Giáo dục nâng cao sức khỏe và tư vấn sức khỏe là những hoạt động nằm trong nhóm dự phóng cấp I. Ở thời kỳ đầu, giáo dục sức khỏe quan tâm nhiều đến các yếu tố bên trong quyết định sự thay đổi hành vi (kiến thức, thái độ, niềm tin…). Về sau, quan điểm về giáo dục sức khỏe mở rộng hướng đến cả các yếu tố bên ngoài có yểm trợ cho quá trình thay đổi hành vi (bao gồm luôn cả yếu tố gia đình, môi trường, hoàn cảnh, cộng việc).
Đối với y học gia đình, thông thường, các hoạt động giáo dục và tư vấn sức khỏe nằm lồng ghép vào buổi thăm khám thường qui. Thông qua giao tiếp, qua các câu hỏi và câu trả lời trong suốt quá trình thăm khám, các thông điệp về giáo dục sức khỏe được người thầy thuốc gởi đến người bệnh. Ngoài ra, người bác sĩ cũng phải biết tương tác với các yếu tố môi trường, gia đình, xã hội nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người bệnh đạt được mục tiêu sức khỏe như mong muốn. Ví dụ như trường hợp bệnh nhân có vấn đề về cai nghiện ma túy. Việc giáo dục bệnh nhân về tác hại của ma túy chỉ là một trong những hoạt động cần làm. Bên cạnh đó, bác sĩ gia đình cần hướng dẫn bệnh nhân đến liên hệ với các tổ chức xã hội để tìm việc làm cải thiện kinh tế; liên hệ hội đồng đẳng để tham khảo kinh nghiệm tự chăm sóc; liên hệ đoàn thể để thành lập mối quan hệ mới, tránh xa môi trường nghiện ngập. Bác sĩ gia đình cần gặp mặt với gia đình bệnh nhân để củng cố niềm tin của gia đình, kêu gọi sự hỗ trợ - nâng đỡ từ phía người thân giúp người bệnh vượt qua giai đoạn khó khăn, nhanh chóng hòa nhập với xã hội…
Do vậy, để công việc này được thực hiện hiệu quả, bác sĩ cần phát triển nghiên cứu thêm về khoa học hành vi, khoa học giáo dục, y học cộng đồng và khoa học về truyền thông – giao tiếp.
|