Khi người cán bộ Y tế thực hiện một chương trình Giáo dục sức khỏe, đối tượng được truyền thông sẽ trải qua các bước thay đổi hành vi như sau:
Bước 1: Nhận ra vấn đề mới
Nhận ra được hành vi hiện có gây hại cho sức khỏe bản thân và những khó khăn do hành vi đó gây ra, không tự vừa ý với tình trạng hiện tại và thấy cần phải thay đổi hành vi hiện có. Từ chỗ chưa nhận ra đến khi nhận ra được hành vi bản thân là sai trái không phải là dễ, vì mỗi người đều có xu hướng tự coi hành vi vốn có của mình là đúng đắn, không cần thiết phải thay đổi. Do đó cần có những thông tin từ bên ngoài tác động vào giúp cho đối tượng dễ tự nhận thức hơn về hành vi có hại cho sức khỏe của bản thân.
Bước 2: Quan tâm đến vấn đề mới
Quan tâm đến hành vi có hại cho sức khỏe của mình và bắt đầu tìm kiếm các thông tin về hành vi sức khỏe mới đó, suy nghĩ nghiêm chỉnh về hành vi đó nhưng chưa có ý định thay đổi. Bước này có thể kéo dài vài tháng hoặc tới hàng năm, và thực tế có những người không bao giờ vượt qua được bước này.
Bước 3: Thử nghiệm hành vi mới
Giai đoạn hành động. Đây là bước khó khăn nhất cho đối tượng mà nhiều khi họ không tự vượt qua nổi do những thói quen hành vi trước đó của họ.
Bước 4: Đánh giá kết quả hành vi mới
Đánh giá kết quả và hiệu quả việc thực hiện hành vi mới về các mặt sức khỏe, thể chất, tâm thần, xã hội, kinh tế,…Việc tự đánh giá này cũng không kém phần khó khăn, vì đối tượng phải tự hiểu rõ bản thân mình hơn ai hết trong quá trình thay đổi hành vi của chính mình, tự nhận ra những lợi ích và những điều bất lợi do sự thay đổi hành vi sức khỏe đem lại, so với những chi phí mình phải bỏ ra để đạt được kết quả như thời gian, tiền, những cảm giác khó chịu, thái độ không đồng tình (hay ủng hộ) của những người khác.
Bước 5: Quyết định duy trì hành vi mới hay từ chối
Chấp nhận hay từ chối hành vi mới sau khi đã cân nhắc chi phí/lợi ích, đã cố công khắc phục mọi trở lực từ bên trong và bên ngoài bản thân.
- Nếu từ chối thì đối tượng sẽ quay lại bất cứ bước nào trước đó.
- Chấp nhận hành vi mới đối tượng duy trì hành vi đã thay đổi, đây là giai đoạn củng cố và nâng cao kết quả đạt được, đối tượng phải tự kiểm soát được hành vi mới của mình và tin chắc khả năng có thể thực hiện được hành vi đó một cách bền vững, để tránh quay lại hành vi cũ.
|