Khi đề cập đến khía cạnh nguồn tư liệu trực tuyến, chúng ta có thể kể ra nhiều hình thức tư liệu khác nhau như: Văn bản – tài liệu dạng chữ Html, sách điện tử, hình ảnh, phim, tập tin ghi âm, ca bệnh lâm sàng, biểu mẫu báo cáo, ý kiến khảo sát, bài báo tạp trí, cơ sở dữ liệu, … Nguồn tư liệu trực tuyến này có thể được lưu trữ trong máy tính của đơn vị hoặc trên Internet, trong đó bao gồm mạng lưới thư việc – kho lưu trữ trên toàn thế giới. Nội dung có thể do giảng viên soạn thảo chuyên biệt cho một nội dung giảng hoặc có thể là dạng tham khảo mở rộng – nâng cao. Tài liệu có thể do cá nhân xây dựng hoặc của tất cả các chuyên gia trên thế giới tham gia đóng góp. Điểm quan trọng cần lưu ý là mỗi hình thức đều có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau khi áp dụng vào giảng dạy và học tập trực tuyến.
Có nhiều định dạng tài liệu khác nhau có thể được sử dụng trên môi trường trực tuyến. Mỗi loại đòi hỏi những công cụ chuyên biệt để biên soạn và xuất bản. Do vậy, với vai trò giảng viên là người phát triển nội dung và tổ chức thực hiện giảng dạy, chúng ta cần nắm bắt các đặc điểm kỹ thuật và vận dụng hiệu quả các nguồn tư liệu này. Còn đối với học viên, họ cũng cần được giới thiệu và hướng dẫn một số kỹ năng cơ bản để có thể sử dụng tốt các nguồn tư liệu được cung cấp trong chương trình học.
Có một số ưu điểm khi sử dụng nguồn tư liệu trực tuyến vào giảng dạy và học tập:
• Tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, từ nhiều chuyên gia khác nhau trong nước và trên thế giới. Nếu sử dụng tốt các tư liệu này, học viên có cơ hội tiếp xúc với kiến thức chuyên gia và cấu trúc lại kiến thức cá nhân trên cơ sở phân tích các nguồn thông tin khác nhau.
• Tiết kiệm thời gian: Với vai trò giảng viên, chúng ta sẽ không cần phải xây dựng bài giảng lại từ đầu. Bằng cách tham khảo nhanh nội dung của các chuyên gia trong lĩnh vực, chúng ta có thể hiệu chỉnh nội dung để phù hợp với yêu cầu của lớp học. Thời gian tiết kiệm sẽ được sử dụng để tổ chức các hoạt động học tập khác như thảo luận tại giảng đường, phân tích ca bệnh lâm sàng, giải quyết câu hỏi tình huống…
• Chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp khác: Một khi chúng ta đã xây dựng được nội dung và phát hành trực tuyến (trong khuôn khổ chương trình đào tạo hoặc với cách thức không chính thức), chúng ta có thể chia sẻ nguồn lực này với các đồng nghiệp khác thông qua bản quyền mở (Creative Commons licence) như là chúng ta đã sử dụng tư liệu từ các đồng nghiệp khác.
• Học viên sẽ chủ động tìm kiếm và chia sẻ các bài giảng – tài liệu: Nếu được, việc lồng ghép các hoạt động tìm kiếm và chia sẻ các nguồn lực thông tin trực tuyến sẽ làm phong phú thêm chương trình đào tạo. Học viên sẽ phát triển một số kỹ năng mới, cần thiết trong kỷ công nghệ thông tin, đảm bảo khả năng tự đào tạo liên tục trong tương lai.
• Các tư liệu này phong phú – sẵn sàng mọi lúc – mọi nơi: Nếu lồng ghép được các nguồn lực này vào chương trình đào tạo trực tuyến, học viên sẽ có thể tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi, và trực tiếp đáp ứng nhu cầu cụ thể khi học viên cần.
|