Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


CÁC BIỆN PHÁP TRÁNH THAI TRUYỀN THỐNG (TỰ NHIÊN) VÀ BIỆN PHÁP TRÁNH THAI CHO BÚ VÔ KINH

(Tham khảo chính: 4128/QĐ-BYT )

CÁC BIỆN PHÁP TRÁNH THAI TRUYỀN THỐNG (TỰ NHIÊN)

BPTT truyền thống (tự nhiên) là những BPTT không cần dùng dụng cụ, thuốc hay thủ thuật nào để ngăn cản thụ tinh. Đây là những BPTT tạm thời và ít hiệu quả bao gồm: (i) biện pháp tính theo vòng kinh, (ii) biện pháp xuất tinh ngoài âm đạo. Các BPTT truyền thống không nên khuyến cáo cho khách hàng sẽ có nguy cơ cao khi mang thai. Khách hàng có nhiễm HIV hay bạn tình có nhiễm HIV cần cân nhắc khi sử dụng BPTT truyền thống vì BPTT này không giúp ngăn ngừa NKLTQĐTD và HIV/AIDS.

  1. Chỉ định.

Tất cả khách hàng chưa muốn sinh con đều có thể áp dụng.

  1. Chống chỉ định tương đối (không có chống chỉ định tuyệt đối).

- Phụ nữ cho con bú trong vòng 6 tuần sau sinh. Cần chờ đợi cho đến khi khách hàng có ít nhất 3 chu kỳ kinh đều.

- Chu kỳ kinh không đều hoặc ra máu âm đạo bất thường, bao gồm cả thời kỳ mới dậy thì và thời kỳ tiền mãn kinh (đối với biện pháp tính theo vòng kinh).

- Thận trọng khi khách hàng đang sử dụng những loại thuốc có thể làm chậm phóng noãn, ví dụ như thuốc an thần (trừ benzodiazepin), thuốc chống trầm cảm, sử dụng kháng sinh kéo dài hoặc sử dụng thuốc kháng viêm không steroid kéo dài.

  1. Hướng dẫn thực hiện các biện pháp.

3.1. Tư vấn.

- Lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu tránh thai của khách hàng. Không khuyến khích khách hàng sử dụng BPTT tự nhiên nếu như họ có khả năng sử dụng một BPTT khác hiệu quả hơn.

- Cần nêu rõ hiệu quả, ưu, nhược điểm của BPTT tự nhiên, đặc biệt là những khó khăn ví dụ như hiệu quả thấp và khó áp dụng khi vòng kinh không đều hoặc hai bên không hợp tác. Biện pháp này không có tác dụng phòng tránh NKLTQĐTD.

- Cần lưu ý khách hàng là do hiệu quả của các BPTT tự nhiên không cao nên cần sử dụng phối hợp các BPTT với nhau hoặc phối hợp với các BPTT hỗ trợ để nâng cao hiệu quả. Cung cấp thông tin về các BPTT khẩn cấp để dự phòng khi áp dụng BPTT tự nhiên thất bại.

- Trình bày đặc điểm của từng BPTT tự nhiên.

+ BPTT theo vòng kinh.

  • Giai đoạn ít an toàn (trước phóng noãn) hiệu quả tránh thai không cao do có thể có hiện tượng phóng noãn sớm và tinh trùng có thể sống được quá lâu.
  • Hiệu quả thấp đối với phụ nữ có vòng kinh không đều.
  • Chỉ nên giao hợp tự do vào khoảng một tuần trước kỳ kinh sau.

+ BPTT xuất tinh ngoài âm đạo.

  • Đây là BPTT ít hiệu quả, không thích hợp cho những khách hàng xuất tinh sớm hoặc không nhận biết được thời điểm xuất tinh.

3.2. Hướng dẫn thực hiện.

3.2.1. BPTT tính theo vòng kinh.

- Căn cứ vào số ngày mỗi vòng kinh của khách hàng, hướng dẫn khách hàng tính được ngày dự kiến sẽ có kinh lần sau:

Ghi chú:            * ngày dự kiến phóng noãn.

                        +......+ những ngày có khả năng thụ thai.

- Từ ngày dự kiến có kinh lùi lại 14 ngày là ngày có thể phóng noãn trong vòng kinh.

- Trong vòng 5 ngày trước và 4 ngày sau khi phóng noãn là những ngày không an toàn, cần kiêng giao hợp hoặc nếu giao hợp thì cần dùng BPTT hỗ trợ.

3.2.2. BPTT bằng cách xuất tinh ngoài âm đạo.

- Khi cảm thấy sắp xuất tinh thì rút dương vật ra, phóng tinh ở ngoài âm đạo.

- Không để tinh dịch rỉ ra khi dương vật còn trong âm đạo và không để tinh dịch đã phóng ra ngoài rơi trở lại âm đạo.

  1. Đối với khách hàng HIV(+).

- Khách hàng HIV(+) hoặc AIDS hoặc đang điều trị thuốc kháng virus có thể sử dụng các BPTT truyền thống. Cần chú ý rằng những BPTT truyền thống này không giúp ngăn ngừa lây truyền HIV và không có hiệu quả tránh thai cao.

- Yêu cầu khách hàng sử dụng bao cao su kèm theo khi sử dụng các BPTT truyền thống. Khi sử dụng đúng cách và thường xuyên, bao cao su giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV và các NKLTQĐTD.

 

BIỆN PHÁP TRÁNH THAI CHO BÚ VÔ KINH

Biện pháp cho bú vô kinh là một BPTT tạm thời dựa vào việc cho bú mẹ hoàn toàn sau sinh khi chưa có kinh trở lại và con dưới 6 tháng tuổi. Biện pháp cho bú vô kinh là BPTT hiệu quả không cao, không nên khuyến cáo cho những khách hàng sẽ có nguy cơ cao khi mang thai. Biện pháp cho bú vô kinh không nên sử dụng cho những khách hàng nhiễm HIV hoặc có bạn tình nhiễm HIV và không giúp ngăn ngừa NKLTQĐTD, HIV/AIDS.

  1. Chỉ định.

Phụ nữ cho con bú hoàn toàn, chưa có kinh trở lại và con dưới 6 tháng tuổi.

  1. Chống chỉ định.

2.1. Chống chỉ định tuyệt đối.

- Mẹ đang sử dụng những loại thuốc chống chỉ định cho con bú như: các loại thuốc chống đông, chống chuyển hóa, bromocriptin, corticosteroid liều cao, cyclosporin, ergotamin, lithium, thuốc trầm cảm và thuốc có đồng vị phóng xạ.

- Những tình trạng của bé ảnh hưởng đến việc cho bú như: bé có dị tật vùng miệng, hầu- họng, bé non tháng hoặc nhỏ so với tuổi thai cần chăm sóc đặc biệt, bé bị một số tình trạng rối loạn chuyển hóa.

2.2. Chống chỉ định tương đối.

Mẹ nhiễm HIV.

  1. Quy trình thực hiện.

3.1. Tư vấn.

- Lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu tránh thai của khách hàng. Nêu rõ hiệu quả, thuận lợi, không thuận lợi của biện pháp cho bú vô kinh. BPTT này không nên sử dụng cho khách hàng nhiễm HIV và không có tác dụng phòng tránh NKLTQĐTD, HIV/AIDS.

- Căn dặn khách hàng quay trở lại để hướng dẫn áp dụng BPTT hiệu quả khác nếu: (i) bắt đầu cho ăn bổ sung hoặc (ii) có kinh trở lại hoặc (iii) con trên 6 tháng.

- Hẹn gặp lại khách hàng ít nhất 1 lần trong vòng 3 tháng và hỏi những thông tin liên quan đến:

+ Có kinh trở lại.

+ Trẻ ăn những thức ăn khác ngoài sữa mẹ.

+ Những khó khăn trong việc cho bú để có hướng dẫn giúp đỡ.

+ Sử dụng thuốc trong thời kỳ cho con bú.

+ Mới bị những bệnh nhiễm khuẩn như viêm gan do virus (vàng da, vàng mắt), HIV mới được phát hiện...

+ Thảo luận về thời điểm bắt đầu BPTT khác.

3.2. Thời điểm thực hiện.

Bắt đầu ngay sau khi sinh.

3.3. Quy trình thực hiện.

- Cho bé bú sau sinh càng sớm càng tốt.

- Cho bú đúng cách.

- Cho bé bú bất kỳ lúc nào bé đói, kể cả ngày và đêm. Cho bú 8-10 lần/ngày, ban ngày không được cách quá 4 giờ, ban đêm không cách quá 6 giờ giữa 2 lần bú.

- Cần duy trì cho bú mẹ ngay cả khi mẹ hoặc bé ốm.

- Ngoài việc bú sữa mẹ, trẻ không ăn uống thêm một thứ gì khác.

3.4. Chuyển BPTT khác.

Cần chuyển ngay sang một BPTT hiệu quả khác nếu có một trong những dấu hiệu sau:

- Có kinh trở lại (không tính ra máu trong 6 tuần đầu sau sinh).

- Mẹ không cho bú hoàn toàn hoặc bé đã được cho ăn/uống bổ sung.

- Trẻ hơn 6 tháng tuổi.

- Không muốn áp dụng biện pháp cho bú-vô kinh.

  1. Đối với khách hàng HIV(+).

- Khách hàng HIV(+) hoặc AIDS hoặc đang điều trị thuốc kháng virus KHÔNG NÊN sử dụng BPTT cho bú-vô kinh.

- Tư vấn cho khách hàng HIV(+) phương thức nuôi con phù hợp nhất:

+ Chỉ không cho bú mẹ khi (và chỉ khi) có đầy đủ điều kiện để sử dụng sữa thay thế, cụ thể về điều kiện kinh tế đầy đủ, khả năng cung ứng sản phẩm thuận tiện và luôn sẵn có.

+ Nếu không thể có đủ điều kiện để sử dụng sữa thay thế, khách hàng HIV(+) có thể cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Trong trường hợp này (cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu), có thể sử dụng BPTT cho bú-vô kinh nhưng cần yêu cầu khách hàng sử dụng bao cao su kèm theo. Khi sử dụng đúng cách và thường xuyên, bao cao su giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV và các NKLTQĐTD. Cho con bú xen kẽ (giữa bú mẹ và các loại sữa khác) có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Cần rút ngắn thời gian cai sữa khi chuyển tiếp từ bú mẹ hoàn toàn sang ăn dặm.

+ Có thể giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV bằng cách vắt sữa mẹ và đun sôi trước khi cho bé ăn bằng thìa.

- Cần tư vấn cho khách hàng HIV(+) về chế độ dinh dưỡng và vệ sinh. Các tình trạng nhiễm khuẩn như: viêm tuyến vú, áp xe và nứt núm vú đều làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.

  • Sử dụng kháng sinh trong sản khoa
  • CHĂM SÓC TRƯỚC KHI CÓ THAI VÀ TRƯỚC KHI SINH TƯ VẤN, CHĂM SÓC TRƯỚC KHI CÓ THAI
  • Hỏi bệnh đối với thai phụ
  • Khám toàn thân cho thai phụ
  • Khám sản khoa
  • Giáo dục sức khỏe trong thai kỳ
  • Ghi chép sổ khám thai
  • Dặn dò sau khám thai
  • Tư vấn cho phụ nữ có thai
  • TƯ VẤN CHO SẢN PHỤ TRONG CHUYỂN DẠ VÀ NGAY SAU ĐẺ
  • Chẩn đoán chuyển dạ
  • KỸ NĂNG SỐNG LIÊN QUAN ĐẾN SỨC KHỎE SINH SẢN/SỨC KHỎE TÌNH DỤC CỦA VỊ THÀNH NIÊN VÀ THANH NIÊN
  • TÌNH DỤC AN TOÀN VÀ ĐỒNG THUẬN
  • KINH NGUYỆT VÀ XUẤT TINH Ở VỊ THÀNH NIÊN
  • Mãn dục nam
  • CHĂM SÓC TRƯỚC SINH
  • Quản lý thai
  • Đái tháo đường thai kỳ
  • Bệnh lý lành tính tuyến vú
  • U xơ tử cung
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    Tiên lượng

    5331/QĐ-BYT.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Tóm tắt

    ICPC2.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Điều trị cụ thể

    2058/QĐ-BYT.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    Thêm tập tin chế bản
    Biểu hiện tâm thần
    2.5. Chẩn đoán phân biệt
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space