quy trình kỹ thuật so với người trưởng thành, song điều khác biệt và quan trọng là những kỹ năng mà người cung cấp dịch vụ cần phải có, để có thể tiếp cận, có được sự tin tưởng và chia sẻ từ các em, qua đó xác định được chính xác nhu cầu và vấn đề, và có thể hỗ trợ VTN/TN một cách hữu ích nhất. Trong quá trình tiếp cận, tư vấn và cung cấp các dịch vụ SKSS/SKTD cho VTN/TN, cần có thái độ tích cực và cởi mở, đặc biệt đối với những chủ đề về tình dục, phòng tránh thai, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục… Người cung cấp dịch vụ cũng cần có sự nhạy cảm và đảm bảo các quyền khách hàng khi tiếp cận và cung cấp dịch vụ SKSS/SKTD cho các nhóm VTN/TN yếu thế, dễ bị tổn thương.

 

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM GIẢI PHẪU, TÂM SINH LÝ TRONG THỜI KỲ VỊ THÀNH NIÊN

Tuổi VTN là thời kỳ phát triển đặc biệt-thời kỳ xảy ra đồng thời hàng loạt những biến đổi nhanh chóng cả về cơ thể cũng như sự biến đổi tâm lý và các mối quan hệ xã hội. Người cung cấp dịch vụ cần hiểu rõ về các đặc điểm tâm sinh lý và những thay đổi trong độ tuổi này thì mới có thể tiếp cận, tư vấn và cung cấp dịch vụ được cho các em một cách phù hợp, thân thiện và hiệu quả.

Lứa tuổi VTN là từ 10 đến 18 tuổi và được chia ra 3 giai đoạn:

+ VTN sớm: từ 10 đến 13 tuổi

+ VTN giữa: từ 14 đến 16 tuổi

+ VTN muộn: từ 17 đến 18 tuổi

Ba giai đoạn phân chia này chỉ có tính tương đối, có thể khác nhau ở từng VTN.

  1. Những thay đổi về giải phẫu và sinh lý trong thời kỳ VTN

- Sự phát triển cơ thể rõ rệt và dễ nhận thấy nhất là các dấu hiệu dậy thì. Tuổi dậy thì ở các em nữ thường sớm hơn và trong khoảng từ 10-15 tuổi, các em nam trong khoảng từ 12-17 tuổi.

- Trong giai đoạn dậy thì, các nội tiết tố sinh dục (estrogen và progesteron đối với nữ, testosteron đối với nam) tăng dần, cơ quan sinh dục phát triển và cơ thể chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động sinh sản. Biểu hiện rõ rệt ở các em nữ là hiện tượng kinh nguyệt và ở em nam là hiện tượng xuất tinh.

Dậy thì ở các em nữ:

- Phát triển núm vú, quầng vú.

- Tử cung, âm đạo, buồng trứng phát triển to ra, xương hông nở ra.

- Phát triển chiều cao nhanh chóng.

- Mọc lông sinh dục: lông mu, lông nách.

- Xuất hiện kinh nguyệt.

- Các tuyến bã hoạt động mạnh, xuất hiện mụn trứng cá.

Dậy thì ở các em nam:

- Tinh hoàn và dương vật to lên, da tinh hoàn sẫm màu lại.

- Thanh quản mở rộng, vỡ tiếng, yết hầu lộ ra.

- Tăng trưởng nhanh chóng về chiều cao, các xương dài phát triển, cơ bắp ở vai, ngực, cánh tay... to ra.

- Xuất hiện lông mu, ria mép.

- Có xuất tinh (thường là mộng tinh hay còn gọi là “giấc mơ ướt”).

- Các tuyến bã hoạt động mạnh, xuất hiện mụn trứng cá.

  1. Những biến đổi về tâm lý trong thời kỳ VTN: tùy theo từng giai đoạn phát triển của thời kỳ VTN mà có những biến đổi về tâm lý khác nhau.

Thời kỳ VTN sớm:

- Bắt đầu ý thức mình không còn là trẻ con, muốn được độc lập.

- Muốn được tôn trọng, được đối xử bình đẳng như người lớn.

- Chú trọng đến các mối quan hệ bạn bè.

- Quan tâm đến hình thức bên ngoài và những thay đổi của cơ thể.

- Tò mò, thích khám phá, thử nghiệm.

- Bắt đầu phát triển tư duy trừu tượng.

- Có những hành vi mang tính thử nghiệm, bốc đồng.

Thời kỳ VTN giữa:

- Tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến hình dáng cơ thể.

- Tỏ ra độc lập hơn, thích tự mình quyết định, có xu hướng tách ra khỏi sự kiểm soát của gia đình.

- Phát triển mạnh cá tính, sở thích cá nhân.

- Chịu ảnh hưởng nhiều của bạn bè đồng trang lứa.

- Quan tâm đến bạn khác giới, dễ ngộ nhận tình bạn khác giới với tình yêu.

- Tiếp tục phát triển tư duy trừu tượng.

- Phát triển kỹ năng phân tích, bắt đầu nhận biết hậu quả của hành vi.

- Có xu hướng muốn thử thách các quy định, các giới hạn mà gia đình hay xã hội đặt ra.

Thời kỳ VTN muộn:

- Khẳng định sự độc lập và tạo dựng hình ảnh bản thân tương đối ổn định.

- Khả năng đánh giá và giải quyết vấn đề tốt hơn.

- Cách suy nghĩ, nhận xét và ứng xử chín chắn hơn.

- Ảnh hưởng của nhóm bạn bè giảm dần, quay lại chú trọng mối quan hệ gia đình.

- Chú trọng tới mối quan hệ riêng tư, tin cậy giữa 2 người hơn quan hệ theo nhóm.

- Định hướng cuộc sống, nghề nghiệp rõ ràng hơn.

- Biết phân biệt tình bạn và tình yêu, cách nhìn nhận tình yêu mang tính thực tế hơn, có xu hướng muốn thử nghiệm tình dục.

  1. Những mong muốn của VTN/TN về sức khỏe/SKSS/SKTD

- Phát triển tốt về chiều cao, cân nặng.

- Không ốm đau bệnh tật.

- Có khả năng tránh được ma túy, rượu và các chất gây nghiện.

- Phát triển nhân cách tốt, được mọi người coi trọng.

  1. Những quyền của VTN/TN về sức khỏe/SKSS/SKTD: VTN/TN có tất cả các quyền cơ bản về SKSS/SKTD, đặc biệt cần thiết các quyền:

- Quyền được thông tin đầy đủ, chính xác về sức khỏe/SKSS/SKTD.

- Quyền tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe/SKSS/SKTD phù hợp và có chất lượng.

- Quyền được đối xử bình đẳng, tôn trọng, không bị cưỡng bức, bạo hành.

- Quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trong các vấn đề liên quan đến sức khỏe/SKSS/SKTD (kết hôn hay không, giữ thai hay chấm dứt thai kỳ…) trên cơ sở được cung cấp đầy đủ thông tin và phù hợp với pháp luật.

  1. Những rào cản khiến VTN/TN khó thực hiện mong muốn và quyền trong lĩnh vực SKSS/SKTD

- Quan niệm của xã hội đối với việc chăm sóc và giáo dục SKSS/SKTD cho VTN/TN còn hạn chế, chưa thống nhất.

- Các chính sách, chiến lược về SKSS/SKTD cho thanh thiếu niên còn ít, chưa cụ thể, chưa có nhiều chính sách động viên VTN/TN.

- Thiếu các cơ sở cung cấp dịch vụ sức khỏe thân thiện với VTN/TN.

- Thái độ định kiến của thầy cô giáo, cha mẹ, cộng đồng, đặc biệt là người cung cấp dịch vụ, đối với việc cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD là những rào cản lớn đối với VTN/TN.

- Đa số các cán bộ cung cấp dịch vụ còn chưa được huấn luyện để biết cách làm việc với VTN/TN.

 

KỸ NĂNG SỐNG LIÊN QUAN ĐẾN SỨC KHỎE SINH SẢN/SỨC KHỎE TÌNH DỤC CỦA VỊ THÀNH NIÊN VÀ THANH NIÊN

Khái niệm: Kỹ năng sống được hiểu như là khả năng ứng xử của mỗi cá nhân trong những tình huống nhất định, là khả năng mà mỗi cá nhân có được trong việc giải quyết các vấn đề gặp phải và ứng phó một cách tích cực đối với những thử thách của cuộc sống thường ngày.

Kỹ năng sống vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội. Cá nhân là vì mỗi người tự đặt ra cho mình các giá trị, niềm tin để quyết định hành động theo những mục tiêu riêng mà mình đặt ra. Tuy nhiên, những mục tiêu đó phần lớn lại chịu ảnh hưởng của nền văn hóa, phong tục tập quán, của những chuẩn mực đạo đức trong cộng đồng nơi người đó sinh sống.

Kỹ năng sống rất quan trọng đối với VTN/TN, đặc biệt trong lĩnh vực SKSS/SKTD. VTN/TN thường thiếu kinh nghiệm sống, ít được rèn luyện kỹ năng sống, do đó khi cần phải đưa ra các quyết định quan trọng về SKSS/SKTD như quan hệ tình dục khi nào, với ai, có sử dụng biện pháp bảo vệ hay không, làm thế nào để nói lên quan điểm của mình về tình dục với bạn tình… thì VTN/TN thường gặp khó khăn, có thể đưa ra những quyết định sai lầm làm ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai của họ.

  1. Những kỹ năng sống cần cho sự phát triển về sức khỏe của VTN/TN

* Kỹ năng xác định giá trị:

Là khả năng xác định đức tính, niềm tin, thái độ, chính kiến nào đó của mình là quan trọng và giúp mình hành động theo định hướng đó.

* Kỹ năng ra quyết định:

Là khả năng một cá nhân đưa ra được quyết định cho mình dựa trên cơ sở có đầy đủ thông tin và ý thức được hậu quả/kết quả từ quyết định của mình. Trong một số tình huống, thường có nhiều lựa chọn và mỗi người phải chọn ra một quyết định đồng thời phải ý thức được các khả năng, hậu quả có thể xảy ra. Do vậy, điều quan trọng là mỗi cá nhân cần dự kiến được càng nhiều càng tốt những hậu quả trước khi ra quyết định cuối cùng tối ưu nhất.

* Kỹ năng kiên định:

Là khả năng tự nhận biết được điều mình muốn hoặc không muốn, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, đồng thời giữ vững được khả năng/nhận định đó dù có những điều kiện khác tác động.

* Kỹ năng đặt mục tiêu:

Là khả năng tự xác định những gì mà mỗi cá nhân muốn thực hiện, muốn đạt tới.

Một mục tiêu đặt ra cần phải được thể hiện bằng những từ ngữ cụ thể. Mục tiêu đó cần phải trả lời bằng những câu hỏi sau:

+ Ai sẽ thực hiện? Thực hiện khi nào?

+ Thực hiện cái gì? Thực hiện bằng cách nào?

* Kỹ năng giao tiếp:

Là khả năng mà VTN/TN có thể sử dụng trong giao tiếp hàng ngày để có thể diễn đạt mong muốn, cảm xúc, suy nghĩ của bản thân, đồng thời hiểu được quan điểm, thái độ và mong muốn của người khác.

Kỹ năng giao tiếp là tổng hợp của nhiều kỹ năng như: kỹ năng lắng nghe, kỹ năng diễn đạt, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng thương thuyết, kỹ năng từ chối… Các kỹ năng này giúp cho VTN/TN biết cách thiết lập và phát triển các mối quan hệ.

* Kỹ năng từ chối:

Là khả năng nói “không” với một đề nghị hoặc một lời mời của người khác làm một việc mà mình không muốn làm. Đặc biệt là đề nghị tham gia thực hiện những hành vi nguy cơ cho sức khỏe. Nhiều VTN/TN không dám từ chối vì sợ bạn bè hoặc bạn tình không bằng lòng. VTN/TN cần được hỗ trợ kỹ năng từ chối để tránh tham gia vào những hành vi nguy cơ cho sức khỏe mà vẫn giữ được mối quan hệ với bạn bè và bạn tình.

  1. Những việc người cung cấp dịch vụ có thể làm để hỗ trợ kỹ năng sống cho VTN/TN

Khi VTN/TN gặp vấn đề về SKSS/SKTD như mang thai ngoài ý muốn, mắc các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, sử dụng biện pháp tránh thai…, họ cần hỗ trợ về kỹ năng sống để đối mặt với vấn đề và tự đưa ra giải pháp. Trong những trường hợp này, vai trò của người cung cấp dịch vụ rất quan trọng. Sự hỗ trợ của người cung cấp dịch vụ về kỹ năng sống cho VTN/TN rất cần thiết để giúp VTN/TN tránh những tổn thương tâm lý cũng như hậu quả về sức khỏe.

Thông qua những hỗ trợ về kỹ năng sống, người cung cấp dịch vụ có thể giúp VTN/TN:

+ Xác định vấn đề SKSS/SKTD của mình và bình tĩnh đối mặt với vấn đề đó.

+ Xác định các mục tiêu cá nhân trong lĩnh vực SKSS/SKTD.

+ Xác định các giải pháp có thể, sự phù hợp, ưu điểm, nhược điểm của giải pháp.

+ Ra quyết định về vấn đề SKSS/SKTD dựa trên cơ sở đầy đủ thông tin và được hỗ trợ kỹ năng.

+ Có khả năng thương thuyết với bạn tình về các vấn đề SKSS/SKTD.

+ Có khả năng phòng ngừa các vấn đề SKSS/SKTD trong tương lai.

  • Sử dụng kháng sinh trong sản khoa
  • CHĂM SÓC TRƯỚC KHI CÓ THAI VÀ TRƯỚC KHI SINH TƯ VẤN, CHĂM SÓC TRƯỚC KHI CÓ THAI
  • Hỏi bệnh đối với thai phụ
  • Khám toàn thân cho thai phụ
  • Khám sản khoa
  • Giáo dục sức khỏe trong thai kỳ
  • Ghi chép sổ khám thai
  • Dặn dò sau khám thai
  • Tư vấn cho phụ nữ có thai
  • TƯ VẤN CHO SẢN PHỤ TRONG CHUYỂN DẠ VÀ NGAY SAU ĐẺ
  • Chẩn đoán chuyển dạ
  • KỸ NĂNG SỐNG LIÊN QUAN ĐẾN SỨC KHỎE SINH SẢN/SỨC KHỎE TÌNH DỤC CỦA VỊ THÀNH NIÊN VÀ THANH NIÊN
  • TÌNH DỤC AN TOÀN VÀ ĐỒNG THUẬN
  • KINH NGUYỆT VÀ XUẤT TINH Ở VỊ THÀNH NIÊN
  • Mãn dục nam
  • CHĂM SÓC TRƯỚC SINH
  • Quản lý thai
  • Đái tháo đường thai kỳ
  • Bệnh lý lành tính tuyến vú
  • U xơ tử cung
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    Loạn dưỡng cơ tiến triển

    361/QĐ-BYT.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Viêm thanh quản cấp tính

    5643/QĐ-BYT.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Med-Gemini: Chuyển đổi AI y tế bằng các mô hình đa phương thức

    CME AI trong y khoa.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu
    Nguyên tắc điều trị
    SPSS
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space