1. ĐỊNH NGHĨA
U nhú mũi xoang là u lành tính xuất phát từ biểu mô niêm mạc mũi xoang.
Là loại u thường gặp nhất trong các khối u lành tính mũi xoang, chiếm tỷ lệ 0,5- 4% u mũi xoang, có thể có xu hướng ác tính hóa.
2. NGUYÊN NHÂN
Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân của u nhú mũi xoang.
- Do virus: Đây là giả thuyết được nhiều tác giả chấp nhận.
Nhiều tác giả đã tìm thấy ADN của Human Papilloma Virus (HPV) trong mô của u nhú với hai nhóm gây bệnh chính là HPV 6 và HPV 11.
- Các yếu tố môi trường như ô nhiễm, hóa chất….bị nghi ngờ là nguyên nhân gây u nhú nhưng chưa có thống kê đầy đủ.
- Do viêm: Giả thuyết này ít được chấp nhận.
Theo nhiều tác giả viêm thường thấy kèm theo u nhú do hậu quả của khối u gây bít tắc lỗ thông mũi xoang cản trở đường vận chuyển niêm dịch từ xoang ra ngoài.
3. CHẨN ĐOÁN
3.1. Chẩn đoán xác định
3.1.1. Lâm sàng
- Triệu chứng cơ năng:
+ Ngạt tắc mũi là triệu chứng nổi bật.
+ Chảy nước mũi.
+ Đau nhức vùng mặt.
+ Giảm ngửi hoặc mất ngửi.
+ Có thể xì ra máu mũi.
Các triệu chứng này thường chỉ ở một bên hốc mũi.
- Triệu chứng thực thể:
+ Soi mũi thấy khối u ở một bên hốc mũi có dạng như chùm nho nhợt màu hoặc như quả dâu sẫm màu.
3.1.2. Cận lâm sàng
- X quang thường quy (Blondeau, Hirtz..)
+ Hình ảnh không đặc hiệu.
+ Hình ảnh mờ các xoang và mờ trong hốc mũi.
- CT Scan:
+ Xác định vị trí khối u.
+ Đánh giá lan rộng của khối u ra các xoang, các vùng lân cận.
+ Tuy nhiên trong nhiều trường hợp khó phân biệt khối u với ứ đọng dịch và niêm mạc dày do bít tắc lỗ thông mũi xoang.
- MRI:
+ Cho phép phân biệt u với các tổn thương do tắc lỗ thông mũi xoang (dày niêm mạc, polyp, dịch trong xoang).
+ Đánh giá những tổn thương xâm lấn phần mềm và nền sọ tốt hơn CT Scan.
3.1.3. Kết quả mô bệnh học
- Giúp chẩn đoán xác định u nhú và phân loại u nhú.
- Theo mô bệnh học, có hai loại u nhú: u nhú thường và u nhú đảo ngược.
3.1.4. Phân giai đoạn u nhú đảo ngược
Theo John H. Krouse (2000), u nhú mũi xoang chia làm bốn giai đoạn:
- T1: Khối u nằm trong hốc mũi, chưa phát triển vào xoang; không có tổn thương ác tính.
- T2: Khối u phát triển tới vùng phức hợp lỗ ngách và xoang sàng, hoặc thành trong xoang hàm; không có tổn thương ác tính.
- T3: Khối u chiếm toàn bộ xoang hàm; hoặc lan vào xoang bướm; hoặc lan vào xoang trán; không có tổn thương ác tính.
- T4: Khối u vượt khỏi phạm vi mũi xoang (xâm lấn ổ mắt, nội sọ, hố chân bướm hàm) hoặc có tổn thương ác tính.
3.2. Chẩn đoán phân biệt
- Với bệnh polyp mũi:
+ Thường ở hai bên hốc mũi.
+ Soi mũi thấy polyp mềm, nhẵn, mọng trong, màu hồng nhạt.
+ Kết quả mô bệnh học là polyp.
- Với bệnh ung thư mũi xoang:
+ Thường ở một bên hốc mũi.
+ Thường chảy máu hoặc xì ra máu mũi.
+ Soi mũi thấy tổ chức u sùi, loét dễ chảy máu.
+ Kết quả mô bệnh học là tổn thương ác tính.
4. ĐIỀU TRỊ
4.1. Nguyên tắc điều trị
- Điều trị bằng phẫu thuật.
- Phẫu thuật càng sớm càng tốt.
- Lấy hết bệnh tích u.
4.2. Điều trị cụ thể
- Phẫu thuật nội soi mũi xoang: chỉ định với khối u nhú giai đoạn I, II, III.
- Phẫu thuật mở cạnh mũi: chỉ định với khối u nhú ở giai đoạn IV.
5. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG
5.1. Tiên lượng
- U nhú thường tiên lượng tốt hơn u nhú đảo ngược do ít tái phát và hiếm phát triển thành tổn thương ác tính.
- U giai đoạn sớm (I, II) tiên lượng tốt hơn giai đoạn muộn (III, IV).
5.2. Biến chứng
- U nhú mũi xoang, đặc biệt là u nhú đảo ngược có khả năng chuyển thành tổn thương ác tính với tỷ lệ từ 7 đến 10%.
6. PHÒNG BỆNH
- Thường xuyên rèn luyện sức khoẻ, nâng cao thể lực.
- Không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế rượu bia.
- Tránh tiếp xúc với các yếu tố ô nhiễm môi trường, hóa chất. Trong trường hợp phải tiếp xúc, phải có trang bị lao động đầy đủ.
- Thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ.
|