Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


BẠO HÀNH ĐỐI VỚI PHỤ NỮ

(Tham khảo chính: 4128/QĐ-BYT )

BẠO HÀNH ĐỐI VỚI PHỤ NỮ

  1. Định nghĩa.

Bạo hành đối với phụ nữ là bất cứ hành động bạo lực nào trên cơ sở giới gây ra, hoặc có thể gây ra tổn hại cho phụ nữ về mặt thể chất, tình dục hoặc về tâm lý hay kinh tế, bao gồm cả việc đe dọa thực hiện những hành động đó, ép buộc hay cố tình tước đoạt một cách tùy tiện sự tự do, dù xảy ra ở nơi công cộng hay đời sống riêng tư.

Bạo hành đối với phụ nữ vi phạm nghiêm trọng những quyền con người cơ bản nhất và mang mầu sắc bất bình đẳng giới rõ rệt. Đây cũng là nguyên nhân suy giảm sức khỏe cho phụ nữ ở độ tuổi sinh sản thậm chí gây tử vong.

  1. Nhận diện các biểu hiện bạo hành.

- Bạo hành tâm lý: lấn át ý kiến, mắng chửi, xúc phạm nhân phẩm, bôi nhọ danh dự, uy tín, lăng nhục, cô lập, đe dọa bỏ rơi, hành hạ con cái (nhất là con riêng của vợ) nhằm làm cho người phụ nữ đau khổ.

- Bạo hành thể chất: tạt tai, túm tóc, tát, đấm, đá, bóp cổ, giam hãm hay nhốt, tạt acid, dùng hung khí… gây thương tổn cho người phụ nữ, thậm chí gây chết người.

- Bạo hành về sinh sản và tình dục: bị ngược đãi trong khi mang thai, cưỡng bức tình dục; không cho sử dụng biện pháp tránh thai, ép buộc vợ phải sinh bằng được con trai, xúi giục vợ đi vào con đường làm mại dâm hay mỹ nhân kế vì mục đích tư lợi.

- Bạo hành về kinh tế: không cho vợ kiếm việc làm, buộc vợ phải lệ thuộc về kinh tế, chiếm đoạt tiền và tài sản riêng của vợ.

  1. Hậu quả bạo hành đối với sức khỏe phụ nữ.

Các hậu quả cụ thể bao gồm:

3.1. Hậu quả gây tử vong: giết người, tự tử, tử vong mẹ.

3.2. Hậu quả thể chất: thương tật, sức khỏe yếu, xuất hiện các bệnh mạn tính, tàn tật vĩnh viễn,những hành vi sức khỏe tiêu cực (hút thuốc, lạm dụng rượu, ma túy).

3.3. Hậu quả đến sức khỏe sinh sản: các bệnh nhiễm trùng đường sinh sản/lây truyền qua đường tình dục, HIV, có thai không mong muốn, phá thai không an toàn, biến chứng do phá thai, sẩy thai, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn chức năng tình dục, trẻ sơ sinh thiếu cân…

3.4. Hậu quả đến sức khỏe tinh thần: stress sau chấn thương, trầm cảm, lo sợ, trạng thái hoảng loạn, rối loạn về ăn uống, rối loạn tiêu hóa.

3.5. Các hậu quả khác:

- Về kinh tế-xã hội: gây tốn kém cho ngân sách y tế-xã hội của quốc gia, ảnh hưởng đến thu nhập của từng gia đình (chữa trị thương tích, giảm năng suất lao động, con cái không được chăm sóc chu đáo, cản trở cơ hội được học hành và có việc làm của phụ nữ...).

- Đối với trẻ em: trẻ em trong những gia đình thường xuyên phải chứng kiến cảnh bố mẹ xung đột sau này có nhiều khả năng trở thành những kẻ vũ phu, lặp lại những hành vi như cha mẹ hoặc có những vấn đề về hành vi như lo sợ, trầm cảm, stress sau chấn thương. Trẻ em cũng có nguy cơ bị chết do hành vi bạo hành từ cha mẹ.

- Tiếp cận với rượu, ma túy: để tự xoa dịu khi có những vấn đề gây hoảng loạn, giúp họ đối phó với những ý nghĩ dằn vặt, những ký ức liên quan đến sự cố gây chấn thương. Rượu và ma túy có thể là một giải pháp tức thời, có hiệu quả nhanh nhưng lại có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn, mất khả năng kiểm soát bản thân.

  1. Một số giả thuyết về nguyên nhân.

Không có nguyên nhân duy nhất cho mọi hình thái bạo hành. Bạo hành đối với phụ nữ là vấn đề rất phức tạp do nhiều nguyên nhân khác nhau, theo các nhà tâm lý có thể có vai trò của yếu tố sinh học thần kinh, yếu tố nhân cách (nội tâm), yếu tố xã hội và những tình huống tác động đến đời sống gia đình.

- Ý thức gia trưởng, trọng nam khinh nữ, có nguồn gốc từ những ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, đặc biệt là định kiến giới (nam giới tự coi mình ở vị trí cao hơn vợ, có quyền bắt vợ phải phục tùng).

- Sự tuyên truyền, giáo dục và can thiệp chưa đủ mạnh của cộng đồng để ngăn chặn tệ nạn bạo hành đối với phụ nữ.

- Sự thiếu hiểu biết của người dân về pháp luật liên quan đến mối quan hệ bất bình đẳng giới giữa nam và nữ còn hạn chế, sự yếu đuối, cam chịu, ít hiểu biết và phụ thuộc kinh tế của chính phụ nữ đã nuôi dưỡng thêm sự đối xử bất bình đẳng của số đàn ông có tư tưởng gia trưởng.

  1. Vai trò của cán bộ y tế.

- Vấn đề bạo hành phụ nữ là vấn đề lớn và phức tạp, không dễ có giải pháp, ngành y tế không thể đơn độc giải quyết nhưng với thái độ nhạy cảm và những nỗ lực thì có thể góp phần làm giảm bạo hành phụ nữ.

- Cán bộ y tế cần nhận thức rằng bạo hành phụ nữ do chồng/bạn tình có tác động xấu trực tiếp đến nhiều vấn đề sức khỏe quan trọng như làm mẹ an toàn, KHHGĐ và phòng tránh các bệnh LTQĐTD, HIV/AIDS.

- Cung cấp thông tin về bạo hành phụ nữ cần bắt đầu ngay từ phòng chờ của người bệnh.

Trưng bày những panô, áp phích với những thông điệp phòng chống bạo hành phụ nữ và giới thiệu các địa chỉ giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành.

- Người cán bộ y tế cơ sở có vai trò rất lớn trong việc phát hiện dấu hiệu của bạo hành khi phụ nữ đến cơ sở y tế khám bệnh hoặc đến do những lý do khác. Cán bộ y tế có thể là những người đầu tiên tiếp xúc với phụ nữ bị tổn thương do bạo hành, cung cấp thông tin và hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành. Do đó họ phải được đào tạo về kỹ năng tiếp xúc và ghi chép hồ sơ, bệnh án, sổ sách chuyên biệt cho những khách hàng này.

- Những nhà quản lý y tế cũng có thể giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về bạo hành phụ nữ vì họ ý thức được đó là nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng suy yếu và hủy hoại sức khỏe phụ nữ, cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông đại chúng, đề ra những hướng dẫn để có thể nâng cao khả năng nhận biết và xử trí những trường hợp bạo hành hay lạm dụng phụ nữ.

 

SÀNG LỌC VÀ ĐÁP ỨNG CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ ĐỐI VỚI BẠO HÀNH PHỤ NỮ

  1. Nguyên tắc khi sàng lọc phụ nữ bị bạo hành.

- Thực hiện sàng lọc với tất cả khách hàng nữ đến nhận dịch vụ. Bất kỳ một phụ nữ nào đến cơ sở y tế nhận dịch vụ SKSS cũng có thể là nạn nhân của bạo hành và trong rất nhiều trường hợp khó có thể biết được ai là nạn nhân. Vì thế, tất cả khách hàng đến nhận dịch vụ SKSS cần được sàng lọc, phát hiện bạo hành ngay từ phòng khám.

- Đảm bảo bí mật thông tin của khách hàng. Chỉ hỏi khi không có mặt người khác, ngoài khách hàng và nhân viên y tế.

- Sau khi khám nếu cần hỏi thêm những câu hỏi liên quan đến bạo hành chờ khách hàng khi đã mặc đầy đủ quần áo để họ cảm thấy được tôn trọng.

- Hỏi khách hàng với thái độ không phán xét và đồng cảm. Tùy từng khách hàng mà đặt câu hỏi trực tiếp hay gián tiếp. Cán bộ y tế cần thật kiên nhẫn, tế nhị vì giúp phụ nữ nói ra được những ấm ức là bước quan trọng để chống tệ nạn bạo hành.

- Nếu người khám là nam giới, thì cần có mặt của một nhân viên y tế nữ khác khi khám khách hàng bị bạo hành.

  1. Quy trình sàng lọc.

2.1. Hỏi và quan sát khách hàng xem họ có bị xâm phạm về mặt thể chất, tâm lý và tình dục không.

- Để khách hàng không cảm thấy đột ngột, nên giải thích vì sao lại cần hỏi những câu hỏi này. Ví dụ: “Bạo hành đối với phụ nữ là vấn đề liên quan đến sức khỏe, vì thế chúng tôi hỏi tất cả khách hàng nữ về vấn đề này để có thể giúp đỡ họ”.

- Ví dụ câu hỏi để sàng lọc bạo hành do chồng/bạn tình: “Có rất nhiều phụ nữ đến cơ sở y tế của chúng tôi đã từng bị người thân trong gia đình như chồng/bạn tình đánh đập, chửi mắng hoặc bị cưỡng ép phải quan hệ tình dục? Điều đó có xảy ra với chị không?”

- Ví dụ câu hỏi sàng lọc về cưỡng ép tình dục, hiếp dâm: “Có bao giờ chị bị người thân hoặc thậm chí người lạ bắt phải quan hệ tình dục mà chị không muốn không?”

2.2. Khám thực thể: theo đúng quy trình khám chữa bệnh. Lưu ý các dấu hiệu có thể liên quan đến bạo hành.

2.2.1. Các dấu hiệu thực thể.

- Đi lại hoặc ngồi khó khăn.

- Tổn thương ở mắt, những vết bầm tím, chảy máu, bỏng hoặc rách da không có lý do.

- Quần áo hoặc quần áo lót rách nát, dính máu.

- Đau bụng.

- Suy dinh dưỡng.

2.2.2. Các dấu hiệu tổn thương liên quan đến SKSS.

- Rối loạn chức năng tình dục, lãnh cảm.

- Bị bệnh phụ khoa, sẩy thai, đau vùng tiểu khung mạn tính.

- Tổn thương bộ phận sinh dục nữ.

- Không sử dụng biện pháp tránh thai nào mặc dù không muốn có thai.

- Hút thai nhiều lần.

- Mắc các bệnh LTQĐTD, nhiễm HIV/AIDS.

- Vết thương trong quá trình mang thai: vết thương ở bụng.

- Đại, tiểu tiện không tự chủ.

- Nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát.

2.2.3. Các dấu hiệu tình cảm và hành vi.

- Có biểu hiện rối loạn tinh thần sau bạo hành.

- Thiếu lòng tự tin, sợ hãi, bồn chồn, xấu hổ, trầm cảm, xa lánh mọi người.

- Mặc cảm phạm tội, không dám biểu lộ sự tức giận.

- Mất ngủ, ăn không ngon.

- Biện hộ hay nói nhẹ đi về hành vi của chồng.

- Toan tính tự tử.

  1. Xử trí.

3.1 Xử trí khi phát hiện khách hàng bị bạo hành.

- Hỏi toàn bộ tiền sử về bạo hành và ghi chép vào hồ sơ của bệnh viện.

- Điều trị:

+ Đảm bảo những thương tổn thực thể của khách hàng đều được điều trị chu đáo hoặc chuyển khách hàng tới các khoa khác trong cùng cơ sở nếu cần, hoặc chuyển lên tuyến trên.

+ Trong trường hợp người bệnh bị hãm hiếp, cung cấp thuốc tránh thai khẩn cấp khi sự việc xảy ra càng sớm càng tốt (xem bài “Các biện pháp tránh thai khẩn cấp”); cung cấp xét nghiệm thai hoặc chuyển lên tuyến trên.

+ Nếu khách hàng có thai ngoài ý muốn: cần tư vấn và tạo điều kiện cho khách hàng đến cơ sở y tế cung cấp dịch vụ phá thai nếu họ muốn.

- Tư vấn, cung cấp thông tin nâng cao nhận thức về bạo hành phụ nữ và quyền được chăm sóc bảo vệ: nhấn mạnh sự an toàn của khách hàng và con cái họ.

- Giới thiệu khách hàng bị bạo hành đến các cơ sở hỗ trợ khác ngoài y tế (tư vấn, chuyên gia tâm lý, công an, tòa án, chính quyền, hội phụ nữ...).

- Hẹn khám lại.

3.2 Nếu khách hàng không tiết lộ về bạo hành nhưng nhân viên y tế nghi ngờ, hoặc khách hàng trả lời đã từng bị bạo hành nhưng hiện tại không bị.

- Chia sẻ với khách hàng và nói cho họ biết bạo hành phụ nữ có thể sẽ xảy ra với họ.

- Cung cấp những thông tin về bạo hành phụ nữ.

- Giới thiệu với khách hàng cơ sở y tế sẵn sàng giúp đỡ nạn nhân bị bạo hành.

- Để ý thái độ và hành vi của người đàn ông đưa khách hàng đến, phát hiện những biểu hiện đáng ngờ.

- Ghi chép nghi ngờ này vào hồ sơ bệnh viện để có thể theo dõi sau này.

- Giới thiệu khách hàng bị bạo hành đến các cơ sở hỗ trợ khác ngoài y tế (tư vấn, công an, tòa án, chính quyền, hội phụ nữ...).

 

TƯ VẤN CHO PHỤ NỮ BỊ BẠO HÀNH

  1. Mục đích.

- Xác định mức độ an toàn của khách hàng, của con cái họ và thảo luận kế hoạch an toàn.

- Xác định các nguy cơ liên quan đến SKSS, SKTD và giúp khách hàng phòng các nguy cơ này.

- Giúp khách hàng nhận biết được họ đang là nạn nhân của bạo hành và biết được bạo hành là hành vi không chấp nhận được.

- Giúp khách hàng chia sẻ, giải toả cảm xúc, động viên, an ủi khách hàng, giúp khách hàng tự tin và có thể tự ra quyết định.

- Cung cấp cho khách hàng các địa chỉ hỗ trợ trong và ngoài hệ thống y tế và giúp khách hàng liên hệ với các cơ quan hỗ trợ nếu cần.

  1. Các bước tư vấn.

Tuân thủ các nguyên tắc, kỹ năng và các bước của bài “Tư vấn sức khỏe sinh sản”. Chú trọng các nội dung cụ thể liên quan đến bạo hành trong từng bước tư vấn như sau:

- Gặp gỡ:

+ Nói với khách hàng việc khách hàng cho cán bộ y tế biết mình đang bị bạo hành là một việc rất tốt vì điều đó sẽ giúp cán bộ y tế hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn.

+ Làm rõ với khách hàng cuộc tư vấn có thể không làm giảm bạo hành ngay được nhưng sẽ giúp khách hàng giảm thiểu nguy cơ liên quan đến SKSS, SKTD của khách hàng, giúp đảm bảo an toàn cho khách hàng và con cái họ. Đặc biệt qua cuộc tư vấn này, nhân viên y tế có thể giúp khách hàng kết nối đến các hỗ trợ trong và ngoài y tế khác khi việc hỗ trợ nằm ngoài khả năng của cơ sở.

+ Khẳng định với khách hàng về tính bí mật thông tin của cuộc tư vấn cũng như quyền của khách hàng không phải trả lời tất cả các câu hỏi. Khách hàng có thể dừng cuộc tư vấn nếu muốn.

- Gợi hỏi:

+ Hỏi tiền sử của khách hàng (tên, tuổi, hoàn cảnh gia đình, mức độ bị bạo hành, hình thức bạo hành...). Cần tìm hiểu hiện trạng bị bạo hành của khách hàng ở tất cả các khía cạnh như thể xác, tinh thần, tình dục và kinh tế.

+ Đánh giá nguy cơ bị mang thai ngoài ý muốn và mắc bệnh LTQĐTD bao gồm cả HIV.

+ Tìm hiểu nguy cơ về an toàn tính mạng của bản thân khách hàng và con cái sau cuộc thăm khám này.

+ Tìm hiểu nguy cơ khách hàng bị gây khó khăn trong việc thực hiện chăm sóc và điều trị trong lần thăm khám này.

- Giới thiệu: tùy từng trường hợp cụ thể mà việc cung cấp thông tin có thể khác nhau. Các thông tin cơ bản cần cung cấp là:

+ Khái niệm bạo hành, thái độ với bạo hành và quyền của phụ nữ.

+ Nguy cơ về bệnh LTQĐTDHIV và nguy cơ mang thai ngoài ý muốn.

+ Các nguy cơ khác về SKSS và SKTD do bạo hành gây ra.

+ Thông tin về các biện pháp tình dục an toàn, các cách thức giúp đảm bảo an toàn tính mạng cho khách hàng và con cái.

+ Thông tin về các địa chỉ hỗ trợ.

- Giúp đỡ: cùng khách hàng lập kế hoạch cụ thể cho từng vấn đề sau:

+ An toàn tình dục.

+ An toàn của bản thân khách hàng và con cái trong trường hợp nguy cấp.

+ Chăm sóc các vấn đề liên quan đến nói chung và cụ thể là SKSS và SKTD do bạo hành gây ra.

+ Giảm nguy cơ bị bạo hành.

Thảo luận chi tiết với khách hàng về các việc cần làm trong từng kế hoạch, thời gian thực hiện, phương pháp, phương tiện.

- Giải thích:

+ Tìm hiểu các khó khăn khách hàng có thể gặp phải khi thực hiện các kế hoạch ở trên.

+ Cung cấp các thông tin cần thiết như thông tin về các cá nhân và tổ chức có thể hỗ trợ khách hàng, thông tin về nơi mua hoặc nhận bao cao su...

+ Cung cấp các kỹ năng cần thiết như kỹ năng sử dụng bao cao su, kỹ năng thương thuyết, kỹ năng kiềm chế cảm xúc, kỹ năng thư giãn...

+ Giúp khách hàng kết nối với các cá nhân và đơn vị hỗ trợ trong và ngoài cơ sở y tế.

- Gặp lại: hẹn khách hàng thời gian gặp lại. Nói khách hàng có thể liên hệ bất cứ khi nào khách hàng cảm thấy cần. Cho khách hàng địa chỉ liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.

  1. Các điểm nên làm khi tư vấn cho phụ nữ bị bạo hành.

- Đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, tận dụng mọi thời điểm mà cán bộ tư vấn có thể tiếp xúc riêng với khách hàng (ví dụ: tại phòng khám, khi đưa khách hàng đi làm xét nghiệm...).

- Lắng nghe tích cực, làm cho khách hàng cảm thấy tin tưởng hơn và sẵn sàng thổ lộ.

- Giúp khách hàng mạnh mẽ hơn: luôn khen ngợi và cho khách hàng biết có nhiều người cũng gặp hoàn cảnh như vậy. Tìm các điểm khách hàng đã làm tốt và khen khách hàng.

- Cung cấp các tài liệu tuyên truyền để khách hàng tìm hiểu thêm sau buổi tư vấn.

- Để khách hàng tự quyết định, người tư vấn chỉ đưa ra các lựa chọn chứ không quyết định thay cho khách hàng.

- Cần chuẩn bị sẵn khăn giấy trong phòng tư vấn vì khách hàng có thể khóc.

  1. Các điểm cần tránh khi tư vấn

- Không nên tư vấn cho người bị bạo hành khi có mặt người khác (ví dụ như người nhà, người bệnh khác) trừ khi khách hàng yêu cầu vì có thể gây nguy hiểm cho họ.

- Không phán xét người phụ nữ, không để họ có cảm giác có lỗi và xấu hổ.

- Không nên quyết định thay khách hàng, nhưng cần giúp khách hàng nghĩ ra các giải pháp phù hợp và để khách hàng tự quyết định.

  • Sử dụng kháng sinh trong sản khoa
  • CHĂM SÓC TRƯỚC KHI CÓ THAI VÀ TRƯỚC KHI SINH TƯ VẤN, CHĂM SÓC TRƯỚC KHI CÓ THAI
  • Hỏi bệnh đối với thai phụ
  • Khám toàn thân cho thai phụ
  • Khám sản khoa
  • Giáo dục sức khỏe trong thai kỳ
  • Ghi chép sổ khám thai
  • Dặn dò sau khám thai
  • Tư vấn cho phụ nữ có thai
  • TƯ VẤN CHO SẢN PHỤ TRONG CHUYỂN DẠ VÀ NGAY SAU ĐẺ
  • Chẩn đoán chuyển dạ
  • KỸ NĂNG SỐNG LIÊN QUAN ĐẾN SỨC KHỎE SINH SẢN/SỨC KHỎE TÌNH DỤC CỦA VỊ THÀNH NIÊN VÀ THANH NIÊN
  • TÌNH DỤC AN TOÀN VÀ ĐỒNG THUẬN
  • KINH NGUYỆT VÀ XUẤT TINH Ở VỊ THÀNH NIÊN
  • Mãn dục nam
  • CHĂM SÓC TRƯỚC SINH
  • Quản lý thai
  • Đái tháo đường thai kỳ
  • Bệnh lý lành tính tuyến vú
  • U xơ tử cung
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    Nguyên tắc chung đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trong điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch COVID-19

    1470/QĐ-BYT.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính

    Trần Văn Thi.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Viêm màng não/Viêm não - N71

    ICPC.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    TƯ VẤN KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH
    Giảng lớp lớn_phần 2
    Mục tiêu
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space