Nhóm giới thiệu tóm tắt kiến thức khoa học hiện nay xung quanh nội dung sẽ được thực hiện trong nghiên cứu. Thường phần này chiếm rất nhiều thời gian khi chuẩn bị đề cương (hơn ½ thời gian làm đề cương). Tuy nhiên, phần này lại không được xem là quan trọng trong một bài báo nghiên cứu (trừ những trường hợp chủ đề báo cáo quá chuyên sâu mà số người biết không nhiều, do vậy cần phải giới thiệu lại các kiến thức nền tảng cần thiết cho việc hiểu nội dung nghiên cứu). Trong phần lớn các tạp chí nghiên cứu, mọi người không chấp nhận có riêng mục này trong bài báo. Tuy nhiên, các nội dung tổng quan có thể lồng ghép vào mục giới thiệu/đặt vấn đề (ở phần ý đầu tiên của đặt vấn đề).
Nói như vậy không có nghĩa là tổng quan y văn không quan trọng. Trong quá trình xây dựng mục này, người làm nghiên cứu sẽ phải tham khảo tất cả các tài liệu y văn có liên quan đến nội dung cần nghiên cứu. Do vậy, tác giả sẽ có cái nhìn rộng hơn và chuyên sâu hơn về lĩnh vực nghiên cứu. Từ đó, chúng ta có thể có những sửa đổi cần thiết, phù hợp, tránh lập lại công việc của người đi trước, hạn chế thiếu sót, đảm bảo nghiên cứu thực hiện đúng hướng. Hơn nữa, các nội dung này của tổng quan y văn sẽ là cơ sở cho việc phát triển bàn luận, so sánh kết quả đang làm với các kết quả nghiên cứu đã triển khai nơi khác.
Để làm tốt mục này, chúng ta có thể bắt đầu tham khảo một bài tổng quan “review” đã có sẵn trong y văn. Các tài liệu này là rất quí vì nó thường được một chuyên gia hoặc một ê kíp các chuyên gia trong lĩnh vực này tổng hợp các kiến thức mới nhất, thời sự nhất và có độ tin cậy cao nhất từ y văn. Với cách làm như vậy, chúng ta sẽ có nguồn tư liệu được sàng lọc, không mất nhiều thời gian tìm kiếm, tiếc kiệm được chi phí nghiên cứu (vì đôi khi phải trả phí rất cao để tham khảo nội dung từng bài báo riêng).
Một điểm cần lưu ý, các định nghĩa chuyên môn, các tiêu chuẩn chẩn đoán, các thang điểm đánh giá, các giả thuyết chuyên môn – nghiên cứu đều phải được giới thiệu trong tổng quan y văn. Điều này giúp độc giả, trước hết, chấp nhận các tiền đề mà nghiên cứu dựa vào để phát triển; sau đó, độc giả sẽ hiểu được cách thức thực hiện và kết quả của nghiên cứu.
|