Máy tạo nhịp tim là một máy điện tử gồm có 2 phần là thân máy (pacemaker) và dây điện cực (Catheter Electrode), phần thân máy là nơi phát ra các xung điện 1 chiều theo chu kỳ, phần dây điện cực nối từ thân máy tới cơ tim có nhiệm vụ dẫn các xung điện từ thân máy tới kích thích cơ tim co bóp tạo ra một nhịp tim.
Hệ thống máy tạo nhịp tim
Sơ đồ hệ thống máy tạo nhịp tim (MTNT) gồm có 3 bộ phận cấu thành như sau:
Sơ đồ 1.1. Hệ thống tạo nhịp tim: Máy lập trình – Máy tạo nhịp tim – Dây điện cực
Nguồn: theo Nguyễn Sĩ Huyên, Trần Thống [5]
Máy lập chương trình (Programmer).
Máy lập chương trình là một máy vi tính với chức năng lập chương trình và gọi chương trình trong MTNT để kiểm tra. Máy lập chương trình liên lạc với MTNT qua từ trường bằng đầu dò lập trình có nam châm vĩnh cửu và mạch điện tử.
Máy tạo nhịp (Pacemaker).
Máy tạo nhịp chính là phần thân máy bao gồm phần vỏ và phần lõi, phần vỏ có thể đóng vai trò là điện cực dương (+) với loại máy sử dụng dây đơn cực, phần lõi là pin và bộ vi xử lý, mạch điện tử, bộ nhớ…
Về chức năng, có 2 chức năng cơ bản: kích thích (Stimulate) và nhận cảm (Sensitive), ngoài ra tuỳ từng loại máy mà có nhiều chức năng khác (ví dụ: đáp ứng tần số...).
Dây điện cực (Electrode).
Dây điện cực tĩnh mạch có 1 đầu gắn vào MTNT, đầu còn lại là cực âm (-) tiếp xúc với nội tâm mạc của tim. Dây điện cực có chức năng là dẫn truyền xung điện theo 2 chiều:
- Chiều kích thích là xung điện từ MTNT tới cơ tim kích thích cơ tim khử cực
- Chiều nhận cảm là nhận xung điện do tim phát ra khi cơ tim khử cực truyền về máy để xử lý.
|