Đối với các sai phạm, việc này liên quan đến chính sự thiếu ý thức, thiếu tránh nhiệm trong công tác của bản thân nhân viên y tế, do vậy cần lên án. Đối với các tình huống khác, chiến lược phù hợp là phải triển khai qui trình làm việc giúp nhân viên y tế thực hiện tốt chức năng mà vẫn đảm bảo hạn chế tối đa sai sót.
Với cách can thiệp hướng hệ thống, việc phòng ngừa lỗi không phải tập trung vào cá nhân cụ thể, mà bằng cách thiết kế lại hệ thống công việc để việc phạm lỗi khó xảy ra hơn. Người nhân viên y tế được đặt trong môi trường công tác khoa học, chuyên nghiệp và hiệu quả. Với việc áp dụng bệnh án điện tử trong y khoa, công việc của người nhân viên y tế ngày càng được hướng đến chuẩn hóa, góp phần hạn chế rất nhiều các sai sót trong xuyên suốt quá trình chăm sóc điều trị bệnh nhân. Có thể nói “Phòng ngừa lỗi không phải bằng cách tạo ra những con người tốt hơn, mà bằng cách thiết kế lại hệ thống để việc phạm lỗi khó xảy ra hơn”.
Ba biện pháp chính được đề ra để giúp hệ thống an toàn hơn, bao gồm 3 nhóm giải pháp chính:
- Ngăn ngừa (thiết kế hệ thống ngăn ngừa sai sót): sử dụng bảng kiểm (check list) chuyên biệt đối với từng mặt bệnh, hộp thuốc có nắp đậy chuyên biệt phòng ngừa dùng thuốc vô ý cho trẻ em …
Hình 2.1: Hình hệ thống đầu ra của các loại khí nén và khí hút dùng trong y khoa. Chú ý vùng đầu cắm với các chốt khóa chuyên biệt. Điều này giúp tránh sử dụng sai đầu khí. Chỉ có giắc cắm tương ứng mới có thể cắm vào được.
- Phát hiện (xây dựng tiến trình trong đó dễ dàng phát hiện sai sót nếu có xảy ra): sử dụng chương trình bệnh án điện tử với cảnh báo tương tác thuốc, cảnh báo lâm sàng đối với các dấu chứng nguy hiểm, tạo đường dây nóng để bệnh nhân-thân nhân có thể phản hồi ý kiến thuận lợi nhất, áp dụng 5 kiểm tra – 3 đối chứng trong công tác điều dưỡng… (xem thêm bài “phân tích sự kiện quan trọng để có thêm dẫn chứng”).
- Can thiệp (thiết kế quy trình làm giảm ảnh hưởng của sai sót nếu nó xảy ra trong trường hợp không thể phát hiện hoặc ngăn ngừa được): yêu cầu tái khám để kiểm tra và hiệu chỉnh chỉ định điều trị hiện tại; thiết lập đường dây nóng gặp trực tiếp bác sĩ điều trị một khi có diễn tiến bất thường, qui trình xử trí trong trường hợp sốc thuốc, dị ứng thuốc; diễn tập xử trí hồi sức cơ bản; diễn tập phòng ngừa cháy nổ…
|