Một trong những khẩu hiệu thường nghe của YHGĐ là chăm sóc « Từ khi sinh ra đến khi qua đời ». Nó dường như là phi thực tế nhưng lại hợp lý nếu ta luôn bám sát các nguyên lý YHGĐ. Các vấn đề sức khỏe của bệnh nhân cùng các yếu tố liên quan sẽ được theo dõi và ghi nhận suốt cuộc đời bệnh nhân thông qua hồ sơ sức khỏe của BSGĐ. Một khi hệ thống YHGĐ đã vững mạnh, tất cả tiền sử của bệnh nhân, kể từ những tiền sử chu sinh, tiêm chủng, các yếu tố mắc phải, các yếu tố môi trường, tiền sử gia đình đều sẽ được ghi nhận. Về bệnh sử cũng sẽ lưu lại lịch sử liên tục về các bệnh lý của bệnh nhân từ khi sinh ra đến khi qua đời, từ những bệnh lý cấp tính, các vấn đề sức khỏe thoáng qua, các giai đoạn bất ổn tâm lý v.v… đến việc theo dõi lâu dài các bệnh lý mạn tính.
Chăm sóc liên tục trong YHGĐ khác với khám bệnh liên tục theo nghĩa đen đơn thuần. Nếu một bệnh nhân đi khám bệnh thường xuyên, đều đặn lãnh thuốc hàng tháng cho một bệnh lý mạn tính nào đó (Vd : tăng huyết áp) thì đó chỉ là « khám bệnh liên tục » chứ chưa hẳn là chăm sóc liên tục trong YHGĐ. Bệnh nhân này có thể sẽ được khám bởi một bác sĩ trong một thời gian dài nhưng trong phần lớn các trường hợp thì lịch khám của các bác sĩ có thể thay đổi và bệnh nhân sẽ được khám lúc bởi người này, lúc lại người khác. Hơn thế nữa bệnh nhân có thể được kê thuốc huyết áp (giả sử là ức chế men chuyển) bởi một bác sĩ này, nhưng sau đó lại đến khám một bác sĩ khác vì những cơn ho khan mới xuất hiện, mà đôi lúc người này lại không nắm được thông tin về tiền sử dùng thuốc huyết áp trước đó. Đây là một tình huống khá thường gặp trên thực tế lâm sàng hiện nay tại nước ta.
Chăm sóc liên tục trong y học gia đình hướng đến xây dựng mối quan hệ lâu dài và sự tin cậy bền vững của bệnh nhân, BSGĐ sẽ theo dõi, chăm sóc liên tục theo thời gian, không gian, liên ngành (điều này cũng nằm trong ý « Chăm sóc lấy bệnh nhân làm trung tâm »).
Điều phối và theo dõi chuyển khám chuyên khoa, chuyển viện, cũng là một thành phần trong nguyên lý chăm sóc liên tục của YHGĐ. Động tác chuyển bệnh của người BSGĐ sẽ hổ trợ rất nhiều cho bác sĩ các khoa nội trú của các bệnh viện. Ngược lại, những thông tin phản hồi từ bệnh viện, được lưu giữ trong hồ sơ BSGĐ sẽ rất cần thiết cho việc theo dõi, giữ gìn sức khỏe cho bệnh nhân về sau.
Ngoài ra, trong quá trình nằm viện, giữa bệnh nhân/thân nhân bệnh nhân và các nhân viên y tế cũng khó có sự đồng cảm, tin tưởng tuyệt đối do chỉ tiếp xúc nhau lần đầu. Đôi khi những lời giải thích căn nguyên, tình trạng bệnh hay những yêu cầu cam kết thủ thuật, phẩu thuật v.v… của bác sĩ điều trị tại khoa có thể làm bệnh nhân và gia đình bối rối. Trong trường hợp đó, bác sĩ hoặc bệnh nhân có thể đề nghị hội chẩn BS chuyên khoa – BSGĐ để thống nhất tiếng nói chung ; từ đó người BSGĐ có thể có những đề xuất về phía khoa cũng như những giải thích, tư vấn cho bệnh nhân và gia đình với tư cách là một bác sỹ y khoa đã nắm rỏ các vấn đề sức khỏe của bệnh nhân một cách tổng quát, toàn diện, lâu dài. Đây cũng có thể coi là ví dụ cho một khía cạnh khác của phương châm « Đồng hành cùng bệnh nhân » trong YHGĐ.
Đồng hành cùng bệnh nhân vào những giây phút cuối đời cũng là một hoạt động quan trọng của BSGĐ ở các nước phát triển. Người Việt nam có câu « nghĩa tử là nghĩa tận », nhưng hoạt động chăm sóc giảm nhẹ - chăm sóc cuối đời chưa được thực hiện nhiều tại nước ta. Trong đa phần các trường hợp bệnh nặng khó cứu chữa, người thân thường xin mang về chăm sóc tại nhà. Người bệnh sẽ ra đi trong không khí ấm cúng của những người thân trong gia đình, nhưng lại thiếu những hỗ trợ y khoa tối thiểu. Xoa dịu các nỗi đau của bệnh nhân (ở mức độ mà pháp luật cho phép) là một trách nhiệm cao cả của người BSGĐ.
|