Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), chăm sóc ban đầu được định nghĩa như sau: chăm sóc sức khỏe ban đầu là chăm sóc sức khỏe thiết yếu, dựa trên thực hành, đưa dịch vụ đến từng cá nhân và gia đình trong cộng đồng, được mọi người chấp nhận thông qua sự tham gia đầy đủ của các thành phần khác nhau trong cộng đồng, với giá thành mà họ có thể chấp nhận được nhằm đạt được mức sức khỏe cao nhất có thể.
Như vậy, chăm sóc sức khỏe ban đầu nhấn mạnh đến vấn đề sức khỏe thiết yếu, tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi sức khỏe cho mỗi cá nhân trong cộng đồng. Trong đó, sức khỏe người dân cần được quan tâm để có thể đạt được mức tốt nhất.
Tuy nhiên, người dân chỉ quan tâm chăm sóc sức khỏe một khi sức khỏe bị đe dọa. Nói cách khác, chỉ khi nào đã mắc bệnh thì người dân mới đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Tuy nhiên, nếu chúng ta quan tâm phòng ngừa bệnh tật, mức độ ảnh hưởng của bệnh sẽ được giảm thiểu, chi phí chăm sóc sẽ ít tốn kém hơn. Ngay trong đội ngũ các cán bộ y tế, quan điểm về dự phòng vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Vai trò của điều trị được đưa lên quá cao mặc dù hiệu quả mang lại chưa được như mong đợi.
Lịch sử nhân loại ghi nhận vai trò đóng góp của vaccin trong phòng chống các bệnh dịch lây nhiễm. Các chương trình tiêm chủng mở rộng đã phát huy nhiều kết quả: loại bỏ bệnh thủy đậu – bệnh sốt bại liệt, khống chế các bệnh sốt xuất huyết, bạch hầu, ho gà, uốn ván…giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong trẻ em do các bệnh như ho gà và bạch hầu đã giảm nhiều nhờ tiêm chủng nhờ nỗ lực toàn cầu về tiêm chủng.
Theo báo cáo của tổ chức y tế thế giới, người dân ngày nay sống tốt hơn, khỏe hơn và thọ hơn so với cách đây 30 năm (may mắn là như vậy!!). Nếu như tỷ lệ tỷ vong trẻ em hiện nay giống như chỉ số của năm 1978, chỉ riêng năm 2006, có thể đã có 16,2 triệu trẻ tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong khi số tử vong thực tế là 9,5 triệu trẻ. Vậy, đã có 6,7 triệu trẻ được cứu sống trong năm 2006, tương đương với 18329 trẻ được cứu sống mỗi ngày. Kết quả này có được là nhờ những cải thiện về các thuốc thiết yếu, cung cấp nước sạch, vệ sinh và chăm sóc tiền sản [7]. Điều này có thể thấy được sự phòng ngừa trước khi bệnh xảy ra giúp mang lại nhiều kết quả hơn là giải quyết hậu quả một khi dịch bệnh đã diễn ra.
Cũng như các nước phát triển, mô hình dịch tễ học của Việt Nam đang tiến dần từ mô hình bệnh cấp tính sang mô hình của các bệnh mãn tính, sự thay đổi cấu trúc dân số với sự già hóa làm cấu trúc bệnh tật có nhiều thay đổi. Tương tự đối với dự phòng, từ xu hướng dự phòng các bệnh gây nhiễm, xu hướng mới hiện nay đang tiến dần đến việc dự phòng các yếu tố nguy cơ cao huyết áp, loãng xương, rối loạn chuyển hóa của những bệnh mãn tính. Các bệnh mãn tính này sẽ là gánh nặng cho hệ thống y tế trong những năm sắp tới. Vai trò của dự phòng càng nên được phát huy ngay trong thời điểm hiện nay, góp phần cải thiện tình hình của tương lai.
|