BAO CAO SU Bao cao su là một BPTT tạm thời, hiệu quả, an toàn và rẻ tiền. Bao cao su là BPTT có tác dụng bảo vệ kép: vừa có tác dụng tránh thai vừa giúp phòng NKLTQĐTD và HIV/AIDS. Khách hàng nhiễm HIV hoặc có bạn tình nhiễm HIV nên sử dụng bao cao su để tránh thai và phòng NKLTQĐTD/HIV. Bao cao su có hai loại: loại sử dụng cho nam và loại sử dụng cho nữ. - Chỉ định.
- Dùng cho tất cả các trường hợp muốn tránh thai. - Có tác dụng bảo vệ kép vừa tránh thai vừa phòng HIV/AIDS và NKLTQĐTD. - Là BPTT hỗ trợ (ví dụ: những ngày đầu sau thắt ống dẫn tinh, quên uống thuốc tránh thai). - Chống chỉ định.
Dị ứng với latex (đối với loại bao cao su có latex) hoặc các thành phần có trong bao cao su. - Quy trình thực hiện.
3.1. Tư vấn. - Lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu tránh thai của khách hàng. - Chú ý: cho khách hàng xem bao cao su và hướng dẫn cách sử dụng. - Nêu rõ hiệu quả, thuận lợi và không thuận lợi của biện pháp. - Bao cao su là BPTT hiệu quả nếu sử dụng đúng cách và là biện pháp duy nhất có tác dụng bảo vệ kép vừa tránh thai vừa phòng NKLTQĐTD/HIV/AIDS. Tuy nhiên, các vết loét sinh dục hay sùi mào gà có thể lây truyền do tiếp xúc ở những phần không được che phủ bằng bao cao su. - Sử dụng bao cao su kết hợp với các BPTT khác làm gia tăng hiệu quả tránh thai, cao hơn so với chỉ dùng bao cao su. - Nếu khách hàng áp dụng biện pháp kiêng giao hợp, khuyên khách hàng nên chuẩn bị sẵn bao cao su nếu quyết định quan hệ tình dục “luôn có sẵn bao cao su để dùng khi cần”. - Nếu bao cao su bị rách, thủng hoặc tuột khi giao hợp cần áp dụng BPTT khẩn cấp. Nếu phối hợp bao cao su với thuốc diệt tinh trùng thì hiệu quả tránh thai sẽ cao hơn. Không dùng bất cứ loại chất bôi trơn nào thuộc loại tan trong dầu hoặc gốc dầu (như dầu ăn, dầu trẻ em, mỡ, bơ, vaselin...) khi dùng loại bao cao su có latex. 3.2. Thăm khám đánh giá trước khi áp dụng: không cần. 3.3. Thời điểm thực hiện. - Khách hàng chưa sử dụng BPTT: bất kỳ lúc nào. - Khách hàng đang sử dụng BPTT (chuyển đổi): bất kỳ lúc nào. 3.4. Cách sử dụng và bảo quản. - Kiểm tra trước về tình trạng nguyên vẹn của bao cao su và hạn dùng. - Mỗi lần giao hợp đều phải sử dụng bao cao su mới. - Đối với bao cao su nam: lồng bao cao su vào dương vật đang cương trước khi giao hợp, giữ cho vành cuộn của bao nằm phía ngoài. Tháo cuộn vành bao lên tới gốc dương vật, không cần kéo căng. Sau khi xuất tinh, rút dương vật ra lúc còn cương, giữ chặt vành bao cao su ở gốc dương vật trong khi rút dương vật ra để bao khỏi bị tuột và tinh dịch không trào ra ngoài. Chỉ sử dụng mỗi bao cao su 1 lần. - Đối với bao cao su nữ: đặt bao vào trong âm đạo trước khi giao hợp. Cầm lấy vòng tròn nhỏ bóp méo đưa nghiêng vào trong âm đạo, vòng tròn này sẽ bung ra che cổ tử cung. Vòng tròn to nằm ngoài và phủ kín các môi lớn và vùng tiền đình. Bao cao su nữ có thể đặt trước vài giờ nhưng cần tháo sớm sau khi giao hợp xong trước khi ngồi dậy hay đứng dậy để tránh không cho tinh dịch trào ra ngoài. - Bảo quản bao cao su: để nơi thoáng mát và tránh ánh sáng. - Những vấn đề khó khăn khi sử dụng, và cách xử trí.
4.1. Nếu bao cao su bị rách. - Rửa dương vật và âm hộ bằng nước sạch hoặc thuốc diệt tinh trùng (nếu có). - Cần áp dụng BPTT khẩn cấp. 4.2. Nếu có ngứa hoặc nổi ban tại bộ phận sinh dục. - Khám lại khách hàng và bạn tình, tìm kiếm dấu hiệu nhiễm khuẩn. - Nếu không có nhiễm khuẩn mà dị ứng với latex: trong trường hợp nhẹ có thể khuyên khách hàng đổi loại bao cao su khác hoặc có thể giúp đỡ khách hàng lựa chọn BPTT khác nếu khách hàng không có nguy cơ NKLTQĐTD. - Khách hàng có nguy cơ NKLTQĐTD kể cả HIV/AIDS, cần tư vấn kỹ về cách sử dụng đúng và tác dụng bảo vệ kép của bao cao su để khuyến khích khách hàng tiếp tục sử dụng bao cao su. 4.3. Nam giới không duy trì được độ cương khi mang hoặc sử dụng bao cao su. - Thường do bối rối, chưa quen sử dụng: cần hướng dẫn khách hàng và bạn tình hiểu rõ.Bao cao su có chất bôi trơn hoặc sử dụng nước/chất bôi trơn bên ngoài bao. Sử dụng thêm một ít nước hoặc chất bôi trơn tan trong nước có thể làm tăng cảm giác và duy trì độ cương. - Đối với khách hàng HIV (+)
Khách hàng HIV(+) hoặc AIDS hoặc đang điều trị thuốc kháng virus nên sử dụng bao cao su, có thể kết hợp với BPTT khác. Khi sử dụng đúng cách, thường xuyên, bao cao su giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV và các bệnh LTQĐTD. VIÊN THUỐC TRÁNH THAI KẾT HỢP Viên thuốc tránh thai kết hợp là BPTT tạm thời, chứa 2 loại nội tiết là estrogen và progestin. Sử dụng viên thuốc tránh thai kết hợp đòi hỏi khách hàng phải uống thuốc đều đặn. Khách hàng nhiễm HIV hay có bạn tình nhiễm HIV có thể sử dụng viên thuốc tránh thai kết hợp nhưng cần lưu ý là BPTT này không giúp ngăn ngừa NKLTQĐTD và HIV/AIDS. - Chỉ định.
Phụ nữ muốn sử dụng một BPTT tạm thời có hiệu quả cao. - Chống chỉ định.
2.1. Chống chỉ định tuyệt đối. - Có thai hoặc nghi ngờ có thai. - Đang cho con bú trong vòng 6 tuần sau sinh. - Lớn tuổi (≥ 35 tuổi) và hút thuốc lá thường xuyên ≥ 15 điếu/ngày. - Có nhiều nguy cơ bị bệnh mạch vành (lớn tuổi, hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp…) - Tăng huyết áp: HA tâm thu ≥ 160 mmHg, HA tâm trương ≥ 100 mmHg). - Đã hoặc đang bị bệnh lý tim mạch và đông máu như (i) bệnh lý mạch máu, hoặc (ii) thuyên tắc tĩnh mạch sâu, hoặc (iii) thuyên tắc phổi, hoặc (iv) bệnh lý đông máu, hoặc (v) bệnh thiếu máu cơ tim, hoặc (vi) bệnh lý van tim phức tạp, hoặc (vii) tai biến mạch máu não, hoặc (viii) cơ địa huyết khối di truyền. - Sắp phẫu thuật phải nằm trên 1 tuần. - Đau nửa đầu (migrain). - Đang bị ung thư vú. - Đái tháo đường có biến chứng (thận, thần kinh, võng mạc, mạch máu). - Đang bị lupus ban đỏ hệ thống và có kháng thể kháng phospholipid (hoặc không làm xét nghiệm). - Đang bị bệnh gan nặng có suy giảm chức năng gan trầm trọng như (i) viêm gan cấp đang diễn tiến, hoặc (ii) xơ gan mất bù, hoặc (iii) u gan (ngoại trừ trường hợp tăng sinh lành tính dạng nốt-benign focal nodular hyperplasia). 2.2 Chống chỉ định tương đối. - Đang cho con bú sau sinh từ 6 tuần đến 6 tháng hoặc không cho con bú trong vòng 4 tuần sau sinh. - Lớn tuổi (≥ 35 tuổi) và hút thuốc lá dưới 15 điếu/ngày. - Đã hoặc đang bị tăng huyết áp: HA tâm thu từ 140 đến 159 mmHg hoặc HA tâm trương từ 90 đến 99 mmHg). - Đã hoặc đang bị tăng lipid máu hoặc tăng cholesterol do uống thuốc tránh thai. - Đã từng bị ung thư vú và không có biểu hiện tái phát trong vòng 5 năm trở lại. - Sỏi mật đang điều trị nội khoa hoặc xơ gan còn bù - Đang sử dụng một số loại thuốc như rifampicin/rifabutin, thuốc kháng virus nhóm ức chế protease Ritonavir-booster (Ritonavir-booster protease inhibitor) và một số thuốc chống co giật như phenytoin, carbamazepin, barbiturat, primidon, topiramat, oxcarbazepin hoặc lamotrigin. - Quy trình thực hiện.
3.1 Tư vấn. Tìm hiểu nhu cầu của khách hàng về viên thuốc tránh thai kết hợp Cung cấp thông tin về hiệu quả, những thuận lợi, khó khăn, tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc. Lưu ý biện pháp này không có tác dụng phòng, tránh NKĐSS, NKLTQĐTD Giới thiệu và hướng dẫn cách sử dụng trên vỉ thuốc Trong 3 tháng đầu uống thuốc phải đến cơ sở y tế khám, đo huyết áp, cân nặng và định kỳ khám lại theo hẹn Khách hàng có thể đến khám và tư vấn bất cứ lúc nào nếu thấy có dấu hiệu khác thường. 3.2 Thăm khám đánh giá trước khi áp dụng BPTT. Hỏi kỹ tiền sử và khám lâm sàng để phát hiện chống chỉ định. Thăm khám để loại trừ có thai. 3.3 Thời điểm thực hiện. 3.3.1. Khách hàng hiện đang không sử dụng BPTT sẽ bắt đầu uống thuốc. - Trong vòng 5 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh hoặc trong vòng 7 ngày sau phá thai/sẩy thai. - Ở bất cứ thời điểm nào nếu biết chắc là không có thai. Cần phải sử dụng thêm BPTT hỗ trợ (như tránh giao hợp hoặc sử dụng bao cao su…) trong 7 ngày kế tiếp nếu: (i) bắt đầu sau 5 ngày đầu của chu kỳ kinh, hoặc (ii) không có kinh, hoặc (iii) bắt đầu từ tuần thứ 4 sau sinh nếu không cho con bú và chưa có kinh trở lại. 3.3.2. Khách hàng đang sử dụng BPTT nội tiết sẽ bắt đầu uống thuốc. - Ngay lập tức nếu đang sử dụng liên tục và đúng cách hoặc nếu biết chắc là không có thai hoặc ở thời điểm lặp lại mũi tiêm. 3.3.3. Khách hàng đang sử dụng BPTT không nội tiết sẽ bắt đầu uống thuốc - Trong vòng 5 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh. Những khách hàng đang sử dụng DCTC có thể được lấy DCTC ở thời điểm này. - Ở bất cứ thời điểm nào nếu biết chắc là không có thai. Nếu bắt đầu uống thuốc sau có kinh hơn 5 ngày, khách hàng cần phải sử dụng thêm BPTT hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp. Những khách hàng đang sử dụng DCTC có thể được lấy DCTC ở chu kỳ kinh sau. 3.4 Cách sử dụng. - Uống mỗi ngày 1 viên, nên vào giờ nhất định để dễ nhớ, theo chiều mũi tên trên vỉ thuốc (vỉ thuốc nên dán ngày để tránh quên). - Khi hết vỉ thuốc, phải uống viên đầu tiên của vỉ tiếp theo vào ngày hôm sau dù đang còn kinh (với vỉ 28 viên) hoặc nghỉ 7 ngày rồi dùng tiếp vỉ sau, dù đang còn kinh (với vỉ 21 viên). - Những vấn đề khó khăn khi uống thuốc và cách xử trí.
4.1. Quên uống thuốc. Quên uống thuốc sẽ làm tăng nguy cơ thất bại, đặc biệt nếu quên uống thuốc trong tuần lễ đầu hoặc tuần lễ thứ ba của tháng. Cách xử trí như sau: 4.1.1. Quên uống viên thuốc có nội tiết (từ viên thứ nhất đến viên thứ 21) - Nếu quên 1 hoặc 2 viên (đối với loại thuốc có nồng độ estrogen 30-35 mcg) hoặc quên 1 viên (đối với loại thuốc có nồng độ estrogen ≤ 20 mcg) hoặc bắt đầu vỉ thuốc chậm từ 1-2 ngày: cần uống một viên ngay khi nhớ ra và tiếp tục uống mỗi ngày một viên như thường lệ. - Nếu quên từ 3 viên trở lên (đối với loại thuốc có nồng độ estrogen 30-35 mcg) hoặc quên từ 2 viên trở lên (đối với loại thuốc có nồng độ estrogen ≤ 20 mcg) hoặc bắt đầu vỉ thuốc chậm từ 3 ngày trở lên: cần uống ngay một viên ngay khi nhớ ra và tiếp tục uống mỗi ngày một viên như thường lệ. Khách hàng cần thêm BPTT hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp. + Nếu xảy ra ở tuần lễ thứ nhất (bắt đầu vỉ thuốc) và có giao hợp không bảo vệ trong vòng 5 ngày vừa qua, khách hàng cần sử dụng thêm BPTT khẩn cấp. + Nếu xảy ra ở tuần lễ thứ ba, khách hàng cần uống tiếp những viên thuốc có nội tiết, bỏ các viên thuốc nhắc và tiếp tục ngay vào vỉ thuốc mới. 4.1.2. Quên uống viên thuốc nhắc (từ viên thứ 22 đến viên thứ 28). - Bỏ viên thuốc quên, uống tiếp viên thuốc kế. 4.2. Nôn trong vòng 2 giờ sau uống thuốc. - Uống lại một viên thuốc khác. 4.3. Nôn nhiều và tiêu chảy sau uống thuốc. - Nếu xảy ra trong vòng 24 giờ, cần tiếp tục uống thuốc theo đúng lịch. - Nếu xảy ra liên tục từ 2 ngày trở lên, sẽ thực hiện giống như trường hợp quên uống thuốc. 4.4. Rối loạn kinh nguyệt. 4.4.1. Kinh nguyệt không đều. - Trấn an khách hàng rằng nhiều phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai cũng có tình trạng kinh nguyệt không đều, tình trạng này sẽ giảm và hết sau vài tháng sử dụng thuốc. - Hỏi khách hàng các nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này, bao gồm: (i) quên thuốc, (ii) uống thuốc vào những thời điểm khác nhau mỗi ngày, (iii) nôn hoặc tiêu chảy, hoặc (iv) bắt đầu uống thuốc chống co giật hoặc rifampicin - Xử trí tình trạng rối loạn kinh nguyệt: + Yêu cầu khách hàng uống thuốc mỗi ngày và vào thời điểm tương tự nhau + Hướng dẫn cách xử trí khi quên thuốc (kể cả khi bị nôn hoặc tiêu chảy) + Kê đơn: ibuprofen (hoặc các thuốc kháng viêm không steroid khác). + Đề nghị khách hàng uống loại thuốc tránh thai khác ít nhất trong 3 tháng nếu khách hàng đã uống thuốc tránh thai nhiều tháng và tình trạng rối loạn kinh nguyệt không hết sau khi uống thuốc kháng viêm 4.4.2. Mất kinh. - Trấn an khách hàng rằng nhiều phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai cũng bị mất kinh - Hỏi khách hàng xem có uống thuốc đều mỗi ngày không? Nếu có uống đều thì khuyên khách hàng tiếp tục uống thuốc; nếu không chắc chắn uống thuốc đều thì nên thử thai. - Hỏi xem khách hàng có bỏ không uống 7 viên thuốc nhắc (vỉ 28 viên) hoặc không chờ 7 ngày sau khi uống xong vỉ thuốc (vỉ 21 viên) không? Nếu có thì giải thích nguyên nhân không có kinh và khuyên khách hàng tiếp tục uống. - Hỏi xem khách hàng có quên uống thuốc hoặc bắt đầu uống vỉ thuốc mới trễ không? Nếu có thì xử trí như phần “Quên thuốc”. 4.4.3. Ra máu hoặc ra máu quá nhiều (từ gấp đôi bình thường trở lên) hoặc kéo dài (từ 8 ngày trở lên). Khám toàn diện để tìm nguyên nhân. Trong quá trình khám bệnh khách hàng vẫn có thể tiếp tục sử dụng thuốc tránh thai. 4.5. Một số vấn đề khác. 4.5.1. Nhức đầu. - Có thể kê đơn một trong các loại thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen hoặc paracetamol… - Khám toàn diện nếu tình trạng nhức đầu không giảm hoặc trầm trọng hơn - Khuyên khách hàng sử dụng BPTT khác hoặc chuyển sang loại thuốc tránh thai không có estrogen nếu khách hàng bắt đầu bị nhức nửa đầu (migrain) hoặc tình trạng nhức nửa đầu trở nên trầm trọng hơn. 4.5.2. Buồn nôn hoặc chóng mặt. - Khuyên khách hàng uống thuốc trước khi ngủ hoặc uống thuốc trong khi ăn. 4.5.3. Căng ngực. - Khuyên khách hàng thử chường ngực bằng khăn lạnh hoặc ấm. - Có thể kê đơn một trong các loại thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen hoặc paracetamol… 4.5.4. Mụn. - Đề nghị khách hàng uống loại thuốc tránh thai khác ít nhất trong 3 tháng nếu khách hàng đã uống thuốc tránh thai nhiều tháng và tình trạng mụn vẫn không giảm hoặc gia tăng. 4.5.5 Khách hàng bắt đầu sử dụng các thuốc ngừa co giật hoặc rifampicin (các thuốc này có thể làm giảm tác dụng của thuốc ngừa thai). - Nếu khách hàng sử dụng thuốc ngừa co giật hoặc rifampicin kéo dài: cần chuyển sang BPTT khác. - Nếu khách hàng sử dụng thuốc ngừa co giật hoặc rifampicin trong thời gian ngắn: có thể tiếp tục sử dụng thuốc tránh thai kèm với các BPTT hỗ trợ. 4.5.6. Khách hàng phải nằm bất động một thời gian (từ một vài tuần trở lên). - Nhắc khách hàng báo cho bác sĩ phẫu thuật (nếu phải phẫu thuật) là mình đang uống thuốc tránh thai. - Yêu cầu khách hàng ngưng thuốc tránh thai và sử dụng các biện pháp tránh thai hỗ trợ khác trong thời gian này. - Bắt đầu sử dụng lại thuốc tránh thai 2 tuần sau khi khách hàng đi lại được. 4.5.7. Xuất hiện các dấu hiệu của bệnh lý nội khoa (như bệnh tim, gan, tăng huyết áp hoặc tắc mạch…) - Yêu cầu khách hàng ngừng uống thuốc và sử dụng các BPTT hỗ trợ khác trong thời gian chẩn đoán bệnh. 4.5.8. Nghi ngờ có thai. - Xác định tình trạng thai. - Yêu cầu khách hàng ngừng thuốc nếu chắc chắn có thai. Không có bằng chứng về nguy cơ lên thai khi sử dụng thuốc tránh thai trong lúc mang thai. - Đối với khách hàng HIV(+).
- Khách hàng HIV(+)hoặc đang điều trị thuốc kháng virus có thể sử dụng viên thuốc tránh thai kết hợp. - Yêu cầu sử dụng bao cao su kèm theo khi sử dụng viên thuốc tránh thai kết hợp. giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV và các NKLTQĐTD. VIÊN THUỐC TRÁNH THAI CHỈ CÓ PROGESTIN Viên thuốc tránh thai chỉ có progestin là BPTT tạm thời, chứa một lượng nhỏ progestin, không có estrogen. Sử dụng viên thuốc tránh thai chỉ có progestin đòi hỏi khách hàng phải uống thuốc đều đặn và đúng giờ. Khách hàng nhiễm HIV hay có bạn tình nhiễm HIV có thể sử dụng viên thuốc chỉ có progestin nhưng cần lưu ý là BPTT này không giúp ngăn ngừa NKLTQĐTD và HIV/AIDS. - Chỉ định.
Phụ nữ muốn sử dụng một BPTT tạm thời có hiệu quả, đặc biệt thích hợp cho phụ nữ đang cho con bú hoặc có chống chỉ định thuốc tránh thai kết hợp. - Chống chỉ định.
2.1. Chống chỉ định tuyệt đối. - Có thai. - Đang bị ung thư vú. 2.2. Chống chỉ định tương đối. - Đang bị thuyên tắc tĩnh mạch sâu/thuyên tắc phổi. - Đang bị lupus ban đỏ hệ thống và có kháng thể kháng phospholipid (hoặc không làm xét nghiệm) hoặc có giảm tiểu cầu trầm trọng. - Đã từng bị ung thư vú và không có biểu hiện tái phát trong vòng 5 năm trở lại. - Xơ gan mất bù có suy giảm chức năng gan trầm trọng, hoặc u gan (ngoại trừ trường hợp tăng sinh lành tính dạng nốt-benign focal nodular hyperplasia). - Đang sử dụng một số loại thuốc như rifampicin/rifabutin, thuốc kháng virus nhóm ức chế protease Ritonavir-booster (Ritonavir-booster protease inhibitor) và một số thuốc chống co giật như phenytoin, carbamazepin, barbiturat, primidon, topiramat, oxcarbazepin. - Quy trình thực hiện.
3.1. Tư vấn. - Tìm hiểu nhu cầu của khách hàng về viên thuốc tránh thai chỉ có progestin - Thích hợp cho những khách hàng đang cho con bú hoặc không thể sử dụng thuốc viên tránh thai kết hợp. - Cung cấp thông tin về hiệu quả, những thuận lợi, khó khăn, tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc. Lưu ý: viên thuốc chỉ có progestin thường hay gây rối loạn kinh nguyệt hơn (đặc biệt với phụ nữ sau sinh không cho con bú). - Không có tác dụng phòng, tránh NKĐSS, NKLTQĐTD - Giới thiệu và hướng dẫn cách sử dụng trên vỉ thuốc. Những khách hàng không thể uống thuốc đúng giờ nên tư vấn chọn BPTT khác. - Trong 3 tháng đầu uống thuốc phải đến cơ sở y tế khám, đo huyết áp, cân nặng và định kỳ khám lại theo hẹn Khách hàng có thể đến khám lại và tư vấn bất cứ lúc nào. 3.2. Thăm khám đánh giá trước khi áp dụng BPTT. - Hỏi kỹ tiền sử và khám lâm sàng để phát hiện chống chỉ định. - Thăm khám để loại trừ có thai. 3.3. Thời điểm thực hiện. 3.3.1. Khách hàng chưa sử dụng BPTT sẽ bắt đầu uống thuốc. - Sau sinh: ngay khi có sữa. - Trong vòng 5 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh (kể cả những trường hợp sau sinh đã có kinh lại) hoặc trong vòng 6 tuần đầu sau sinh hoặc trong vòng 7 ngày sau phá thai. - Ở bất cứ thời điểm nào nếu biết chắc là không có thai. Cần phải sử dụng thêm BPTT hỗ trợ (như tránh giao hợp hoặc sử dụng bao cao su…) trong 2 ngày kế tiếp nếu: (i) bắt đầu sau 5 ngày đầu của chu kỳ kinh, hoặc (ii) không có kinh (kể cả bắt đầu từ tuần thứ 4 sau sinh và không cho con bú). 3.3.2. Khách hàng đang sử dụng BPTT nội tiết sẽ bắt đầu uống thuốc. - Ngay lập tức nếu đang sử dụng liên tục và đúng cách hoặc nếu biết chắc là không có thai hoặc ở thời điểm lặp lại mũi tiêm. 3.3.3. Khách hàng đang sử dụng BPTT không nội tiết sẽ bắt đầu uống thuốc. - Trong vòng 5 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh. Những khách hàng đang sử dụng DCTC có thể được lấy DCTC ở thời điểm này. - Ở bất cứ thời điểm nào nếu biết chắc là không có thai. Nếu bắt đầu uống thuốc sau có kinh > 5 ngày, khách hàng cần phải sử dụng thêm BPTT hỗ trợ trong 2 ngày kế tiếp. Những khách hàng đang sử dụng DCTC có thể được lấy DCTC ở chu kỳ kinh sau. 3.4. Cách sử dụng. - Uống mỗi ngày 1 viên, phải uống vào một giờ nhất định, theo chiều mũi tên trên vỉ thuốc. Uống thuốc trễ 3 giờ trở lên phải được xử trí như quên thuốc. - Dùng vỉ kế tiếp ngay sau khi hết vỉ trước, không ngừng giữa hai vỉ. - Những vấn đề khó khăn xảy ra khi uống thuốc và cách xử trí.
4.1. Quên uống thuốc (một viên hoặc nhiều hơn) hoặc uống trễ 3 giờ trở lên. 4.1.1. Khách hàng đã có kinh (kể cả đang cho con bú). - Uống một viên ngay khi nhớ và tiếp tục uống mỗi ngày một viên như thường lệ. - Cần sử dụng thêm BPTT hỗ trợ trong 2 ngày tiếp theo. Có thể cân nhắc sử dụng thêm BPTT khẩn cấp nếu có nguy cơ cao. 4.1.2. Khách hàng chưa có kinh và đang cho con bú. - Uống một viên ngay khi nhớ ra và tiếp tục uống mỗi ngày một viên như thường lệ. - Cần sử dụng thêm BPTT hỗ trợ trong 2 ngày, nếu sau 6 tháng hậu sản. 4.2. Nôn trong vòng 2 giờ sau uống thuốc. - Uống lại một viên thuốc khác. 4.3. Nôn nhiều và tiêu chảy sau uống thuốc. - Nếu xảy ra trong vòng 24 giờ: cần tiếp tục uống thuốc theo đúng lịch. - Nếu xảy ra liên tục từ 2 ngày trở lên: thực hiện giống như trường hợp quên uống thuốc. 4.4. Rối loạn kinh nguyệt. 4.4.1. Vô kinh. - Nếu đang cho con bú: trấn an khách hàng rằng nhiều phụ nữ đang cho con bú sử dụng thuốc tránh thai cũng bị mất kinh và điều này không nguy hiểm. - Thử thai nếu khách hàng không chắc chắn uống thuốc đều. 4.4.2. Kinh nguyệt không đều hoặc ra máu thấm giọt. - Trấn an khách hàng rằng nhiều phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai cũng bị tình trạng kinh nguyệt không đều, tình trạng này sẽ giảm và hết sau vài tháng sử dụng thuốc. Đặc biệt là bản thân nhiều phụ nữ đang cho con bú cũng có kinh nguyệt không đều. - Hỏi khách hàng các nguyên nhân có thể gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều bao gồm: (i) nôn hoặc tiêu chảy, hoặc (ii) bắt đầu uống thuốc chống co giật hoặc rifampicin. - Xử trí tình trạng rối loạn kinh nguyệt: + Hướng dẫn cách uống thuốc đúng (kể cả khi bị nôn hoặc tiêu chảy). + Kê đơn: ibuprofen hoặc các thuốc kháng viêm không steroid khác. + Đề nghị khách hàng uống loại thuốc tránh thai khác ít nhất trong 3 tháng nếu khách hàng đã uống thuốc tránh thai nhiều tháng và tình trạng rối loạn kinh nguyệt không hết sau khi uống thuốc kháng viêm. - Nếu tình trạng rối loạn kinh nguyệt xuất hiện sau vài tháng có kinh bình thường hoặc sau một thời gian vô kinh hoặc tiếp tục không hết hoặc nghi ngờ có nguyên nhân bệnh lý khác: cần khám toàn diện để tìm nguyên nhân. 4.4.3. Ra máu hoặc quá nhiều (từ gấp đôi bình thường trở lên) hoặc kéo dài (từ 8 ngày trở lên). - Trấn an khách hàng rằng tình trạng này đôi khi cũng xảy ra ở nhiều phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai, tình trạng này sẽ giảm và hết sau vài tháng sử dụng thuốc. - Có thể xử trí ban đầu như những khách hàng bị kinh nguyệt không đều sau uống thuốc - Nếu tình trạng ra máu nhiều xuất hiện sau vài tháng có kinh bình thường hoặc sau một thời gian vô kinh, hoặc tiếp tục không hết, hoặc nghi ngờ có nguyên nhân bệnh lý khác: cần khám toàn diện để tìm nguyên nhân. Trong quá trình khám khách hàng vẫn có thể tiếp tục sử dụng thuốc tránh thai. 4.4.4 Không tiếp tục sử dụng nếu khách hàng: + Bị tai biến mạch máu não hoặc thiếu máu cơ tim + Đau nửa đầu có kèm mờ mắt 4.5. Một số vấn đề khác. 4.5.1. Nhức đầu. - Có thể sử dụng một trong các loại thuốc giảm đau nhóm non-steroid (ví dụ: ibuprofen hoặc paracetamol…). - Khám toàn diện nếu tình trạng nhức đầu không giảm hoặc trầm trọng hơn. - Khuyên khách hàng ngưng thuốc và sử dụng BPTT không có nội tiết nếu khách hàng bắt đầu bị nhức nửa đầu (migrain) có kèm mờ mắt. Trường hợp khách hàng nhức nửa đầu không kèm mờ mắt thì vẫn có thể tiếp tục sử dụng thuốc tránh thai chỉ chứa progestogen nếu muốn. 4.5.2. Căng ngực. - Nếu đang cho con bú: + Thăm khám và xử trí căng ngực do căng sữa, tắc ống dẫn sữa, nứt núm vú. + Khuyên khách hàng vẫn tiếp tục uống thuốc và theo dõi - Nếu khách hàng không cho con bú: + Khuyên khách hàng thử chườm ngực bằng khăn lạnh hoặc ấm. + Có thể sử dụng một trong các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm non-steroid (Ví dụ: ibuprofen, paracetamol…). 4.5.3. Đau nặng bụng dưới. Cần loại trừ nang, khối u buồng trứng, viêm ruột thừa, viêm vùng chậu hoặc thai ngoài tử cung. - Nang cơ năng buồng trứng: giải thích nang thường tự biến mất, nếu có thể khám lại sau 3 tuần. - Đau do các nguyên nhân khác: không cần ngừng thuốc. 4.5.4. Buồn nôn hoặc chóng mặt. - Khuyên khách hàng uống thuốc trước khi ngủ hoặc uống trong khi ăn 4.5.5. Khách hàng bắt đầu sử dụng các thuốc ngừa co giật hoặc rifampicin (các thuốc này có thể làm giảm tác dụng của thuốc ngừa thai). - Nếu khách hàng sử dụng thuốc ngừa co giật hoặc rifampicin kéo dài: cần chuyển sang BPTT khác. - Nếu khách hàng sử dụng thuốc ngừa co giật hoặc rifampicin trong thời gian ngắn: có thể tiếp tục sử dụng thuốc tránh thai kèm với các BPTT hỗ trợ. 4.5.6. Xuất hiện các dấu hiệu của bệnh lý nội khoa (như nghi tắc mạch sâu ở chân hoặc phổi hoặc ung thư vú…). - Yêu cầu khách hàng ngừng thuốc tránh thai và sử dụng các BPTT hỗ trợ khác trong thời gian chẩn đoán bệnh. 4.5.7. Nghi ngờ có thai. - Xác định tình trạng thai. - Yêu cầu khách hàng ngừng thuốc tránh thai nếu chắc chắn có thai. Không có bằng chứng về nguy cơ lên thai khi sử dụng thuốc tránh thai trong lúc mang thai. - Đối với khách hàng HIV(+).
- Khách hàng HIV(+) hoặc đang điều trị thuốc kháng virus có thể sử dụng viên thuốc tránh thai chỉ có progestin. - Yêu cầu khách hàng sử dụng bao cao su kèm theo khi sử dụng viên thuốc tránh thai chỉ có progestin giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV và các NKLTQĐTD.
|