Thực hành dự phòng - tầm soát không thể có một công thức chung cho tất cả mọi người, lý do là mỗi người, mỗi gia đình, mỗi quần thể đều có những đặc điểm riêng, có những yếu tố nguy cơ riêng, có mô hình bệnh tật khác nhau… Hiện nay, các hiệp hội, các tổ chức trên thế giới không ngừng nghiên cứu để đưa ra các khuyến cáo về tầm soát, nhưng các khuyến cáo này cũng có một số điểm khác nhau và có thể thay đổi theo thời gian cũng như thay đổi theo từng cá nhân và quần thể cụ thể. Do đó, đối với bác sĩ gia đình, thực hành dự phòng – tầm soát hiệu quả bao gồm việc nắm rõ kiến thức biện chứng về các yếu tố nguy cơ đến sức khỏe, hiểu được người bệnh - môi trường sống của họ, từ đó áp dụng kiến thức vào từng tình huống cụ thể. Việc thực hành dự phòng – tầm soát đòi hỏi khai thác bệnh sử lâm sàng, khám thực thể, xác định vấn đề ưu tiên, dành thời gian giáo dục và tư vấn bệnh nhân, và sử dụng hệ thống biểu đồ dự phòng có định hướng.
Để đạt hiệu quả cao, công tác dự phòng cần được thực hiện một cách hệ thống. Một kỹ thuật đơn giản là sử dụng các từ khóa dễ nhớ. Ví dụ như từ RISE, trong đó R viết tắt cho Risk factor identification (xác định yếu tố nguy cơ), I thay cho Immunization (tiêm chủng), S thay cho Screening (sàng lọc) và E thay cho Education (giáo dục). Tuy nhiên, với khối lượng kiến thức khổng lồ, nhịp cập nhật nhanh, nội dung ứng dụng thay đổi tùy theo cơ địa bệnh nhân, nếu chỉ dùng kỹ thuật trên, bác sĩ lâm sàng không phải lúc nào cũng nhớ đến công tác dự phòng trong công việc chuyên môn hằng ngày.
Ngày nay, với sự giúp đỡ của bệnh án điện tử mà cụ thể là các tính năng nhắc nhở lâm sàng, tính năng sàng lọc theo tiêu chí, máy tính sẽ “nhớ dùm” các chi tiết cho bác sĩ lâm sàng. Và như vậy, máy tính sẽ gợi ý những đề mục dự phòng có thể hữu ích cho bệnh nhân. Phần việc còn lại của bác sĩ là ra quyết định điều trị, điều mà máy tính không thể thay thế.
|