5.1. Nguyên tắc điều trị
- Điều trị bằng thuốc đặc hiệu để diệt giun lươn như ivermectin, albendazole, thiabendazole.
- Điều trị triệu chứng bằng các thuốc kháng histamin, chống rối loạn tiêu hóa, giảm đau,...
- Ngừng hoặc giảm liệu pháp điều trị ức chế miễn dịch (nếu có).
- Nâng cao thể trạng, điều trị các bệnh kèm theo.
5.2. Điều trị đặc hiệu
Sử dụng 1 trong các phác đồ sau
5.2.1. Phác đồ 1: Thuốc Ivermectin viên nén 3mg, 6mg
a) Liều dùng
- Thể bệnh thông thường: trẻ em trên 15kg và người lớn: 0,2 mg/kg cân nặng, dùng trong 1-2 ngày, uống cách bữa ăn 2 giờ.
- Thể bệnh nặng, nhiễm giun lươn lan toả: Liều dùng 0,2mg/kg/ngày. Uống cho đến khi xét nghiệm phân và hoặc đờm không còn thấy ấu trùng giun lươn, có thể điều trị trong vòng 2 tuần.
b) Chống chỉ định
- Bệnh nhân mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Bệnh nhân mắc các bệnh có kèm theo rối loạn hàng rào máu não và bệnh viêm màng não.
- Trẻ em dưới 5 tuổi hoặc trọng lượng cơ thể < 15kg
- Phụ nữ có thai và cho con bú.
5.2.2. Phác đồ 2: Thuốc Albendazol viên nén 400 mg hoặc 200 mg
a) Liều dùng
- Thể bệnh thông thường:
+ Người lớn: 400mg/lần x 2 lần/ngày trong 7 ngày liên tiếp.
+ Trẻ em > 2 tuổi: uống 400mg/lần/ngày x 3 ngày liên tiếp.
+ Trẻ em < 2 tuổi: uống 200mg/lần/ngày trong 3 ngày liên tiếp, có thể nhắc lại sau 3 tuần.
- Thể bệnh nặng, nhiễm giun lươn lan tỏa có biến chứng dùng liều 400mg/lần x 2 lần/ngày x 7 ngày. Xét nghiệm theo dõi ấu trùng giun lươn trong 2-4 tuần nếu còn ấu trùng thì điều trị tiếp 1 đợt liều như trước.
b) Chống chỉ định
- Có tiền sử quá mẫn cảm với các hợp chất loại benzimidazol hoặc các thành phần nào đó của thuốc.
- Người bệnh có tiền sử nhiễm độc tủy xương.
- Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu hoặc đang cho con bú.
- Trẻ em dưới 2 tuổi.
5.2.3. Phác đồ 3: Thuốc Thiabendazol viên nén 500 mg
a) Liều dùng: 25mg/kg/lần x 2 lần/ngày (tối đa là 3g/ngày). Uống sau khi ăn no.
- Đối với thể bệnh thông thường: điều trị 2 ngày.
- Đối với nhiễm giun lươn lan tỏa: điều trị kéo dài tối thiểu 5-7 ngày hoặc cho đến khi sạch ấu trùng.
b) Chống chỉ định
- Với những trường hợp mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Phụ nữ có thai và cho con bú.
- Bệnh nhân nhi có trọng lượng cân nặng <13,6 kg.
5.3. Điều trị triệu chứng
- Nâng cao thể trạng, có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.
- Nếu bệnh nhân có rối loạn tiêu hóa tiêu chảy phải điều trị bằng truyền dịch để bồi phụ nước và điện giải.
- Nếu có biểu hiện viêm nhiễm phải điều trị bằng kháng sinh.
- Có biểu hiện ngứa phải dùng kháng Histamin.
- Điều trị các bệnh lý kèm theo.
5.4. Theo dõi sau điều trị
- Theo dõi điều trị nội trú:
+ Người bệnh được theo dõi tại cơ sở điều trị nội trú khoảng 7 ngày.
+ Xét nghiệm lại phân trong 3 ngày vào các ngày thứ 5, 6, 7 khi điều trị nội trú, xét nghiệm công thức máu, sinh hóa chức năng gan, thận để đánh giá chức năng cơ quan của cơ thể.
+ Đối với những bệnh nhân có bệnh nền, làm các xét nghiệm để theo dõi và điều trị các bệnh nền liên quan.
- Theo dõi sau điều trị nội trú:
Các chỉ số đánh giá hiệu quả điều trị, sau thời gian điều trị 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng.
+ Lâm sàng: các triệu chứng lâm sàng giảm hoặc hết
+ Xét nghiệm phân hoặc dịch tá tràng hoặc đờm không còn ấu trùng giun lươn
+ Công thức máu: số lượng bạch cầu ái toan trở về bình thường hoặc giảm
+ Sinh hóa: chức năng gan, thận
+ ELISA giun lươn, IgE đánh giá lại sau 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng và lâu hơn nếu còn dương tính.
+ Siêu âm ổ bụng: thành quai ruột non trở về bình thường.
+ Chụp CT, MRI sọ não: tổn thương giảm hoặc hết.
|