TÓM TẮT Thời kỳ vị thành niên là một giai đoạn đặc biệt với sự thay đổi về hình thể, tâm lý, sinh lý. Tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên bao gồm cả các vấn đề về sức khỏe sinh sản, tự bảo vệ trong tình dục và các vấn đề xã hội và ý thức khác. |
- THỜI KỲ VỊ THÀNH NIÊN
Tuổi vị thành niên (VTN) là thời kỳ phát triển đặc biệt trong đó trẻ em lớn lên và trưởng thành để trở thành người lớn. Đây là thời kỳ xảy ra đồng thời nhiều thay đổi gồm: sự lớn lên và trưởng thành của cơ thể, sự thay đổi về tâm lý và các mối quan hệ xã hội. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, lứa tuổi VTN nằm trong khoảng 10 - 19 tuổi, được chia thành 3 giai đoạn phát triển: - Vị thành niên sớm: từ 10 đến 13 tuổi - Vị thành niên giữa: từ 14 đến 16 tuổi - Vị thành niên muộn: từ 17 đến 19 tuổi - NHỮNG THAY ĐỔI VỀ TÂM LÝ TRONG THỜI KỲ VTN
Tùy theo từng giai đoạn phát triển mà các em có những thay đổi tâm lý khác nhau: 1.1. Giai đoạn VTN sớm - Các em bắt đầu ý thức mình không còn là trẻ con nữa. Các em muốn được người lớn tôn trọng, muốn được đối xử bình đẳng như với người lớn, muốn được độc lập trong suy nghĩ và hành động, muốn tìm tòi và khám phá những cái mới, thử sức mình để khẳng định mình là người lớn. Hành vi mang tính thử nghiệm, bốc đồng. - Bắt đầu chú ý và coi trọng quan hệ bạn bè, muốn tách ra khỏi sự bảo hộ của cha mẹ, hay bị ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài gia đình. - Các em quan tâm nhiều đến những thay đổi của cơ thể, có nhu cầu tự khám phá cơ thể, hay suy tư về hình ảnh cơ thể, dễ băn khoăn lo lắng, buồn rầu về những nhược điểm của cơ thể. - Bắt đầu có tư duy trừu tượng. 1.2. Giai đoạn VTN giữa - Phát triển mạnh và nỗ lực tìm kiếm sự độc lập, muốn tách khỏi sự kiểm soát của gia đình nhưng vẫn cần gia đình hỗ trợ. Thích tự mình quyết định, ít để ý đến hậu quả của hành vi. Phát triển mạnh cá tính và sự xã hội hoá. Có xu hướng hay căng thẳng, hay thay đổi tình cảm, muốn được thoả mãn nhu cầu ngay, có thể hành động bất chấp hậu quả. - Tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến vóc dáng, hình ảnh cơ thể. - Tìm kiếm những quan hệ ngoài gia đình, hướng tới bạn bè đồng trang lứa, chịu nhiều ảnh hưởng của bạn bè, đặc biệt quan tâm đến bạn khác giới. Nhu cầu tình bạn trở thành cấp thiết và quan trọng nhất, đặc biệt là nhu cầu về bạn khác giới. Phát triển mạnh cảm xúc yêu đương, nhưng hay lầm lẫn, ngộ nhận giữa cảm xúc tình bạn khác giới với tình yêu. Thích hò hẹn, khám phá giới kia (nhu cầu hấp dẫn, chinh phục bạn khác giới). - Muốn khám phá năng lực trong quan hệ tình dục. - Tiếp tục phát triển mạnh tư duy trừu tượng. Phát triển nhiều kỹ năng phân tích hơn, có nhận thức cao hơn những hành vi của mình, tuy nhiên chưa phát triển đầy đủ khả năng tự đánh giá bản thân. 1.3. Giai đoạn VTN muộn - Khẳng định được sự độc lập và tạo dựng được hình ảnh bản thân tương đối ổn định. Giống người trưởng thành về nhiều phương diện. Đã có cách suy nghĩ, nhận xét và ứng xử chín chắn hơn. Khả năng đánh giá và giải quyết vấn đề tốt hơn. - Cách nhìn nhận tình yêu thực tế hơn, phân biệt tình bạn và tình yêu. - Có suy nghĩ về kế hoạch cho tương lai, định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn, thực tế hơn. - Ảnh hưởng của nhóm bạn bè giảm bớt, kén chọn bạn hơn, gia đình lại được coi trọng hơn. Chú trọng tới các mối quan hệ riêng tư, tin cậy giữa 2 người hơn là các quan hệ theo nhóm. - Được thừa nhận về mặt xã hội như người lớn (có quyền bầu cử, có quyền nhận bằng lái xe...), nhưng vẫn cần một khoảng thời gian nữa để thực sự thành người lớn. VTN đang trong quá trình phát triển để trở thành người lớn. Các em hay gặp những khó khăn không thể tự mình giải quyết được do vậy rất cần được hỗ trợ giúp đỡ để vượt qua những vấn đề của bản thân. Những giúp đỡ, can thiệp chỉ có thể hiệu quả khi hiểu rõ những đặc điểm tâm lý từng lứa tuổi, hiểu rõ hoàn cảnh thực tế, giúp các em đưa ra các quyết định đúng và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trong việc phòng tránh các hậu quả xấu trong tương lai. - NHỮNG THAY ĐỔI VỀ GIẢI PHẪU VÀ SINH LÝ TRONG THỜI KỲ VTN:
Sự phát triển cơ thể rõ rệt và dễ nhận thấy nhất là các dấu hiệu của tuổi dậy thì. Tuổi dậy thì ở các em nữ thường sớm hơn và trong khoảng từ 10-15 tuổi, các em nam bắt đầu dậy thì muộn hơn các em nữ chừng 2 năm, trong khoảng từ 12-17 tuổi. Đây là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn trưởng thành thể hiện ở sự phát triển của cơ quan sinh dục và cơ thể nói chung chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động sinh sản. Nồng độ của các nội tiết tố sinh dục (ở nữ là Estrogen, ở nam là Testosteron) tăng dần lên từ tuổi dậy thì đến khi trưởng thành. Biểu hiện rõ rệt nhất ở các em nữ là hiện tượng kinh nguyệt và ở các em nam là hiện tượng xuất tinh. Nồng độ nội tiết tố sinh dục tăng làm tăng nội tiết tố tăng trưởng, gây ra hàng loạt các thay đổi của các đặc tính sinh dục phụ, của hệ thống sinh dục và sự lớn lên của cơ thể. Sự lớn lên và trưởng thành ở VTN xảy ra với tốc độ khác nhau giữa các cá nhân và phụ thuộc vào các yếu tố sinh học, tâm lý, kinh tế, văn hoá. - xã hội. 2.1. Dậy thì ở nam - Dấu hiệu đầu tiên là tinh hoàn bắt đầu to lên, kéo theo sự phát triển về kích thước của dương vật và xuất hiện lông mu, ria mép. - Các tuyến bã hoạt động mạnh và mụn trứng cá xuất hiện. - Thân hình cao lên nhanh chóng, các xương dài phát triển, bàn chân, bàn tay to lên, dài ra, khuỷu tay và đầu gối to lên đáng kể. Thanh quản mở rộng, vỡ tiếng. Tiếp đó là sự phát triển các cơ bắp ở ngực, vai, đùi. Các em bắt đầu có hình dáng đặc trưng của nam giới. - Giai đoạn dậy thì ở con trai được đánh dấu bằng hiện tượng xuất tinh trong giấc mơ (mộng tinh hoặc giấc mơ ướt). 2.2. Dậy thì ở nữ - Dấu hiệu đầu tiên phát triển núm vú cứng và quầng vú. Mọc lông ở mu và nách. Tử cung, âm đạo, buồng trứng phát triển và to ra. Xương hông to ra. - Các em gái lớn nhanh trước khi có kinh nguyệt. Các em phát triển chiều cao rất nhanh và khi 17 - 18 tuổi có thể cao bằng người phụ nữ trưởng thành. Các em gái ít khi có khối cơ phát triển mạnh như các em trai. - Các tuyến bã hoạt động mạnh và mụn trứng cá xuất hiện. - Giai đoạn dậy thì ở con gái được đánh dấu bằng hiện tượng kinh nguyệt lần đầu. Chỉ có một số ít các em gái có kinh muộn (17 - 19 tuổi). - NHỮNG MONG MUỐN VÀ QUYỀN CỦA VỊ THÀNH NIÊN VỀ SỨC KHOẺ, SKSS/SKTD
3.1. Sức khoẻ chung - Có chiều cao và cân nặng thích hợp với tuổi. - Không hay bị ốm, không có bệnh mãn tính. - Có khả năng tránh được ma tuý, rượu/bia, thuốc lá và các chất gây nghiện. - Phát triển nhân cách tốt, được mọi người coi trọng. 3.2. Sức khoẻ sinh sản/ Sức khoẻ tình dục - Mọi VTN đều có quyền được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ/SKSS/SKTD thân thiện, kín đáo, riêng tư, phù hợp với lứa tuổi của các em và có chất lượng. - VTN có quyền được thông tin đầy đủ, chính xác về sức khoẻ/SKSS/SKTD. - VTN có quyền tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về các quyết định và các hành vi của mình trong các vấn đề liên quan đến sức khoẻ/SKSS/SKTD (quan hệ tình dục, kết hôn, có thai…) trên cơ sở có được đầy đủ thông tin, được giáo dục về kỹ năng sống và phù hợp với các quy định của Pháp luật. - VTN có quyền tự kiểm soát bản thân và bảo vệ thân thể mình. - VTN có quyền được tôn trọng, được đối xử bình đẳng, không phân biệt nam nữ, chủng tộc, tôn giáo, không bị cưỡng bức, bạo hành trong đời sống sinh sản và tình dục. - NHỮNG RÀO CẢN VTN THỰC HIỆN MONG MUỐN VÀ QUYỀN CỦA HỌ
Chăm sóc sức khoẻ/ SKSS/ SKTD cho VTN ở nước ta còn hạn chế do: - Quan niệm của xã hội đối với việc chăm sóc, truyền thông và giáo dục SKSS/SKTD cho VTN còn hạn chế, chưa thống nhất. Các phong tục tập quán của địa phương, dân tộc, tôn giáo còn bảo thủ, chưa ủng hộ đầy đủ các quyền được CSSKSS/SKTD của VTN. - Các chính sách, chiến lược chăm sóc và phát triển VTN còn thiếu cụ thể, chưa có nhiều chính sách, quy định cụ thể nhằm động viên, lôi cuốn VTN tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, can thiệp cải thiện sức khoẻ của bản thân . - Thái độ của cha mẹ, giáo viên, cộng đồng và người cung cấp dịch vụ CSSKSS/SKTD đối với VTN còn có những định kiến (chẳng hạn cho rằng VTN không phải là những người được hoạt động tình dục và thông tin cho họ sẽ làm tăng hoạt động này lên). - Bản thân VTN chưa biết cách tự chăm sóc SKSS/SKTD cũng như tìm kiếm các dịch vụ phù hợp, đáp ứng nhu cầu SKSS/SKTD của chính mình. - Các cơ sở y tế thiếu các dịch vụ thích hợp dành riêng cho VTN. Ví dụ: ít có những thông tin nhằm vào nhóm VTN, ít có dịch vụ KHHGĐ và dự phòng các BLTĐTD/HIV cho VTN, các dịch vụ cung cấp và tiếp nhận bao cao su chưa thuận tiện, giờ giấc, phương thức làm việc của cơ sở dịch vụ chưa phù hợp với VTN. - Hầu hết cán bộ cung cấp dịch vụ CSSKSS/SKTD với VTN chưa được huấn luyện chuyên biệt về cách tổ chức và thực hiện cung cấp DVSKTT với VTN. - TƯ VẤN SỨC KHỎE SINH SẢN VỊ THÀNH NIÊN/THANH NIÊN
Tư vấn cho vị thành niên là một bước không thể thiếu và rất quan trọng trong quá trình cung cấp dịch vụ. Tư vấn sức khoẻ sinh sản vị thành niên (SKSS VTN) cần dựa trên nhu cầu của vị thành niên và tuỳ thuộc vào khả năng thực tế của các tuyến y tế khác nhau (cấp y tế cơ sở và y tế tuyến trên). Y tế cơ sở chủ yếu giúp vị thành niên nhận biết rõ tình trạng sức khỏe hiện tại (bình thường hay nguy cơ), biết làm gì để khắc phục tình trạng này, trong trường hợp cần thiết có thể đến đâu để được tư vấn hoặc điều trị chuyên sâu. Tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho VTN cũng có chung các mục đích, kỹ năng và các bước như tư vấn trong chăm sóc SKSS. Do những đặc điểm riêng biệt về thể chất, tâm lý và xã hội của VTN mà tư vấn SKSS cho VTN cũng có các chú trọng khác với tư vấn SKSS cho người lớn. - MỤC ĐÍCH TƯ VẤN SKSS VTN
1.1. Giúp VTN biết cách nhận biết những tình cảm của bản thân và học cách tự kiểm soát, xử trí - Hướng dẫn VTN biết cách nhận biết tình cảm của bản thân như buồn chán, thất vọng, phẫn nộ, căng thẳng... và biết cách tự kiểm soát tình cảm, biết cách xử trí trong tình huống cụ thể là một biện pháp có hiệu quả trong tư vấn SKSS VTN. - Tạo niềm tin khiến các em tin cậy, giãi bày tâm sự cũng như các băn khoăn thắc mắc của mình, từ đó giúp các em nhận thức, xử lý những tình cảm theo cách thực tế hơn, tích cực hơn. - Tạo một môi trường giao tiếp cởi mở, hoà đồng để các em dễ chấp nhận. Động viên khuyến khích, sẵn sàng giúp đỡ để các em luôn cảm thấy thoải mái, dễ dàng chia xẻ những suy nghĩ, tình cảm của bản thân. - Hướng dẫn các em suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề dưới các khía cạnh tích cực hoặc giúp VTN tự đặt câu hỏi nếu ở hoàn cảnh này mọi người sẽ xử trí thế nào? Cách nào là hiệu quả và phù hợp với bản thân VTN nhất?... Đây là cách có hiệu quả giúp các em thể hiện mình và học cách đối mặt với những tình cảm của mình. - Cán bộ tư vấn không nên mong đợi các em sẽ giao tiếp với mình như giao tiếp với người lớn, cần kiên trì, động viên, khuyến khích các em chia xẻ và cùng tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của VTN. 1.2. Giúp VTN nhận biết những trải nghiệm trong quá khứ, những tác động đến hành vi hiện tại - Hỗ trợ VTN bày tỏ những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ, những ảnh hưởng đến hiện tại để giúp VTN học cách giải toả, xác định cách phòng tránh và hướng xử trí thích hợp trong tương lai. - Ví dụ có thể sử dụng một số câu như: “Chắc chắn là em có lí do để hành động như vậy, chị/bạn chị cũng đã từng gặp hoàn cảnh tương tự mà không giải quyết được như em đã làm..Hiểu rõ điều gì đã xảy ra với em sẽ giúp chúng ta giải quyết vấn đề hiện tại của em tốt hơn, vậy em có thể chia sẻ được không.?”, “Em có vẻ đang rất bối rối, em có thể chia sẻ điều gì đã xảy ra không. Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với em. Có vẻ như em đang cảm thấy rất khó nói về những gì đã xảy ra, tuy nhiên có thể em sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn nếu chia sẻ điều đó với tôi? Và nhờ đó tôi cũng có thể hỗ trợ em được nhiều hơn”. - Nếu VTN từ chối không muốn nói ra những trải nghiệm tiêu cực, hãy cảm thông và động viên. Có thể nói với các em: “Lúc này có thể không phải lúc em muốn nói về điều đó, nhưng khi nào em cảm thấy cần tâm sự, khuyên nhủ, hãy gọi điện cho tôi, tôi sẵn sàng nghe em?”. - Có thể sử dụng những cách diễn đạt khác dễ dàng hơn đối với VTN như viết ra tờ giấy hoặc điện thoại khi cần thiết. - Khi nói về những trải nghiệm tiêu cực ảnh hưởng đến VTN như cưỡng bức, bạo hành..., hãy giúp VTN cố gắng nhận ra những khía cạnh có triển vọng, nhấn mạnh những điểm tích cực và giúp các em sử dụng chúng để nhận thức lại những gì đã trải qua một cách thực tế hơn, tích cực hơn và giúp các em học cách hành động vượt qua những trở ngại. Với tình huống trên, cán bộ tư vấn (CBTV) có thể khẳng định với VTN rằng em đã có một quyết định sáng suốt khi tìm đến với cơ sở y tế, bởi điều đó sẽ khiến em không những được chia sẻ và hỗ trợ về mặt tâm lý mà còn được hỗ trợ về lĩnh vực sức khỏe, giảm thiểu những nguy cơ có thể sẽ xảy ra cũng như biết cách phòng tránh những sự việc tương tự nếu lặp lại. 1.3. Chuẩn bị cho VTN hướng đến những thay đổi và ra quyết định tích cực trong cuộc sống. - Thảo luận với các em và cùng các em lập kế hoạch chi tiết cho những thay đổi sắp tới. Có thể sử dụng các câu hỏi mở có tính chất gợi ý như: Bây giờ em dự định sẽ giữ mối quan hệ đó như thế nào? Kế hoạch tiếp theo của em là gì ? Em định làm gì, ở đâu, ai sẽ là người giúp em thực hiện kế hoạch đó, em có khó khăn gì khi thực hiện kế hoạch này không? Liệu kế hoạch này có thể gây ra những điểm bất lợi nào cho em không? Các điểm bất lợi đó là gì? Em đã chuẩn bị gì để xử lí các bất lợi đó? Chị có thể giúp được em việc gì ? ... - Hỗ trợ VTN nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi cũng như kỹ năng tự giải quyết vấn đề của họ. Hướng dẫn cho VTN các kỹ năng sống quan trọng trong cuộc sống như: kỹ năng xác định giá trị, kỹ năng từ chối, kỹ năng thương thuyết, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng giải quyết vấn đề... - CÁC BƯỚC TƯ VẤN:
- Các bước tư vấn cho VTN về cơ bản cũng giống như 6 bước trong tư vấn SKSS (Gặp gỡ, gợi hỏi, giới thiệu, giúp đỡ, giải thích, gặp lại) nhưng tư vấn cho VTN chỉ diễn ra thuận lợi và có hiệu quả thực sự khi CBTV tạo được mối quan hệ tin cậy, kiên trì lắng nghe, biết kiềm chế. Điều này đòi hỏi CBTV phải kiên nhẫn, luôn biểu lộ lòng vị tha, sự yêu thương, cảm thông, tôn trọng, tế nhị và nhạy cảm hơn. Tuyệt đối không tỏ thái độ coi thường, không chỉ trích, phê phán, không giảng đạo đức. Bước gặp gỡ ban đầu đóng vai trò rất quan trọng bởi nếu VTN & TN không có ấn tượng tốt với người tư vấn ngay từ đầu thì họ cũng sẽ không cởi mở và chia sẻ những vấn đề họ gặp phải. - Trường hợp cần có sự tham gia của người thân (gia đình, bạn tình, bạn bè thân, thầy/cô giáo...) phải thảo luận trước với VTN. - Cần hết sức lưu ý quá trình tư vấn là quá trình tương tác giữa cán bộ tư vấn và khách hàng. Điều này càng quan trọng đối với VTN, đặc biệt là khi thảo luận ra quyết định, cũng như lập kế hoạch chi tiết giúp VTN giải quyết các vấn đề đã và có thể sẽ xảy ra. - Kết thúc mỗi cuộc tư vấn, CBTV cần chú ý tự tìm hiểu/đánh giá xem VTN đã thực sự hài lòng với nội dung buổi tư vấn (quan sát nét mặt, thái độ…) để không ngừng cải thiện, nâng cao kỹ năng của CBTV. - NHỮNG KĨ NĂNG TƯ VẤN:
Các kỹ năng tư vấn cho VTN về cơ bản cũng giống như tư vấn SKSS gồm kỹ năng lắng nghe, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng khuyến khích, đặc biệt là kỹ năng giải quyết vấn đề để giúp VTN xác định vấn đề và tìm cách giải quyết. Tuy nhiên tư vấn cho VTN & TN đòi hỏi người cán bộ tư vấn phải sử dụng các kỹ năng tư vấn một cách thuần thục, không cứng nhắc và ở mức độ yêu cầu cao hơn. - Kỹ năng lắng nghe: cần thể hiện kỹ năng lắng nghe tích cực bằng cách biểu hiện thái độ sẵn sàng lắng nghe, quan tâm chú ý nắm bắt tất cả những thông tin mà VTN chia sẻ, chấp nhận tất cả những gì VTN nói, tuyệt đối không phê phán, không giảng đạo đức. Khen ngợi và động viên VTN kịp thời để giúp VTN tự tin và mạnh dạn chia sẻ. Ở những chỗ CBTV cảm thấy VTN lúng túng không đưa ra thông tin một cách rõ ràng, mạch lạc, CBTV cần chủ động tóm tắt và diễn giải lại vấn đề để VTN biết rằng CBTV đang lắng nghe và đang xem xét vấn đề của họ một cách nghiêm túc. - Kỹ năng gợi hỏi: dùng lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ biểu lộ sự thông cảm để khuyến khích, động viên VTN nói ra những suy nghĩ, tình cảm thật mà VTN vướng mắc hoặc chưa hiểu rõ. Cần đặt các câu hỏi có tính khuyến khích, câu hỏi mở, tránh câu hỏi “tại sao”, vì nó làm cho VTN cảm thấy bị xúc phạm. Luôn quan sát điệu bộ, cử chỉ, nét mặt, ánh mắt... để có những hành vi phù hợp, giúp VTN bộc lộ được những suy nghĩ, tình cảm, vướng mắc của bản thân. - Kỹ năng cung cấp thông tin: dùng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi để VTN có thể hiểu được những thông tin mà CBTV cung cấp. VTN thường ngại hỏi nên trong quá trình cung cấp thông tin cần luôn khuyến khích VTN đặt câu hỏi và yêu cầu VTN tóm tắt lại thông tin để xem VTN đã thật sự hiểu và hài lòng với thông tin được cung cấp hay chưa. - Kỹ năng giải quyết vấn đề: giúp VTN phát hiện vấn đề sớm và có kế hoạch đối phó tích cực. CBTV không đưa ra cách thức giải quyết vấn đề mà cần thảo luận, hướng dẫn, giúp đỡ để VTN tự đưa ra quyết định được cho là hiệu quả và phù hợp với hoàn cảnh của VTN nhất. - NHỮNG NỘI DUNG TƯ VẤN SKSS VTN:
- Đặc điểm phát triển cơ thể, tâm - sinh lý tuổi VTN. - Kinh nguyệt bình thường và bất thường tuổi VTN. - Mang thai và sinh đẻ ở tuổi VTN. - Các biện pháp tránh thai ở tuổi VTN. - Tiết dịch (âm đạo hoặc niệu đạo) ở tuổi VTN. - Mộng tinh, thủ dâm. - Kỹ năng sống. - Tình dục an toàn và lành mạnh. - Bạo hành ở tuổi VTN. - Bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và bệnh lây truyền qua đường tình dục ở VTN. - NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý TRONG TƯ VẤN SKSS CHO VỊ THÀNH NIÊN
Bên cạnh các đặc điểm về thể chất và tâm lý đặc thù của giai đoạn vị thành niên, các quan niệm của xã hội Việt Nam hiện tại liên quan đến vai trò giới cũng như các vấn đề sinh sản và tình dục của vị thành niên đã khiến vị thành niên nước ta phải chịu thêm các áp lực xã hội và nhiều trở ngại khác như: - VTN chịu nhiều áp lực từ các quan niệm hiện tại của xã hội về SKSSTD của VTN: Trong xã hội Việt Nam hiện tại, tình dục trước hôn nhân vẫn chưa được thừa nhận. Chính vì vậy, VTN thường không dám thừa nhận việc có quan hệ tình dục hoặc cảm thấy rất miễn cưỡng khi phải chia sẻ những thông tin riêng tư. Điều này làm cản trở việc trao đổi thông tin giữa người làm tư vấn và VTN liên quan đến các mối quan hệ tình dục của VTN. Trong quá trình tư vấn, VTN không bộc lộ hết thông tin và không dám đặt câu hỏi khi có băn khoăn thắc mắc. Do sợ bị đánh giá nên VTN cũng thường ngại đến các cơ sở y tế để nhận dịch vụ và các biện pháp phòng tránh thai và phòng tránh bệnh LTQĐTD bao gồm cả HIV. Ngay cả khi đã đến các cơ sở y tế rồi, VTN cũng thường muốn rút ngắn tối đa thời gian ở cơ sở y tế để tránh gặp người quen. - VTN nữ chịu nhiều áp lực hơn VTN nam: Do quan niệm truyền thống về trinh tiết và về các giá trị đạo đức của con gái, VTN nữ thường bị đánh giá nhiều hơn VTN nam trong lĩnh vực sinh sản và tình dục. Điều này cũng hạn chế VTN nữ tiếp xúc với các thông tin và dịch vụ liên quan đến SKSS và tình dục. Do mặc cảm tội lỗi, VTN nữ thường rụt rè, không cởi mở, thiếu tự tin và dễ bị tổn thương trong quá trình tư vấn. - VTN ít có khả năng ra quyết định và thực hiện quyết định liên quan đến chăm sóc SKSS, đặc biệt là VTN nữ: do thiếu thông tin nên VTN thường khó tự ra quyết định cho việc chăm sóc SKSSTD của mình. Hạn chế về kinh tế cũng là trở ngại trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ CSSKSS của VTN. Đặc biệt, do các định kiến giới về vai trò của con gái trong chăm sóc sức khoẻ sinh sản và tình dục (VD như: con gái phải thụ động và đáp ứng nhu cầu của bạn tình trong quan hệ tình dục, con gái phải có trách nhiệm phòng tránh thai,...), VTN nữ thường gặp khó khăn trong việc thương thuyết với bạn tình để sử dụng các biện pháp phòng tránh thai an toàn và hiệu quả. Chính vì các đặc điểm trên mà trong tư vấn SKSS cho VTN, nhân viên y tế cần chú ý các điểm sau: - Cán bộ tư vấn cần hiểu những đặc điểm phát triển tâm - sinh lý của lứa tuổi vị thành niên cũng như các định kiến xã hội hiện tại, các phong tục tập quán hiện hành đối với vấn đề sinh sản và tình dục của vị thành niên, đặc biệt là VTN nữ để đảm bảo tính riêng tư, bí mật, đồng cảm, tế nhị và không phán xét. CBTV phải luôn biểu lộ sự niềm nở, lòng vị tha, sự yêu thương, cảm thông, tôn trọng, kiên trì, tế nhị và nhạy cảm. Trường hợp cần có sự tham gia của người thân (gia đình, bạn tình, bạn bè thân, thầy giáo...) phải thảo luận trước với VTN. - Sử dụng nhiều loại tài liệu truyền thông - giáo dục để hỗ trợ cho tư vấn, đảm bảo cung cấp thông tin rõ ràng, chính xác, phù hợp và thu hút được vị thành niên. - Cán bộ y tế cần dành nhiều thời gian, giải thích cặn kẽ vì VTN ít hiểu biết về cơ thể, sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tình dục và thường e ngại khi đến cơ sở y tế. - Bên cạnh việc cung cấp thông tin, cán bộ y tế cần chú ý hỗ trợ một số kỹ năng sống cần thiết để VTN có thể có thái độ, hành vi phù hợp và thực hành an toàn (kỹ năng từ chối, kỹ năng thương thuyết, kỹ năng ra quyết định…). Đặc biệt cần lưu ý các kĩ năng này trong tư vấn cho VTN nữ vì VTN nữ thường bị yếu thế hơn trong quá trình thương thuyết và ra quyết định về SKSS/SKTD so với VTN nam.
|