1. Ưu tiên hàng đầu trong dịch COVID-19 là phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 cho nhân viên y tế và người bệnh. Coi những người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh là người nghi lây nhiễm COVID-19 để có biện pháp phòng hộ cá nhân, tiếp cận và xử trí phù hợp, cho đến khi người bệnh được xác định không nhiễm COVID-19.
2. Với các trường hợp chưa loại trừ được việc nhiễm COVID-19, cần bố trí khu tiếp đón riêng, hạn chế di chuyển nhiều trong và giữa các khoa, phòng, để giảm nguy cơ lây nhiễm. Người bệnh phải được đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Với người có nguy cơ lây nhiễm, cần được làm xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 càng sớm càng tốt đồng thời với việc theo dõi sát tình trạng bệnh.
3. Khuyến khích cơ sở KCB triển khai khám bệnh, tư vấn cho người bệnh trực tuyến, bằng phần mềm, điện thoại và các phương tiện thông tin liên lạc khác để tư vấn từ xa cho người bệnh về hiệu quả điều trị, các biểu hiện hoặc biến cố có thể xảy ra, tác dụng phụ của thuốc điều trị để có những điều chỉnh kịp thời.
4. Thực hiện việc quản lý, điều trị các bệnh mạn tính tại tuyến y tế cơ sở. Các cơ sở KCB tuyến tỉnh, thành phố, tuyến trung ương ưu tiên tiếp nhận các trường hợp cấp cứu, điều trị các bệnh nặng, nguy kịch vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến dưới.
5. Các cơ sở KCB chỉ nên chuyển tuyến trên khi người bệnh nghi ngờ hoặc đã có biến chứng nặng. Mặt khác không nên trì hoãn chuyển tuyến nếu người bệnh nghi ngờ hoặc đã có biến chứng nặng, nhưng nên liên hệ trước với cơ sở định chuyển đến, để có sàng lọc, phân luồng, cách ly và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 sẵn sàng khi người bệnh tới.
6. Đối với các người bệnh ổn định, thực hiện khám bệnh, kê đơn thuốc điều trị ngoại trú từ 1 đến 3 tháng, đồng thời phải đảm bảo cung cấp đủ thuốc cho người bệnh theo kê đơn thuốc cho đến lịch tái khám dự kiến tiếp theo. Duy trì theo đơn thuốc gần nhất nếu không khám lại được người bệnh hoặc hiệu chỉnh thuốc sau khi đã tư vấn từ xa với người bệnh.
7. Các cơ sở KCB, nhân viên y tế thường xuyên cập nhật các khuyến cáo, hướng dẫn, thông tin về điều trị người có bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản trong dịch COVID-19.
8. Ưu tiên các điều trị nội khoa cho các bệnh lý cấp do dễ thực hiện hơn trong bối cảnh hệ thống y tế quá tải vì dịch, hơn là các biện pháp xâm lấn.
9. Hạn chế thực hiện kỹ thuật, thủ thuật tăng nguy cơ nhiễm COVID-19 do bắn giọt dịch tiết vào nhân viên y tế. Nếu bắt buộc phải làm thì phải hạn chế tối đa người tham gia và có đầy đủ trang thiết bị bảo hộ cá nhân phù hợp cho nhân viên y tế. Một số kỹ thuật, thủ thuật này bao gồm: nghe phổi ở người khó thở do suy tim cấp; siêu âm tim khi làm nhiều mặt cắt qua thành ngực hoặc khi làm siêu âm tim qua thực quản; cấp cứu ngừng tuần hoàn (ép tim, bóng bóng, đặt nội khí quản… ), sử dụng oxy lưu lượng cao đường mũi và thở không xâm nhập (CPAP/BiPAP), đặt nội khí quản, thở máy xâm nhập, đo hô hấp ký, đo lưu lượng đỉnh, hút đờm dãi, đặt sonde dạ dày, sử dụng liệu pháp khí dung….
10. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 hiện tại không thực sự rõ ràng, thay đổi từ 0.5%-6.7%, tăng rõ rệt theo tuổi (8% ở nhóm 70-79 tuổi và 14.8% ở nhóm tuổi từ 80 trở lên) cũng như tăng khi có kèm các bệnh đồng mắc mạn tính: 5.6% với người có ung thư; 6% với người THA; 6.3% với người có BPTNMT, 7.3% với người đái tháo đường và 10.5% với người có tiền sử bệnh tim mạch. Vì vậy cần phân tầng nguy cơ khi nhiễm COVID-19 theo các bệnh lý nền để tiếp cận và tiên lượng kịp thời.
|