Lĩnh vực y học dự phòng ở Việt Nam đã được chú ý phát triển ngay từ những ngày đầu lập nước với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Trong các chương trình chăm sóc dự phòng vào thời điểm đó, chúng ta có thể liệt kê:
- Chương trình dự phòng thương hàn, bại liệt, tả.
- Chương trình phòng chống các bệnh xã hội bao gồm lao.
- Chương trình cải thiện vệ sinh và phòng chống bệnh lây nhiễm.
Mạng lưới y học dự phòng được hình thành ban đầu thông qua mạng lưới các trạm y tế rộng khắp trong toàn quốc và không ngừng mở rộng ngay cả trong giai đoạn chiến tranh. Đến năm 1954, Việt Nam đã có mạng lưới 2000 trạm y tế trên tổng số 6000 xã tại thời điểm đó. Điều này cho thấy tầm quan trọng của phòng bệnh và sự quan tâm của nhà nước đối với công tác này.
Hiện nay, đối với lĩnh vực chăm sóc dự phòng, ngành y tế đang đứng trước nhiều thách thức và nguy cơ bao gồm cả yếu tố khách quan và chủ quan.
+ Sự thay đổi của mô hình bệnh tật, mô hình tử vong: trong đó nước ta đang chuyển từ mô hình của bệnh lây nhiễm sang mô hình của những bệnh không lây và tai nạn thương tích. Tuy nhiên, vấn đề bệnh lây nhiễm vẫn chưa được quản lý tốt.
+ Tác động của sự biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường lên sức khỏe người dân, cũng như các yếu tố vecteur gây bệnh.
+ Sự thay đổi trong kinh tế-văn hóa-xã hội, các xu hướng toàn cầu hóa, đô thị hóa tác động lên thói quen, hành vi, lối sống đưa đến ảnh hưởng lên sức khẻo của người dân.
+ Sự thay đổi nhanh chóng của hệ thống y tế trong thời gian gần đây dưới sự tác động của nhiều yếu tố khách quan – chủ quan cũng tác động lên sức khỏe người dân.
Trong bài này, chúng ta không đề cập đến vấn đề y tế dự phòng theo nghĩa rộng mà chỉ giới hạn nội dung trong phần công việc cụ thể của người bác sĩ gia đình.
|