Lời khuyên với người phụ nữ dự định có thai là nên đến với BSGĐ để được tư vấn và chăm sóc trước khi có thai, để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh. BSGĐ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại của cả hai vợ chồng, những yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe bố mẹ và thai nếu người phụ nữ mang thai. Từ đó, lập kế hoạch chăm sóc sức khỏe, cung cấp lời khuyên về các hành vi và các phơi nhiễm có thể tác hại đến mẹ hoặc thai. Chăm sóc sức khỏe trước khi có thai nên được thực hiện trước khi thụ thai 3 tháng. Những vấn đề quan trọng BSGĐ nên cung cấp cho người phụ nữ trước khi có thai bao gồm:
1.1. Di truyền: Đánh giá nguy cơ các khuyết tật di truyền của thai nhi, cần lưu ý một số đối tượng có nguy cơ cao như: tuổi mẹ từ 35 trở lên nguy cơ con bị Down tăng cao hơn, những người có tiền sử sảy thai, thai lưu, có con tử vong sơ sinh, lịch sử gia đình về các bệnh di truyền......
1.2. Tiêm phòng
+ Human Papillomavirus (HPV): Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo, cả 2 giới nam và nữ ở độ tuổi từ 9 – 26 tuổi đều nên tiêm phòng vắc xin HPV, và tiêm trước khi quan hệ tình dục để đạt hiệu quả miễn dịch tốt nhất.
+ Vắc xin MMR được dùng để tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh sởi, quai bị,
Rubella. Nên tiêm phòng MMR trước khi có thai 3 tháng.
+ Vắc xin viêm gan B, thủy đậu, cúm,... BSGĐ sẽ xem xét tình trạng từng người bệnh cụ thể để đưa ra tư vấn phù hợp.
1.3. Một số vấn đề sức khỏe
Nhiều bệnh lý của mẹ có thể đặt bà mẹ và thai nhi trước nguy cơ tăng tỉ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong. Một số trường hợp việc dùng thuốc điều trị có thể là yếu tố nguy cơ thêm vào. Khám phát hiện các bệnh mạn tính tiềm ẩn nhằm điều trị bệnh kịp thời (bệnh tim mạch, tăng huyết áp, thiếu máu, đái tháo đường, viêm gan, suy thận, lao, động kinh, rối loạn tâm thần, bất thường về cấu trúc hoặc chức năng cơ quan sinh dục. ).
Một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục: Bệnh lây truyền qua đường tình dục trong thai kỳ có thể gây ra nguy cơ sẩy thai, sinh non, sinh con nhẹ cân và bệnh lý ở trẻ sơ sinh. Do đó, tất cả những người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và bạn tình cần được thăm khám, tư vấn về khả năng mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng như cách phòng tránh trước và trong khi có thai: Chlamydia, bệnh lậu, Herpes sinh dục, Giang mai, HIV,…
1.4. Sử dụng thuốc
BSGĐ cần tư vấn và quản lí tình trạng sử dụng thuốc mua không đơn của người bệnh, đặc biệt quan trọng với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Một số loại thực phẩm chức năng, thảo dược hay vitamin cũng có thể là không an toàn cho thai nhi khi sử dụng. Ví dụ uống Vitamin A với liều cao hơn 10.000UI trong thời kỳ mang thai có thể gây dị tật bẩm sinh. Đối với các người bệnh mang thai đang điều trị bệnh mạn tính, cần cân nhắc chỉnh liều thuốc đạt được kiểm soát tối đa và thay thế các thuốc có thể ảnh hưởng đến thai nhi, mà vẫn đảm bảo duy trì sức khỏe người mẹ.
1.5. Hành vi lối sống
Một lối sống khoa học, ăn uống đầy đủ khi mang thai luôn được khuyến khích để thai nhi phát triển tốt nhất. Có một số thói quen của bà bầu lại gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi:
- Uống đồ uống có chất kích thích: Trong thời kỳ mang thai, người phụ nữ thường chỉ tránh uống rượu, bia mà quên rằng các loại đồ uống có chứa caffeine như chè, cà phê... cũng không nên sử dụng. Người phụ nữ mang thai sử dụng đồ uống có chất kích thích là một trong những nguyên nhân gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi như chậm phát triển trí tuệ, khiếm khuyết hệ thần kinh, tăng nguy cơ sảy thai và thai chết lưu
- Hút thuốc lá: là một trong những nguyên nhân làm hạn chế tăng trưởng tử cung và nhau thai, gây rau bong non, ối vỡ sớm, cân nặng sơ sinh thấp, tử vong chu sinh. BSGĐ cần áp dụng những mô hình tư vấn giúp phụ nữ mang thai và người thân trong gia đình của họ cần ngưng thuốc lá sớm.
- Điện thoại: Sử dụng điện thoại quá nhiều ở phụ nữ mang thai được chứng minh đem lại những tác động tiêu cực đến thai nhi. Nguyên nhân do bức xạ của điện thoại có ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai và gây một số rối loạn về hành vi sau khi lớn lên như bị tăng động giảm chú ý.
- Tâm lý xã hội: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tâm trạng của người mẹ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển não bộ và tính cách của em bé sau này. BSGĐ cần đánh giá các yếu tố nguy cơ như rào cản chăm sóc, mang thai ngoài ý muốn, sử dụng chất gây nghiện, trầm cảm, bạo lục gia đình và những stress trong cuộc sống để lập kế hoạch chăm sóc tốt nhất cho người phụ nữ mang thai.
|