Đối với bệnh nhân đến khám vì than phiền chủ yếu là ho, chúng ta cần: Khai thác bệnh sử một cách toàn diện:
• Hoàn cảnh khởi phát: đột ngột (dị vật đường thở), sau cảm lạnh ( nhiễm siêu vi)…
• Thời gian ho cấp tính – mãn tính
• Thời điểm ho buổi sáng – buổi tối – cả ngày
• Đặc tính của ho: ho khan, ho có đờm, ho ra máu…
• Triệu chứng đi kèm: sốt, khó thở, khò khè, nôn ói…
Tiền căn: hút thuốc lá; tiền căn dị ứng; tiếp xúc dị nguyên; tiền căn hen phế quản viêm đường hô hấp trên, viêm thực quản (nóng rát vùng sau xương ức, ợ hơi chua), thở nhanh, chóng mặt khi ho nhiều; môi trường sống và làm việc…
Khi quan sát – nghe cơn ho, chúng ta cần chú ý một số đặc điểm sau: kiểu ho ong ỏng gây ra bởi nguyên nhân tại thanh quản; kiểu ho có tiếng lọc sọc (tiếng đàm di chuyển trong đường thở) gợi ý tình trạng bệnh tại khí quản – phế quản; kiểu ho kèm tiếng rít gặp trong bệnh cảnh co thắt đường thở; kiểu ho khục khặc từng đợt nhiều tiếng gợi ý bệnh lý kích thích vùng khí quản.
Khi triệu chứng ho xuất hiện trong bệnh cảnh phối hợp với triệu chứng sốt và viêm đa màng nguyên nhân thường là do siêu vi (xem thêm bài tiếp cận triệu chứng sốt). Nếu tác nhân nhiễm trùng là vi trùng hoặc mycoplasma, ho thường là triệu chứng đơn thuần duy nhất vào giai đoạn sớm. Bệnh diễn tính từ từ sau nhiều giờ hoặc nhiều ngày, chất đàm tiết thường dầy và có màu vàng (thể hiện tình trạng đàm tiết tồn lưu lâu trong đường thở). Chuyên biệt đối với tác nhân nhiễm trùng là mycoplasma, triệu chứng ho có thể kéo dài từ 1 đến 4 tháng trong khi các triệu chứng-dấu chứng khác như sốt, mệt mỏi, đau cơ – khớp thì mất nhanh sau 7-10 ngày đầu của bệnh.
Về thời gian của đợt bệnh, đối với bệnh đường hô hấp trên hoặc viêm phổi – viêm phế quản do siêu vi, triệu chứng ho thường kéo dài từ 7-10 ngày. Nếu ho kéo dài hơn 14 ngày, chúng ta nên nghĩ đến giả thuyết có tác nhân bội nhiễm khác xuất hiện trên nền bệnh nhiễm siêu vi.
Nếu ho có kèm theo hơi thở nông và ran rít hai bên phế trường, phải nghĩ đến chẩn đoán hen phế quản. Đặc điểm ho trong bệnh hen phế quản khởi phát nhanh và ra khỏi cơn nhanh, thường không có nhiều đờm, nếu có đờm thì chỉ có ít đờm trắng do chất tiết từ lớp biểu mô. Ho do nguyên nhân hen phế quản thường nặng lên vào buổi chiều (hoặc trong bối cảnh phơi nhiễm với dị nguyên ở nơi làm, nơi sinh sống), phối hợp với dấu chứng ran rít, liên đới đến một tác nhân kích thích cụ thể và thường liên quan đến yếu tố tiền căn và gia đình ví dụ như hen, dị ứng, chàm da.
Bệnh nhân có triệu chứng ho cấp hoặc mãn tính đều có thể do nguyên nhân ho kích thích của hội chứng chảy dịch mũi sau. Do triệu chứng không đặc hiệu, các đồng nghiệp lâm sàng thường không để ý đến chẩn đoán này. Bệnh nhân thường đến khám với bệnh cảnh đã được điều trị bệnh viêm phế quản bằng các thuốc kháng sinh khác nhau trong thời gian dài nhưng không thuyên giảm, kèm với đặc điểm quan trọng là ho thường đi kèm với triệu chứng khó chịu vùng sau họng (ngứa vùng họng). Đặc điểm ho có xuất hiện rải rác trong ngày và thường nặng lên vào buổi sáng hoặc buổi tối khi mà người bệnh bắt đầu chú ý đến tình trạng khó chịu tại cổ. Chúng ta cần đặt câu hỏi về cảm giác nuốt đàm vùng họng, tần suất khạc đờm vùng họng. Khi thăm khám sẽ thấy có đờm nhầy vùng họng sau, biểu mô thành sau họng có hình lát gạch, có thể kèm theo các dấu của viêm mũi – xoang như sưng-sung huyết cuống mũi giữa qua soi mũi trước bằng dụng cụ.
Nếu có tình trạng ho xuất nhiều vào ban đêm cùng với dấu chứng khó thở nhanh nông trên bệnh nhân có tiền căn tim mạch, chúng ta cần nghĩ đến khả năng có cơn khó thở kịch phát về đêm điển hình của bệnh suy tim ứ huyết. Ho về đêm mà không có khó thở thì nên nghĩ đến nguyên nhân dị ứng. Ho xuất hiện vào cuối giấc chiều hoặc vào buổi sáng sớm cũng thường do nguyên nhân dị ứng. Bệnh cảnh lâm sàng này thường liên quan đến những người sống tại vùng nông thôn nhưng lại làm việc trong ngày tại các khu vực đô thị (nơi không có nhiều phấn hoa). Khi họ tiếp xúc với các dị nguyên trên đường về nhà thì các triệu chứng ho xuất hiện. Nếu bệnh nhân có than phiền gặp triệu chứng ho xuất hiện thành từng đợt cụ thể theo mùa trong năm thì cũng nên nghĩ đến nguyên nhân dị ứng.
Đối với những người hút thuốc, bệnh cảnh là ho với ít đờm, nặng lên vào buổi sáng có thể liên quan đến tác dụng kích ứng do nuốt khói thuốc lá. Ngay ở những người hút thuốc với đầu lọc hoặc ống điếu cũng không ngăn được tác dụng kích thích của khói thuốc lá nếu như họ nuốt khói thuốc.
Đối với trường hợp bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bệnh sử ghi nhận ho xuất hiện khi sử dụng một số thức ăn có chứa gia vị, uống cà phê làm tăng khả năng trào ngược. Dấu chứng ợ hơi chua, đau rát nhẹ vùng sau họng, khàn giọng sớm, cảm giác mùi chua vùng miệng, ho xuất hiện về đêm (ở tư thế nằm) là những đặc điểm gợi ý tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.
|