Phương pháp GDSK: Là cách thức mà ngưới giáo dục sức khỏe thực hiện một chương trình giáo dục sức khỏe.
Phương tiện GDSK: Là công cụ mà người giáo dục sức khỏe sử dụng để thực hiện một phương pháp giáo dục sức khỏe và qua đó truyền đạt lại nội dung giáo dục sức khỏe tới đối tượng được giáo dục, phương tiện còn gọi là đường (kênh).
Mỗi phương pháp, phương tiện đều có những ưu nhược điểm nhất định, nên trong một chương trình TT-GDSK cần phối hợp các phương pháp và phương tiện khác nhau để nâng cao hiệu quả của truyền thông.
Người giáo dục sức khoẻ phải biết lựa chọn các phương pháp và phương tiện giáo dục phù hợp với nhau và với điều kiện thực tế (nguồn lực, thời gian, địa điểm, nội dung, đối tượng đích).
Phương pháp giáo dục sức khỏe trực tiếp:
Phương pháp này còn gọi là giáo dục sức khoẻ mặt đối mặt, người giáo dục sức khoẻ trực tiếp tiếp xúc với đối tượng giáo dục sức khoẻ. Người giáo dục sức khoẻ có thể nhanh chóng nhận được các thông tin phản hồi từ đối tượng giáo dục nên tính điều khiển cao.
Thực hiện TT-GDSK trực tiếp luôn có hiệu quả tốt nhất trong việc giúp đỡ đối tượng học kỹ năng và thay đổi hành vi. Thực hiện phương pháp này đòi hỏi cán bộ TT-GDSK phải được đào tạo tốt về các kỹ năng giao tiếp. Các phương pháp TT- GDSK trực tiếp có tác dụng tốt nhất đến bước 3,4,5 của quá trình thay đổi hành vi. Trên thực tế, cần phối hợp phương pháp này với phương pháp TT-GDSK gián tiếp để nâng cao hiệu quả.
Có thể tổ chức buổi nói chuyện trực tiếp, tổ chức thảo luận nhóm, tư vấn, thăm hộ gia đình, tổ chức các buổi trình diễn, triển lãm...
Phương pháp giáo dục sức khỏe gián tiếp: Đây là phương pháp giáo dục mà người giáo dục không trực tiếp tiếp xúc với đối tượng được giáo dục. Các nội dung giáo dục được chuyển tải tới đối tượng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Phương pháp này hiện nay vẫn được sử dụng rộng rãi trên thế giới và ở nước ta, phương pháp này có tác dụng tốt khi chúng ta cung cấp, truyền bá các kiến thức thông thường về bảo vệ và tăng cường sức khoẻ cho quảng đại quần chúng nhân dân một cách có hệ thống.
Tuy nhiên phương pháp gián tiếp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng thường đắt tiền, đòi hỏi có kỹ thuật cao để vận hành, sử dụng các phương tiện. Phương pháp gián tiếp chủ yếu là quá trình phát thông tin một chiều và khó khăn trong việc lựa chọn đối tượng đích.
Các phương tiện đại chúng thường được sử dụng trong phương pháp giáo dục sức khỏe gián tiếp là: Đài phát thanh, vô tuyến truyền hình, video, báo tạp chí, pano, áp phích, tờ rơi...
|