Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


Các mức độ của chăm sóc dự phòng

(Tham khảo chính: Nguyên lý y học gia đình )

Trong lĩnh vực Y học dự phòng, y văn đã đưa ra các cấp độ dự phòng từ cấp 0 đến cấp IV. Các cấp độ thể hiện sự toàn diện từ bảo vệ, duy trì, tăng cường sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, dự phòng bệnh tật, hạn chế tối đa tàn tật và tử vong cho từng cá nhân và/ hoặc từng nhóm cộng đồng nhất định (theo định nghĩa của hội đồng Y học dự phòng Mỹ - American Board of Preventive Medicine - ABPM) [2]. Theo như từ điển, dự phòng có thể được chia thành 5 mức độ như sau:[6]
1.4.1.    Dự phòng cấp 0:
Là mức dự phòng nhằm ngăn ngừa không cho có yếu tố nguy cơ xảy ra. Trong nhóm này có thể có các hoạt động như:
-    Tuyên truyền tác hại của thuốc lá, cấm hút thuốc lá trong thanh thiếu niên.
-    Tuyên truyền thông tin về HIV/AIDS hạn chế phơi nhiễm
-    Ăn sạch, uống sạch, ngủ mùng….
1.4.2.    Dự phòng cấp I: 
Là mức dự phòng nhằm ngăn ngừa không cho mắc bệnh. Trong nhóm này bao gồm các hoạt động như: 
-    Nâng cao sức khỏe, tạo kháng thể miễn dịch chủ động như tiêm phòng vaccin các loại vi trùng, virus trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
-    Hạn chế - khống chế các yếu tố nguy cơ: (không hút thuốc là, tránh tiếp xúc dị nguyên gây hen..).
-    Hạn chế phơi nhiễm: tránh tiếp xúc với người đang bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, không cho trẻ đến trường nếu trẻ bị nhiễm bệnh, tránh tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu khi phun thuốc, …
-    Kiểm soát các vecteur truyền bệnh: diệt muỗi, diệt chấy rận, kiểm soát thức ăn – loại trừ thịt bị nhiễm giun sán… 
1.4.3.    Dự phòng cấp II:
Đây là kiểm soát bệnh ngay từ giai đoạn sớm của bệnh để bệnh không tiến triển thêm. Trong mục này bao gồm các hành động:
-    Tầm soát sớm bệnh ngay từ giai đoạn tiền lâm sàng: là giai đoạn mà các dấu chứng chưa thể hiện trên lâm sàng. Bệnh có thể được phép hiện bằng các xét nghiệm cận lâm sàng: ví dụ như gan nhiễm mỡ, hội chứng rối loạn chuyển hóa, suy thận giai đoạn đầu
-    Điều trị bệnh khi phát hiện được: là giai đoạn điều trị, mục đích là nhằm kiểm soát tác nhân gây bệnh, ngăn ngừa bệnh không diễn tiến nặng thêm: ví dụ như bệnh viêm phổi nhiễm trùng, nhiễm trùng tiểu…
-    Ngăn ngừa các biến chứng của bệnh: bệnh đã được chẩn đoán và điều trị, tuy nhiên, cần ngăn ngừa các biến chứng của bệnh: ví dụ như bệnh nhân bị ung thư đại tràng – ung thư mélanine tế bào da, cần điều trị tích cực – triệt để phòng ngừa khả năng di căn đến các tạng khác; hoặc bệnh nhân bị đái tháo đường, cần điều trị phòng ngừa các biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ của bệnh đái tháo đường (tại thời điểm hiện tại chưa có nhưng có nguy cơ trong tương lai)
1.4.4.    Dự phòng cấp III
Đây là dự phòng – hạn chế các ảnh hưởng do di chứng của bệnh. Trong giai đoạn này, bệnh đã được điều trị khỏi nhưng những di chứng của bệnh vẫn còn đó. Người thầy thuốc cần giúp người bệnh nhanh chóng tái hòa nhập cuộc sống hằng ngày, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực do di chứng của bệnh làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong mục này có những hành động:
-    Vật lý trị liệu phục hồi chức năng đã giảm – mất: người bệnh có một hoặc nhiều chức năng bị giảm hoặc mất do di chứng bệnh. Biện pháp can thiệp điều trị là nhằm phục hồi lại các chức năng này. Ví dụ như: bệnh nhân bị tai biến mạch máu não bị yếu – liệt nữa người, bệnh nhân cần giúp đỡ để tập luyện phần cơ thể bị liệt; bệnh nhân bị thiểu năng trí tuệ cần sự điều trị nâng đỡ về mặt xã hội..
-    Chăm sóc cuối đời: đối với một số bệnh nhân bị bệnh lý ác tính, tình trạng bệnh vượt quá chỉ định điều trị y khoa. Mục tiêu đặt ra không phải là điều trị bệnh mà là cải thiệt triệu chứng nâng cao chất lượng cuộc sống hiện tại cho quãng đời còn lại.
1.4.5.    Dự phòng cấp IV
Đây là dự phòng các tai biến – biến chứng do các can thiệp thăm khám – chăm sóc – điều trị y khoa làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người bệnh. Trong mục này bao hàm nhiều khía cạnh khác nhau, tuy nhiên, hiện nay dự phòng cấp IV vẫn chưa được công nhận một cách chính thức trong các sách giáo khoa. 
Liên quan đến dự phòng cấp IV, có một số hoạt động sau:
-    Ngăn ngừa lạm dụng thuốc – xét nghiệm – phương pháp điều trị xâm lấn không phù hợp – không tương xứng với bệnh.
-    Ngăn ngừa các kỹ thuật điều trị tốn kém nhưng kết quả mang lại không tương xứng (khía cạnh kinh tế y tế)
-    Chuẩn hóa công tác chuyên môn, qui trình làm việc, hạn chế các sai sót chuyên môn.
-    Áp dụng y học chứng cớ vào lâm sàng cải thiện chất lượng chăm sóc…
Với cách nhìn như mô hình trên, bệnh nhân là chủ thể của chăm sóc xuyên suốt theo thời gian và tình trạng bệnh được xem là trung tâm. Quan điểm trên chú trọng nhiều vào yếu tố nguy cơ gây bệnh, cơ chế bệnh sinh và phương pháp điều trị. Sự đột phá về các cấp độ dự phòng này đã góp phần không nhỏ vào việc đem lại sức khỏe tốt cho người dân. 
Tuy nhiên, cách tiếp cận này chỉ nhấn mạnh đánh giá của bác sĩ đối với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà không cho phép có mối tương quan ngược lại. Hay nói cách khác, quan điểm – nhận định của bệnh nhân về chính tình trạng sức khỏe của bản thân chưa được quan tâm đúng mức. Chính vì chỉ tiếp cận một chiều, cho nên bác sĩ được ngầm hiểu quyết định tất cả các can thiệp y khoa lên bệnh nhân, do đó có thể dẫn đến những can thiệp y khoa không cần thiết, không đúng với mong đợi của người bệnh. 
Nhận ra được tầm quan trọng của mối quan hệ bác sĩ và bệnh nhân trong các cấp độ của dự phòng, tác giả Marc Jamoulle đã đưa ra ý tưởng dự phòng bốn nhóm (P4) được thiết kế theo hình thức bảng chéo 2x2, trong đó các nội dung được trình bày trong mối tương quan quan điểm của bệnh nhân - bác sĩ. Mô hình cho phép thể hiện bốn lĩnh vực hoạt động theo thời gian, tương đồng với mô hình dự phòng truyền thống (biểu 1). Với cách nhìn này, trục thời gian sẽ đi xuyên suốt bảng đôi. Chăm sóc theo thời gian, hay còn gọi là dự phòng, chính là điểm mạnh của bác sĩ gia đình đối với việc chăm sóc bệnh nhân. Bác sĩ và bệnh nhân sẽ đồng hành cùng nhau đến ngày cuối cùng của cuộc đời [3].
 

Biểu đồ 1: Sự phát triển của ý tưởng phân 4 nhóm hành động trên cơ sở cân nhắc đánh giá của bệnh nhân và bác sĩ 4.5

Biểu đồ 2: Định nghĩa các nhóm dự phòng theo quaternary prevention (P4) của tác giả Marc Jamoulle 5
Quan điểm dự phòng bốn nhóm theo bảng chéo 2x2 đặc biệt hữu ích trong việc thể hiện các lĩnh vực hoạt động của bác sĩ gia đình[5]. Do vậy, nội dung này đã được phiên dịch và giới thiệu trong chương trình đào tạo bác sĩ tổng quát tại một số quốc gia. (Bỉ, Brazil, Anh, Argentina, Iran, Tây Ban Nha, Uruguay, Hồng Kông...) 3.
 

 

  • Tổng quan
  • Dự phòng là gì
  • Tại sao phải có chǎm sóc dự phòng
  • Các mức độ của chăm sóc dự phòng
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    Ứng dụng vào thực hành

    Quản lý ngoại chẩn.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Nguyên nhân đau

    DỰ ÁN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ PHỤC VỤ CẢI CÁCH HỆ THỐNG Y TẾ.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Nguyên nhân

    ICPC.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    nguyên tắc sử dụng thuốc ở trẻ em
    Explore (tiếp)
    hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sùi mào gà
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space