Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


Tương quan với vận động và nghỉ ngơi

(Tham khảo chính: ICPC )

Dấu hiệu đau chân xuất hiện khi đi giúp gợi ý đến bệnh suy động mạch chi dưới, suy tĩnh mạch chi dưới, hẹp ống sống và viêm tắc tĩnh mạch chi dưới.
3.2.3.1    Suy động mạch chi dưới (Bệnh động mạch ngoại biên).
Đau chân do bệnh lý động mạch chi dưới (hay còn gọi là cơn đau cách hồi) thường được mô tả như cảm giác khó chịu, căng nhức, đau kiểu chuột rút, hoặc cảm giác bỏng rát ở bắp chân. Cảm giác khó chịu cũng có thể được mô tả như cảm giác chật, nặng nề, mệt mỏi, hoặc mỏi chân nhiều hơn là cơn đau rõ ràng. Cơn đau tăng lên khi đi lại và giảm đi khi nghỉ ngơi. Cơn đau hiếm khi xảy ra ở nhà (liên quan đến khoảng cách di chuyển). Nó bắt đầu xuất hiện sau khi bệnh nhân đã đi bộ được một khoảng nhất định (và thường là người bệnh dự đoán được trước), triệu chứng giảm khi đứng nghỉ một thời gian (và thường người bệnh cũng dự đoán được thời gian này). Sau khi nghỉ ngơi, bệnh nhân có thể tiếp tục đi bộ một khoảng cách tương tự trước khi cơn đau bắt đầu một lần nữa; cơn đau lại giảm một lần nữa sau khi nghỉ ngơi. Bằng chứng gợi ý đầu tiên hướng đến bệnh suy động mạch chi dưới là sự giảm hoặc mất mạch vùng động mạch mu chân, động mạch chày sau
Thông thường bệnh bị chẩn đoán sai và khó khăn, dễ nhầm lẫn với bệnh thoái hóa khớp háng nhất là trong trường hợp bệnh mạch máu gây đau cách hồi vùng mông. Chẩn đoán phân biệt sẽ khó khăn trong trường hợp bệnh nhân chỉ có than phiền đau vùng hông không kèm theo bất kỳ triệu chứng nào vùng bắp chân. Một số bệnh nhân có bệnh động mạch chậu chỉ than phiền duy nhất về triệu chứng của đau cách hồi vùng mông, và bệnh nhân thường cảm thấy triệu chứng này khi đi khỏi nhà.
Đau khi nghỉ (thường về đêm) ở các ngón chân hoặc gót chân gần như là triệu chứng đặc trưng của bệnh suy động mạch. Chân của bệnh nhân suy động mạch có thể xanh xao khi nâng cao, mất dần lông vùng ngón chân. Một số bệnh nhân có bệnh lý động mạch chủ - chậu, thể biểu hiện bằng đau ở phía trên chân hay mông, đôi khi gây tình trạng mất dương cương ở đàn ông. Đau cách hồi thường xảy ra ở một chân. Tuy vậy, ở các thể tổn thương nặng mạch máu thì bệnh vẫn có thể gây đau ở cả hai chân, tuy vậy vẫn sẽ có chân đau nhiều – chân đau ít và hiếm khi xuất hiện cùng lúc. Lý do là vì mức độ nặng của bệnh của 2 chân là không đồng đều. Triệu chứng khó chịu ở một chân sẽ ngăn không cho bệnh nhân tiếp tục di chuyển, cho nên bệnh nhân sẽ không có triệu chứng ở chân bị bệnh nhẹ hơn. Do vậy, khám thực thể để tìm bằng chứng về bệnh suy động mạch phải được thực hiện trên cả hai chân. Chỉ số huyết áp cổ chân – cánh tay (ankle-brachial index - ABI) là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện ở tất cả các tuyến, cho phép tầm soát – theo dõi hiệu quả bệnh lý động mạch chi dưới. Nếu chỉ số ABI < 0,9 thì đây là bất thường, gợi ý có bệnh lý mạch máu tại chi dưới, đồng thời gián tiếp phản ánh tình trạng bệnh lý động mạch toàn thân. ABI< 0,4 là gợi ý bệnh động mạch ngoại biên nghiêm trọng.
3.2.3.2    Suy tĩnh mạch chi dưới. 
Trong giai đoạn ban đầu, rất khó phân biệt đặc điểm của đau cách hồi do bệnh suy tĩnh mạch và bệnh suy động mạch chi dưới. Trong cả hai trường hợp, đi bộ đều gây triệu chứng đau – khó chịu vùng bắp chân, đều có thể làm cho bệnh nhân phải dừng lại nghỉ ngơi. Bệnh nhân đau cách hồi do bệnh tĩnh mạch thường không có dấu hiệu thực thể của bệnh suy động mạch. Các dấu chứng phối hợp có thể gợi ý phân biệt: phù chân xuất hiện ở bệnh suy tĩnh mạch chi dưới, teo khô mô da chân xuất hiện ở bệnh suy động mạch chi dưới, bắt mạch mu chân – mạch chày sau sẽ giảm (chú ý so sánh 2 bên chân) trong bệnh lý suy động mạch chi dưới.
3.2.3.3    Hẹp ống sống. 
Hẹp cột sống là nguyên nhân khác của đau chân. Bệnh có đặc điểm đau tăng nặng liên quan đến các động tác vận động của cột sống. Tần suất bệnh được cho là xuất hiện nhiều ở nam giới lớn tuổi. Cơn đau biểu hiện vùng chân có tính chất tương tự như với đau do bệnh suy động mạch chi dưới. Điểm phân biệt nếu chỉ do bệnh ống sống thì chất lượng tưới máu và mạch của các động mạch chân vẫn hoạt động tốt.
Đau vùng chân do bệnh hẹp ống sống là do tình trạng hẹp khu trú ống sống do bất thường về mặt cấu trúc cột sống gây chèn ép tủy thần kinh vùng chùm đuôi ngựa. Bệnh nhân đôi khi than phiền đau lưng hoặc đau mông, hoặc cũng có thể là dị cảm gây tê và châm chích vùng bàn chân khi bước đi. Đi bộ lên dốc là dễ dàng hơn so với đi bộ xuống dốc ở những bệnh nhân này. Họ không gặp khó khăn khi đi xe đạp, có lẽ bởi vì tư thế gập người khi chạy xe được cho là tư thế giảm đau, thông qua việc giảm sự chèn ép chùm đuôi ngựa. Một điểm cũng cần lưu ý rằng cả hai tình trạng bệnh động mạch và hẹp ống sống có thể cùng tồn tại trên cùng một bệnh nhân.
Trong hẹp ống sống, cơ đau tăng nặng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi nhưng phục hồi rất chậm. Nếu như đau cách hồi của bệnh lý mạch máu có thể giảm đi trong vòng vài phút sau khi dừng chân, cơn đau do hẹp ống sống cần 10-30 phút để thuyên giảm. Một số bệnh nhân bị đau bắp chân do hẹp ống sống cho rằng họ phải ngồi hoặc nằm xuống với đùi gập lại để giảm cảm giác khó chịu.
Bảng 1.So sánh một số đặc điểm của đau cách hồi do mạch máu và thần kinh (cột sống) 

 

Đau cách hồi do mạch máu

Đau cách hồi do thần kinh

Đau lưng

Không thường gặp

Thường gặp, nhưng không nhất thiết hiện diện

Triệu chứng ở chân

Mức độ nặng liên quan đến gắng sức

Có thể xuất hiện khi gắng sức, trực tiếp liên quan đến tư thế duỗi cột sống

Tính chất

Có thể đau kiểu chuột rút, cảm giác chật, căng, nhức, khó chịu

Có thể cảm giác tê, đau kiểu chuột rút, đau chói, dị cảm, cảm giác lạnh hoặc sưng, đau đôi khi không rõ ràng

Giảm đau

Khi có thư giãn cơ vùng chân (đứng yên, giảm đau nhanh)

Nghỉ ngơi không đủ; đôi khi có tư thế giảm đau phối hợp (cần nhiều thời gian để giảm đau)

Khởi phát

Khó chịu xảy ra đồng thời ở tất cả các vùng liên quan, liên quan đến đầu xa của chi

Đặc điểm lan lên – lan xuống đặc thù của bệnh thần kinh

Tiểu không tự chủ

Không xảy ra

Có thể xảy ra nhưng rất hiếm, chỉ có ở tổn thương nặng

Rối loạn dương cương

Phổ biến ở bệnh động mạch chủ - chậu

Có thể xảy ra nhưng rất hiếm

Mỏi chân

Thường gặp ở bệnh động mạch chủ - chậu

Những trường hợp nặng trong bệnh lý chùm đuôi ngựa

 Rối loạn biến dưỡng

Có thể xuất hiện, không gặp trong bệnh động mạch chủ - chậu

Không gặp, nhưng có thể gặp trong bệnh lý kết hợp

Giảm mất cảm giác

Không gặp

Thường gặp sau vận động

Co giật mắt cá

Thường không gặp ở BN> 60 tuổi

Thường gặp, đặc biệt sau vận động

Nâng chân thẳng

(+)

(+)

Cận lâm sàng hỗ trợ

Chỉ số huyết áp cổ chân - cánh tay, siêu âm Doppler mạch máu, chụp động mạch

Các phương pháp X quang cột sống, chụp cắt lớp vi tính


3.2.3.4    Viêm tắc tĩnh mạch sâu. 
Đau và sưng bắp chân một bên thường do viêm tắc tĩnh mạch sâu. Cơn đau thường xuất hiện khi nghỉ và hiếm khi nặng lên khi vận động. Đối với bệnh nhân đang bị viêm tắc tĩnh mạch với đau vùng nhượng chân khi đi lại, việc đặt chân xuống đất và bước đi có thể nhanh chóng làm nặng lên tình trạng đau tại vùng nhượng chân. Mặc dùng bệnh cảnh lâm sàng của bệnh đã được trình bày nhiều trong các sách về triệu chứng (VD: đau, sưng, đau vào khi sờ chân, có thể có tiền căn chấn thương hoặc các đợt viêm tĩnh mạch trước đó, yếu tố nguy cơ với dùng thuốc ngừa thai, nằm lâu hậu phẫu, ngồi lâu trên xe...), trong thực hành lâm sàng bệnh suy tĩnh mạch chi dưới vẫn thường bị chẩn đoán không chính xác (cả chẩn đoán âm tính giả và dương tính giả).
Một số nghiên cứu đã cho rằng siêu âm tĩnh mạch nên được chỉ định trong những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ trên lâm sàng, giúp cung cấp thêm thông tin trong những trường hợp thiếu bằng chứng chẩn đoán.
3.2.3.5    Các bệnh lý khác
Các nguyên nhân khác của sưng đau vùng chân bao gồm: đứt gân cơ gấp dài các ngón chân, gân cơ chày sau, đầu ngoài – đầu trong của cơ bụng chân do chấn thương, chấn thương trên bó cơ, co cứng cơ do tập luyện thể dục không đúng phương pháp. Nang Baker vùng khoeo, có thể giả giống như bệnh cảnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới, gây sưng đau các bắp chân. Vì vậy, tất cả các bệnh nhân bị sưng đau bắp chân cần phải được khám để tìm nang vùng khoeo. Đa số bệnh nhân có nang vùng khoeo gây đau có viêm khớp gối cũng thường có bệnh viêm khớp dạng thấp phối hợp.
Đau lan tỏa ở một hoặc cả hai bắp chân không có liên quan đến vận động gợi ý suy tĩnh mạch sâu. Những bệnh nhân có tình trạng này thường xuyên than phiền về triệu chứng chuột rút ban đêm và đau chân vào ban đêm khi họ đang ngủ. Đau do suy tĩnh mạch mơ hồ, không đặc hiệu, và không liên quan tới bất kỳ nhóm cơ cụ thể nào. Giãn tĩnh mạch nông có thể gợi ý chẩn đoán, nhưng suy tĩnh mạch sâu có thể xuất hiện mà không có dấu hiệu giãn tĩnh mạch nông ngoằn ngoèo phối hợp.
Bệnh nhân bị viêm khớp do gout thường có một khớp sưng, nóng, đỏ, đau. Khớp bị tổn thương thường rất nhạy cảm với áp lực từ bên ngoài. Sự gia giảm áp lực lên khớp, áp lực không khí đều có thể làm bệnh nhân đau (cơ chế này giải thích vì sau người bệnh có đau khớp khi trời chuyển mưa). Một số bệnh nhân thậm chí không thể chịu đựng được sức nặng của tấm mền khi đặt trên khớp viêm. Bệnh gout thường không có nhiều dấu hiệu và triệu chứng toàn thân (phát ban, khó chịu, sốt) như trong bệnh viêm khớp nhiễm trùng. Đối với bệnh gout ở đầu gối hoặc ở vùng hông (hiếm gặp), bệnh có thể khó chẩn đoán trừ khi lâm sàng có ghi nhận đầy đủ các dấu chứng sưng, nóng ở ngón chân cái và tiền sử bệnh gout.
 

 

 

Tải về tài liệu chính .....(xem tiếp)

  • Đặc điểm bệnh nhân và bệnh
  • Đặc điểm triệu chứng
  • Tương quan với vận động và nghỉ ngơi
  • Các triệu chứng phối hợp
  • Các yếu tố thúc đẩy đau chân
  • Các yếu tố làm giảm đau chân
  • Nghiệm pháp lâm sàng và cận lâm sàng
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    Rối loạn phân liệt cảm xúc

    2058/QĐ-BYT.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Đánh giá tình trạng đau hoặc sưng bìu ở trẻ em và thanh thiếu niên

    uptodate.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    CLOTRIMAZOL

    uptodate.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    Bệnh viêm màng bồ đào trước cấp tính
    Thuyết trình
    Phẫu thuật giảm béo phì
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space