Bệnh sử lâm sàng hỗ trợ nhiều nhất cho công tác dự phòng cấp I, trong khi khám thực thể được sử dụng ưu tiên cho dự phòng cấp II. Các thông tin từ bệnh sử giúp ích cho dự phòng bao gồm:
- Thời điểm thực hiện và kết quả của những lần can thiệp dự phòng trước đó (ví dụ như lần tiêm chủng đã làm, lần kiểm tra Papanicolaou sau cùng và kết quả, test da tuberculin, chụp nhũ ảnh)
- Tiểu căn gia đình về một số bệnh phổ biến – bệnh hiếm gặp mà có yếu tố di truyền.
- Tiền căn bệnh lý cá nhân (dị ứng, nhập viện).
- Thông tin về nơi công việc và điều kiện sống.
- Các thói quen, hành vi nguy cơ như hút thuốc lá, tập thể dục, chơi thể thao, đua xe.
Những thông tin này giúp góp phần xây dựng lại môi trường sống, các yếu tố nguy cơ và tình trạng bệnh của người bệnh. Điều này giúp bác sĩ xây dựng kế hoạch chăm sóc – dự phòng chuyên biệt cho từng người bệnh.
Phần khám thực thể dùng để phát hiện các dấu chứng khách quan có thể liên đới đến một tình trạng bệnh lý đang có hoặc có thể có (tầm soát). Thông thường, ở giai đoạn sớm, đa phần các bệnh lý thường không có biểu hiện gì đặc hiệu trên lâm sàng, hoặc dấu chứng còn mơ hồ hoặc không có (giai đoạn tiền lâm sàng). Do vậy, để việc khám nghiệm đạt hiệu quả cao, chúng ta cần tập trung chú ý tầm soát đối với những mặt bệnh phổ biến – thường gặp tại địa phương tương ứng với từng nhóm đối tượng cụ thể.
Các thông tin về mặt bệnh phổ biến có thể thu thập từ nhiều nguồn khác nhau như báo cáo tổng kết của địa phương, báo cáo nghiên cứu hoặc đôi khi chỉ đơn thuần là kinh nghiệm thực tế qua nhiều lần khám. Điểm cần ghi chú là các mặt bệnh phổ biến phải được đánh giá tương ứng với từng nhóm đối tượng và cần cụ thể các nguy cơ trên bệnh nhân đang khám. Ví dụ như bệnh nhân nhi khoa thì thường gặp các vấn đề về bệnh nhiễm trùng hô hấp, suy dinh dưỡng và miễn dịch chủ động đối với một số bệnh; trong khi đối với bệnh nhân cao tuổi thì các vấn đề về rối loạn chuyển hóa, bệnh lão hóa (thoái hóa khớp, loãng xương, …) lại là vấn đề thường gặp.
Một điểm khác cần lưu ý khi thăm khám đối tượng là người “khỏe mạnh” là tỷ lệ hiện mắc (prevalence) của một bệnh thường thấp, điều này hoàn toàn khác đối với đối tượng là người đến khám tại đơn vị y tế với một than phiền về sức khỏe. Chính sự khác nhau về đối tượng, về tỷ lệ hiện mắc của các vấn đề sức khỏe (hay còn gọi là tỷ lệ mắc bệnh trước test), giá trị chẩn đoán của các nghiệm pháp chẩn đoán (lâm sàng và cận lâm sàng) là hoàn toàn khác nhau. Do vậy, chúng ta cần có đánh giá – nhận định phù hợp về vai trò của các nghiệp pháp chẩn đoán. Ví dụ cụ thể: cùng là than phiền nhức đầu, việc tiếp cận xử trí bệnh nhân đến khám phòng khám và bệnh nhân đến khám cấp cứu là khác nhau, và hiệu quả của chụp cộng hưởng từ cũng sẽ rất khác nhau giữa 2 đối tượng này. (để nắm thêm thông tin chi tiết, xin tham khảo bài nghiệm pháp chẩn đoán).
|