2.2.1 Người bệnh có chấn thương cột sống
Khi bênh nhân bị chấn thương không thể cử động chân, tay, không có cảm giác hoặc tê ở chân và tay phải nghĩ tới chấn thương cột sống. Để vận chuyển người bệnh an toàn, cần có 4 người để nâng người bệnh: một người nâng đầu, một người nâng vai và lưng, một người nâng mông và thắt lưng và một người nâng đùi và chân. Khi nâng, 4 người cùng nâng đồng thời, luôn giữ thẳng trục đầu, cổ và thân mình, cột sống không bị xoắn vặn và gấp góc. Người hỗ trợ phía ngoài sẽ đẩy cáng cứng vào phía dưới lưng của người bệnh để đặt từ từ người bệnh xuống cáng cứng. Cần đặt người bệnh ở tư thế nằm ngửa đầu bằng trên cáng cứng. Dùng vải buộc cố định toàn bộ người bệnh trên cáng cứng (người bệnh thẳng, cứng như một khúc gỗ) trước khi tiến hành vận chuyển. Nếu có chấn thương cột sống cổ thì cần nẹp cổ trước khi cố định hoặc để hai túi cát vào hai bên đầu người bệnh để cố định (hình 1).
Trong khi vận chuyển phải chú ý không cho người bệnh nghiêng người, dịch chuyển.
Hình 1. Cố định toàn bộ người bệnh trên cáng cứng
2.2.2. Người bệnh có vết thương chảy máu
Cần ép trực tiếp vào động mạch chảy máu hoặc ép ngay sát trên chỗ vết thương bằng băng đo huyết áp bơm lên trên số huyết áp tối đa. Nếu có điều kiện thì đặt lên vết thương một miếng gạc hoặc miếng vải sạch trước khi ép trực tiếp. Nếu vết thương chảy máu nhiều, có thể dùng chính bàn tay của người bệnh hoặc bàn tay của người vận chuyển để ép chặt vết thương lại, sau đó nâng cao vùng bị tổn thương (hình 2). Nếu các vết thương chảy máu có dị vật như mảnh gỗ, kim loại hoặc bất kỳ vật gì đâm vào và vẫn cắm ở vết thương thì không được rút dị vật ra. Bịt kín vết thương bằng cách ép mép vết thương sát với dị vật. Dùng miếng vải vuông hoặc một khăn tam giác quấn lại thành vòng đệm xung quanh dị vật, sau đó dùng băng ép chặt lại (hình 3).
Hình 2. Băng ép cầm máu và nâng cao vùng bị tổn thương
Hình 3. Băng ép cầm máu vết thương có dị vật
2.2.3 Người bệnh mất máu hoặc mất nước cấp
Người bệnh cần được truyền dịch liên tục (thay thế máu trong trường hợp mất máu) trong suốt quá trình vận chuyển để đảm bảo thể tích tuần hoàn. Tùy theo tình trạng mất máu hoặc mất nước, tốc độ truyền có thể lên tới 1 lít trong 1 giờ đầu. Cần lưu ý là dung dịch glucose không có vai trò hồi phục thể tích tuần hoàn, nên truyền dung dịch tinh thể đẳng trương như ringer lactat, natriclorua 9%o. Chỉ truyền dung dịch keo sau khi đã truyền đủ dung dịch tinh thể.
2.2.4 Bênh nhân có gãy xương hoặc/và trật khớp
- Người bệnh cần được nẹp cố định xương gãy hoặc/và đặt lại khớp đúng tư thế trước khi vận chuyển. Động tác xử trí này giúp phòng các biến chứng: gãy xương kín bị chuyển thành gãy xương hở.
- Dùng thuốc giảm đau cho người bệnh đề phòng sốc do đau.
2.2.5 Các biện pháp khác
- Khi khiêng cáng cần chú ý nguyên tắc: khi đi xuống dốc (hoặc xuống cầu thang) phía chân người bệnh đi trước, khi lên dốc (hoặc lên cầu thang) phía đầu người bệnh đi trước. Dùng dây cố định người bệnh vào cáng trong khi vận chuyển, thường cố định ở 3 vị trí là ngang ngực, ngang bụng, ngang chân người bệnh, có thể nâng cao đầu cáng lên nếu không có chống chỉ định. Không được để chi tổn thương rơi ra ngoài cáng, hoặc chi đung đưa khi vận chuyển.
- Trong quá trình vận chuyển phải hết sức nhẹ nhàng, tránh rung, lắc.
- Luôn luôn đảm bảo “đường thở phải thông”: đường thở thẳng trục, tránh gập cổ, tránh tụt lưỡi, thường xuyên hút đờm rãi, chất nôn. Thở oxy khi người bệnh có khó thở.
- Theo dõi sát người bệnh và xử trí kịp thời trong quá trình vận chuyển: mạch, huyết áp, nhịp thở, ý thức, sốt, nôn, co giật, chảy máu, đau…
|