Trước khi bắt đầu xây dựng nội dung và hoạt động cho chương trình đào tạo trực tuyến, điểm quan trọng là cần phải hiểu một số đặc điểm kỹ thuật của các mô hình quản lý đào tạo trực tuyến khác nhau. Hiện nay trên thế giới có nhiều mô hình khác nhau. Đương nhiên, so sánh giữa các mô hình, luôn luôn có những điểm khác biệt, điểm mạnh – điểm yếu khác nhau, và phục vụ chuyên biệt những nhu cầu dạy và học đặc thù. Nói một cách khái quát, có thể chia các mô hình quản lý đào tạo ra làm 2 nhóm chính(2):
• Mô hình quản lý tổng thể (Institutionally supported technologies).
• Mô hình truy cập mở (Open technologies).
Thông thường, việc lựa chọn mô hình nào là tùy thuộc chủ yếu vào các điểm sau:
• Chính sách của đơn vị đối với đào tạo trực tuyến và mô hình nào cho phép hỗ trợ thực hiện các chính sách này.
• Mục tiêu đào tạo, hình thức tương tác, các tính năng hỗ trợ cho việc triển khai môi trường đào tạo – học tập tối ưu cho cả người học và người dạy.
Chương này không nhằm so sánh xem hệ thống nào mạnh hơn, tốt hơn. Chúng tôi chỉ muốn giới thiệu – làm nổi bật một số lợi ích, nêu ra các điểm cần cân nhắc khi chọn sử dụng hệ thống.
2.1.1 Mô hình truy cập mở (Open technologies)
Thuật ngữ này thường được mô tả dưới danh từ “mạng xã hội” hay Web 2.0 . Ở đây, mô hình truy cập mở thường được thiết kế để phục vụ một số chức năng hoặc nhiệm vụ cụ thể. Nó có thể được thiết lập và sử dụng bởi bất cứ ai. Trong phần lớn các trường hợp, các công cụ này được cho sử dụng miễn phí, hoặc hầu như miễn phí (có thu phí đối với một số tính năng cao cấp hoặc mở rộng khả năng lưu trữ).
Hiện mô hình này đã được sử dụng rộng rải bởi giảng viên và học viên. Tuy nhiên cách thức còn nặng tư cách cá nhân hơn là phục vụ một chính sách cụ thể của đơn vị. Ví dụ về các chương trình phục vụ mô hình truy cập mở hiện có rất nhiều, ngày càng hoàn thiện, tính năng ngày càng phong phú:
• Facebook ( Facebook.com).
• Twitter (twitter.com).
• Youtube (youtube.com).
• Flickr (flickr.com).
• Wordpress (wordpress.com).
• …
2.1.2 Mô hình quản lý tổng thể (Institutionally supported technologies)
Mô hình này còn được gọi là hệ thống quản trị đào tạo (Learning Management System). Ngoài ra, một số tác giả còn gọi nó là hệ thống môi trường đào tạo giả lập (Virtual Learning Environnement). Đối với mô hình này, các hoạt động học tập và giảng dạy được triển khai trong một hệ thống đóng, được bảo mật và quyền truy cập các tài nguyên của hệ thống chỉ được cấp cho một số đối tượng nhất định (ví dụ như giảng viên, học viên có đăng ký khóa học mới được quyền vào xem và tham gia các hoạt động học tập trên hệ thống).
Mô hình quản lý tổng thể cho phép thực hiện nhiều chức năng phục vụ cho cả đào tạo và quản lý hành chính. Ví dụ, chúng ta có thể quản lý khóa học, bài giảng, điểm, ngân hàng câu hỏi, quản lý nhân sự – học viên, diễn đàn thảo luận, bảng tin …. Chính vì khả năng kết hợp cả đào tạo và quản lý hành chính, hệ thống quản lý cho phép theo dõi xuyên suốt quá trình học, do vậy có thể sử dụng để chứng thực sự tham gia của học viên (cấp bằng, chứng chỉ, chứng nhận).
Hiện nay có nhiều chương trình phần mềm giúp hỗ trợ cho mô hình quản lý tổng thể, một số được phát triển dưới dạng mã nguồn mở (open source) hoặc mã nguồn đóng (close source). Ví dụ về mô hình này có thể kể đến:
• Blackboard (www.blackboard.com).
• Moodle (www.moodle.com).
• Chamilo (www.chamilo.com).
• Efront (efrontlearning.com).
• …
|