7.2.1 Quyền tác giả
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, các nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả được ghi nhận cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học như sách, bài giảng, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm sân khấu, tác phẩm điện ảnh, tác phẩm tạo hình và mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm nhiếp ảnh, tác phẩm kiến trúc, phần mềm máy tính. Quyền tác giả tự động phát sinh từ thời điểm tác phẩm được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định, bất kể tác phẩm đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký(5).
Theo luật sở hữu trí tuệ 50/2005/QH11, thời hạn bảo hộ quyền tài sản và quyền nhân thân được quy định là năm mươi năm tính từ thời điểm tác giả cuối cùng qua đời(6).
7.2.2 Qui định tại Việt Nam
Tại Việt Nam, quyền tác giả đã được quy định trong Bộ Luật Dân sự 2005, Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị Định 100/NĐ–CP/2006. Theo đó, quyền tác giả bao gồm các quyền sau đây(5):
• Quyền nhân thân
• Đặt tên cho tác phẩm;
• Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
• Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm trừ trường hợp có thỏa thuận của tác giả;
• Tác giả chương trình máy tính và các nhà đầu tư sản xuất chương trình máy tính có thể thỏa thuận về việc đặt tên và việc phát triển chương trình máy tính.
• Quyền tài sản
• Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
• Sao chép tác phẩm;
• Phân phối bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
• Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
• Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
7.2.3 Một số quan điểm chưa đúng
Với Internet, chúng ta được tiếp cận nhanh chóng và hầu như miễn phí các nguồn lực thông tin khác nhau. Chính sự thuận tiện trong sử dụng đôi khi dẫn đến một số nhận định sai liên quan đến bản quyền tác giả. Sau đây là một số quan điểm chưa đúng:
• Nếu sản phẩm không có chú thích về bản quyền, thì không có bản quyền.
• Bài viết đăng trên Internet thì không còn bản quyền.
• Cái gì đã có trên internet thì là miễn phí hết.
• Có sao chép đi nữa thì tác giả không thể làm gì được tôi hết.
• Đấu tranh giành lại quyền tác giả thì tốn kém, mất thời gian, rắc rối và đôi khi mất công – vô ích.
• Chỉ những công ty lớn mới quan tâm đăng ký bảo hộ và bảo vệ quyền tác giả.
• Đối với nội dung tiếng nước ngoài thì tôi có thể sử dụng thoải mái.
• Người nước ngoài thì không thể yêu cầu bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam.
• Tôi chỉ sử dụng vì mục đích phi thương mại nên tôi có thể sao chép nội dung.
• Tôi không thấy ai bị phạt vì vi phạm nên tôi cũng vậy.
• Mặc dù tôi không xin phép tác giả nhưng tôi có để đường dẫn tham khảo và ghi nguồn gốc.
|