- ĐẠI CƯƠNG
- Nhiễm herpes sinh dục (HSV) là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, có triệu chứng hoặc không. Bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý người bệnh vì triệu chứng xảy ra ở vùng sinh dục, diễn biến mạn tính và tái phát, hiện chưa điều trị khỏi được và lây cho bạn tình, có thể lây cho trẻ sơ sinh khi mẹ bị bệnh.
- Bệnh thường xảy ra ở người trẻ, trong độ tuổi hoạt động tình dục mạnh, gặp nhiều ở các nhóm có hành vi tình dục nguy cơ cao. Tỷ lệ hiện mắc tùy theo vùng địa lý, nhóm đối tượng, tỷ lệ chung ở người lớn khoảng hơn 20% đến 70-80%. Tỷ lệ lây truyền giữa cặp vợ chồng khi một người bị nhiễm là 10%/năm. HSV sinh dục làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.
- NGUYÊN NHÂN
Tác nhân gây bệnh chủ yếu là HSV-2, nhưng HSV-1 hiện nay đang có xu hướng tăng do quan hệ miệng-sinh dục.
- CHẨN ĐOÁN
- a) Chẩn đoán xác định
- Lâm sàng
+ Nhiễm HSV sinh dục tiên phát Thời gian ủ bệnh khoảng 1 tuần. Đa số không có triệu chứng.
Ban đầu là sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ và có thể có biểu hiện viêm màng não vô khuẩn. Các triệu chứng trên nặng nhất khoảng 3-4 ngày sau khi xuất hiện mụn nước và giảm rồi mất đi sau 3-4 ngày.
Triệu chứng tại chỗ tùy theo vị trí thương tổn: có thể đau, ngứa, tiểu khó, đau lưng, tiết dịch niệu đạo và/hoặc tiết dịch âm đạo. Biểu hiện là đám thương tổn mụn nước thành chùm, nhanh chóng thành mụn mủ rồi vỡ để lại vết trợt nông, đôi khi bội nhiễm thành vết loét. Thương tổn có thể có vảy tiết, lành sau 2-4 tuần.
Hạch bẹn sưng đau, có thể sưng hạch tiểu khung gây đau tiểu khung. Một số trường hợp có bệnh cảnh lâm sàng nặng, lan rộng các thương tổn và cần phải điều trị tích cực.
+ Nhiễm HSV sinh dục tái phát
Các thương tổn tái phát có thể xảy ra tại vùng thương tổn cũ. Tuy nhiên, lâm sàng thường không nặng và rõ như nhiễm HSV tiên phát. Thời gian diễn biến bệnh khoảng 1-2 tuần.
Triệu chứng cơ năng: ngứa, cảm giác bỏng rát, kích thích khó chịu trước khi xuất hiện mụn nước. Triệu chứng khác có thể là tiểu khó, đau thần kinh hông, khó chịu ở trực tràng.
- Xét nghiệm
+ Chẩn đoán tế bào Tzanck: nhuộm Giemsa hoặc Wright dịch mụn nước thấy ly gai và tế bào có nhân khổng lồ. Giá trị chẩn đoán 75% trường hợp thương tổn mới.
+ Miễn dịch huỳnh quang trực tiếp: dùng kháng thể đơn dòng có thể phát hiện được HSV-1 và HSV-2.
+ Nuôi cấy HSV.
+ Xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể kháng HSV-1 và HSV-2.
+ PCR với HSV-1 và HSV-2.
- b) Chẩn đoán phân biệt
- Giang mai 1: săng giang mai
- Hạ cam mềm
- Bệnh áp tơ, Behcet
- Nấm Candida có thể gây các vết trợt
- Hồng ban cố định nhiễm sắc...
- ĐIỀU TRỊ
- a) Nguyên tắc chung
- Bệnh thường tự khỏi sau 2-3 tuần.
- Điều trị tại chỗ chống bội nhiễm và dùng thuốc kháng virút đường uống làm giảm triệu chứng bệnh và hạn chế bài xuất HSV.
- b) Điều trị cụ thể
- Tại chỗ
+ Dùng các dung dịch sát khuẩn như milian, betadin và có thể bôi kem acyclovir khi mới xuất hiện mụn nước. Acyclovir bôi cứ 3 giờ/1 lần, ngày bôi 6 lần trong 7 ngày.
+ Thuốc bôi càng sớm càng tốt, có hiệu quả với các thương tổn nhẹ và vừa trên người bệnh bình thường.
- Toàn thân: các thuốc kháng virút như acyclovir, valaciclovir, famciclovir.
Thuốc có hiệu quả điều trị nhiễm HSV tiên phát hơn là tái phát.
+ Acyclovir 400mg, uống ngày 3 viên, chia đều 3 lần trong ngày hoặc acyclovir 200mg, uống ngày 5 viên chia đều 5 lần trong ngày, điều trị 7-10 ngày, hoặc:
+ Valacyclovir 1g uống 2 lần/ ngày trong 7-10 ngày, hoặc
+ Famciclovir 250mg, uống ngày 3 lần trong 5-10 ngày.
+ Điều trị nhiễm HSV tái phát: cần điều trị khi có triệu chứng hoặc trong 2 ngày khi triệu chứng xuất hiện. Hiệu quả làm bệnh diễn biến ngắn hơn, giảm triệu chứng nhưng không ngăn ngừa được tái phát. Liều dùng như trong điều trị bệnh tiên phát.
+ Điều trị liều duy trì tránh tái phát và hạn chế bài xuất HSV: acyclovir 400mg, uống ngày 2 viên, dùng liên tục trong 1 năm.
+ Điều trị cho người bệnh suy giảm miễn dịch và HSV kháng lại acyclovir theo phác đồ riêng.
- PHÒNG BỆNH
Đối với nhiễm HSV sinh dục là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, phải thực hiện các biện pháp phòng tránh như với các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Bao cao su có hiệu quả phòng tránh lây truyền bệnh nhưng không đạt được hiệu quả 100%. Hơn nữa, do nhiễm HSV có nguy cơ rất cao lây truyền HIV nên đặc biệt quan tâm đến bệnh này trong chương trình phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục và cả HIV/AIDS.
|