Hoạt động đi đứng thuộc chức năng cơ bản, liên quan đến hoạt động hằng ngày. Hầu như, khi di chuyển, tất cả các cử động – phối hợp – cân bằng cơ thể đều được thực hiện một cách tự động (không ý thức) hoặc có thể cố ý (có ý thức liên quan đến các tư thế không tư nhiên). Cơ chế sinh lý của phối hợp giữa các hệ cơ quan là phức tạp. Việc hiểu được cơ chế sẽ giúp chúng ta trong xác định nguyên nhân của mất thăng bằng – rối loạn dáng đi1.
Trong hoạt động di chuyển, không chỉ có những động tác đẩy cơ thể đến trước, các hoạt động kiểm soát cân bằng trọng lượng, kiểm soát tư thể phối hợp giữa 2 bên cơ thể liên tục giữa trạng thái chuyển động – đứng lại được diễn ra đồng thời và liên tục. Trọng tâm của cơ thể nằm khá cao và liên tục thay đổi theo tư thế của thân người cho thấy sự phức tạp của việc kiểm soát sự cân bằng ổn định khi đứng.
Ở trạng thái đứng yên, trọng tâm của cơ thể phải được giữ trong vùng diện tích hẹp được tạo bởi 2 bàn chân. Trong trường hợp di chuyển, phần diện tích này không còn rõ ràng và thay đổi tùy theo hướng và vị trí đặt của chân trong nhịp bước kế tiếp. Chỉ cần thay đổi nhỏ (cả về thời điểm - vị trí đặt chân, tính toán bước chân, sự do dự của bước chân… gặp trong hụt bước chân) đều có thể gây mất thăng bằng, té ngã. Có thể nói việc giữ được thăng bằng - dáng đi tốt yêu cầu hoạt động sinh lý và phối hợp của nhiều hệ cơ quan. Vai trò của bác sĩ là cần xác định cơ quan không hoạt động tốt để có hướng điều trị phù hợp.
|