- Tính khoa học:
Việc giáo dục sức khỏe là sự vận dụng một loạt những kiến thức khoa học rất rộng lớn bao gồm cơ sở khoa học y học vì TT- GDSK được coi là một phần của y học, có nhiệm vụ phổ biến kiến thức của khoa học y học như: các dấu hiệu bệnh, nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng, xử trí, và dự phòng,... vào trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân kết hợp với tâm lý học giáo dục, tâm lý học nhận thức, sức khỏe cộng đồng. Đây được coi là chìa khóa cho người làm truyền thông giáo dục sức khỏe mở cửa bước vào con đường của mình.
- Tính đại chúng:
Giáo dục sức khoẻ không những được tiến hành cho mọi người và vì lợi ích của mọi người trong cộng đồng xã hội, mà còn được mọi người tham gia thực hiện. Mọi người vừa là đối tượng của giáo dục sức khoẻ vừa là người tiến hành giáo dục sức khoẻ. Đối tượng giáo dục sức khoẻ rất đa dạng, không thể cùng một lúc chúng ta có thể làm thay đổi hành vi sức khoẻ của tất cả mọi người với mọi vấn đề sức khoẻ. Việc nghiên cứu đối tượng trong một hoạt động TT-GDSK là việc làm hết sức quan trọng cho phép chúng ta đạt được mục tiêu và hiệu quả của giáo dục sức khoẻ.
- Tính trực quan:
Mọi yếu tố tác động đến con người trước hết trực tiếp vào các giác quan như: mắt, tai, mũi v.v... Tác động trực quan thường gây ấn tượng mạnh, sâu sắc đến tình cảm, niềm tin, làm thay đổi hành vi sức khỏe nhanh chóng và bền vững.
Bản thân người cán bộ y tế và cơ sở y tế với toàn bộ những hoạt động của mình đã là những mẫu hình trực quan sinh động có tác dụng giáo dục mạnh mẽ nhất đối với nhân dân, sẽ phản chiếu hai mặt tích cực và tiêu cực cho sự hình thành hay thay đổi hành vi sức khỏe của đối tượng. Công tác GDSK cần thiết phải chú ý phát huy mặt tích cực của những hình mẫu này.
- Tính thực tiễn:
Giáo dục sức khoẻ phải góp phần tích cực giải quyết các vấn đề sức khoẻ một cách, thiết thực, cụ thể bằng việc NCSK, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong thì mới có sức thuyết phục cao.
Nguyên tắc thực tiễn còn được thể hiện trong quá trình tự giáo dục.Chính nhân dân phải thực sự bắt tay vào làm những công việc nhằm biến đổi hiện thực chất lượng cuộc sống, trong đó có sức khoẻ của họ.Lấy thực tiễn của các kết quả hành động đó để giáo dục, đánh giá và cải tiến toàn bộ hệ thống giáo dục sức khoẻ.
- Nguyên tắc lồng ghép:
Lồng ghép không những là nguyên tắc quan trọng trong giáo dục sức khoẻ mà còn là phương pháp công tác trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân nói chung và của ngành y tế nói riêng.
Lồng ghép trong giáo dục sức khoẻ là sự phối hợp các mặt hoạt động trong quá trình giáo dục sức khoẻ; phối hợp một số hoạt động của các chương trình giáo dục sức khoẻ có tính chất giống nhau hoặc có liên quan mật thiết với nhau nhằm tạo điều kiện hỗ trợ và tăng cường lẫn nhau để đạt hiệu quả chung tốt hơn. Lồng ghép trong giáo dục sức khoẻ còn là phối hợp các hoạt động của giáo dục sức khoẻ với các lĩnh vực hoạt động khác của ngành y tế và các ngành khác, các giới và các đoàn thể nhân dân thành một quá trình chung nhằm tạo được các hành vi sức khoẻ lành mạnh, từ bỏ được các hành vi sức khoẻ lạc hậu, có hại cho sức khoẻ mọi người.
|