Các nhà nghiên cứu khác nhau trong lĩnh vực sức khỏe đã nhìn nhận về vai trò và tầm quan trọng của lập kế hoạch cho các chương trình y tế nói chung và giáo dục- NCSK nói riêng. Lập kế hoạch đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện kinh tế, chi phí cũng như hiệu quả cho các chương trình.
Trước khi lập kế hoạch cần phải xem xét trước những yếu tố bên ngoài vì những yếu tố này thường làm tốt lên hoặc hạn chế tiến trình lập kế hoạch.
2.1.1 Xác định rõ vấn đề cần giáo dục:
Vấn đề cần giáo dục là vấn đề thường gặp và có nhu cầu giải quyết.
Ví dụ 01: 1 người bệnh tăng huyết áp cần xác định xem vấn đề nào của người bệnh cần giáo dục, sắp xếp ưu tiên cho các vấn đề cần giáo dục.
Ví dụ 02: Tại 1 xã A có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp là 13%. Cần xác định xem vấn đề nào của người dân xã cần được giáo dục như ăn nhạt, hoạt động thể lực, tham gia sàng lọc phát hiện sớm, điều trị bệnh và tuân thủ điều trị. Hoạt động nào là giáo dục cộng đồng, hoạt đồng nào là giáo dục nhóm, cá nhân.
2.1.2 Dự kiến các nguồn lực có thể sử dụng trong giáo dục sức khỏe
Những nguồn lực sẵn có ở địa phương và khả năng huy động cho chương trình GDSK sẽ thực hiện (Nhân lực, vật lực, tài chính)
Đặt ra những câu hỏi về nguồn lực có thể hỗ trợ cho chương trình: Bao nhiêu?
Nguồn lực ở đâu? Nguồn lực nào sẵn có? Nguồn lực nào cần hỗ trợ?
Có đủ ngân sách để thực hiện kế hoạch truyền thông hay không? Nếu không, có
thể huy động từ nguồn lực nào? Bao nhiêu?
2.1.3 Sắp xếp thời gian hợp lý:
Thời gian để thực hiện buổi truyền thông giáo dục sức khỏe phải thuận lợi cho cả hai phía, người làm truyền thông và đối tượng được truyền thông. Có như vậy, đối tượng được truyền thông mới tham gia tích cực, đầy đủ và buổi truyền thông mới có thể đạt được hiệu quả.
2.1.4 Kết hợp chương trình giáo dục sức khỏe với các hoạt động CSSKBĐ
Cán bộ y tế cơ sở nên khéo léo lồng ghép chương trình GDSK vào chương trình y tế - xã hội của địa phương, coi đó là phần không thể tách rời, phải gắn và hỗ trợ cho một chương trình y tế - xã hội nhất định. GDSK phải tiến hành trước, trong và sau khi thực hiện mỗi chương trình đó. Như vậy, vừa có thể huy động được sự tham gia của cộng đồng, vừa tiết kiệm được nhiều nguồn lực cho chương trình trong các chương trình y tế nói chung và giáo dục sức khỏe nói riêng.
2.1.5 Đưa các nguyên lí của CSSKBĐ vào chương trình giáo dục sức khỏe.
Kế hoạch GDSK phải là công trình tập thể: phải cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể và các tổ chức xã hội và các thành viên trong cộng đồng nhằm:
- Tranh thủ sự hỗ trợ về mọi mặt của các ngành, các tổ chức xã hội, các tổ chức tôn giáo, từ thiện...
- Nâng cao được lòng tin của quần chúng và tính tự nguyện của họ trong việc tham gia vào quá trình thay đổi hành vi của chính họ.
- Tranh thủ sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của những người có uy tín và ảnh hưởng trong cộng đồng, tạo thuận lợi cho mọi hoạt động GDSK.
- Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn lực sẵn có và có thể tạo ra tại cộng đồng, cũng như sự hỗ trợ từ cấp trên, từ bên ngoài.
Hợp tác với các cơ quan ngoài y tế:
- Các cơ quan truyền thông đại chúng, văn hóa, xã hội để phổ cập kiến thức và kỹ năng bảo vệ sức khỏe cho toàn thể cộng đồng.
- Các nhà trường đóng trên địa bàn: đưa chương trình GDSK vào giảng dạy chính thức, đồng thời kết hợp với GDSK cho các bậc cha mẹ để góp phần duy trì và củng cố kiến thức mà học sinh đã học được ở trường.
- Các cơ quan kinh tế đóng trên địa bàn để tạo cơ sở vật chất lâu dài cho công tác
GDSK.
- Phối hợp mọi lực lượng y tế trên địa bàn, có phân công trách nhiệm rõ ràng, có huấn luyện đào tạo việc sử dụng các phương tiện và phương pháp GDSK.
- Có thể tiến hành trong một phạm vi hẹp, bắt đầu bằng các phương pháp đơn giản, dễ đạt hiệu quả để gây được lòng tin của cộng đồng, sau đó rút kinh nghiệm để mở rộng các hoạt động đa dạng và phong phú hơn.
|