Nguyên nhân thường gặp nhất của đau vùng chi dưới là các bệnh lý liên quan đến cơ và dây chằng ở người trẻ và bệnh lý gân bám tận và khớp chịu lực gặp ở người cao tuổi.
Cụ thể là hội chứng chấn thương vùng chân xuất hiện sau đợt vận động thể lực quá mức (mới tập chạy bộ, tập bơi, thi thể thao, chơi thể thao môn đối kháng) chủ yếu ở người trẻ. Tình trạng tổn thương chính của các thể này là căng cơ, chấn thương cơ gây hội chứng chèn ép khoang, chấn thương gân cơ – gân bám tận – bao dây chằng khớp (trật khớp), và hiếm hơn là các tình trạng gãy xương do sang chấn hoặc gãy xương do vi chấn (stress fractures). Những bệnh nhân quỳ thường xuyên thường có viêm túi hoạt dịch trước xương bánh chè. Đối với nhóm bệnh nhân từ 40 tuổi trở lên, vận động thể lực cường độ cao không thường xảy ra, ngược lại tình trạng thoái hóa và suy yếu của cấu trúc giải phẫu cơ – xương – dây chằng vùng chân có thể làm tăng nguy cơ bị chấn thương ngay với các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Các khớp chịu lực vùng chân bao gồm khớp gối, khớp háng và khớp vùng cổ chân (xếp theo thứ tự thường gặp giảm dần). Cụ thể, các triệu chứng khó chịu vùng chân có thể xuất hiện sau đợt đi du lịch dã ngoại, leo núi, đi bộ đường xa, xây dựng – dọn dẹp nhà cửa, khiêng vác vật nặng... Thương tổn thường gặp là viêm gân bám tận vùng quanh xương bánh chè, thể hiện bằng điểm đau vùng phía trước – cực dưới xương bánh chè, có thể kèm theo điểm đau tại đầu trên xương chày-mác.
Thương tổn tước cơ thường gặp ở người không chuẩn bị tốt trước khi chơi thể thao (không làm nóng cơ thể tốt), xuất hiện nhiều vào đầu mùa hè khi có nhiều người bắt đầu chơi thể thao. Tình trạng này cũng có thể gặp ngay ở người vận động viên chuyên nghiệp chơi môn thể thao vận sức nhiều.
Đối với phụ nữ đang mang thai, các bệnh lý suy tĩnh mạch chi dưới, thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới, vọt bẻ cơ (chuột rút ở bắp cơ) và chấn thương là nguyên nhân thường gây đau – khó chịu vùng chân.
Đối với người có chiều dài 2 chân không đồng đều (do tiền căn chấn thương, dị tật, di chứng phẫu thuật ...), việc phân bổ lực không đồng đều đưa đến nguy cơ thoái hóa nặng và nhanh các cấu trúc khớp chịu lực vùng gối, háng, khớp cùng chậu, khớp cột sống. Ngoài ra, tình trạng này còn làm tăng nguy cơ té ngã, chấn thương.
Trong trường hợp điển hình với đau vùng nhượng chân, tăng lên khi đi bộ hoặc tập thể dục và giảm khi nghỉ, chúng ta có thể nghĩ đến chẩn đoán cơn đau cách hồi do bệnh lý động mạch nếu trên bệnh nhân cao tuổi; hoặc bệnh lý viêm bạch mạch, suy tĩnh mạch trên bệnh nhân trẻ tuổi. Tình trạng đau cách hồi cũng có thể xuất hiện ở vùng đùi – háng nếu tình bệnh xuất hiện ở mạch máu vùng chậu.
Gout phổ biến nhất ở nam giới lớn tuổi nhưng có thể xảy ra ở phụ nữ, đặc biệt là những người mãn kinh sớm (tự nhiên hoặc do phẫu thuật). Thông thường, bệnh nhân thường có tiền căn đau khớp tương tự trước đó. Đặc điểm nguy cơ của bệnh là nam giới, chế độ ăn nhiều đạm, có tiền căn gia đình mắc bệnh. Đau do bệnh gout cổ điển xảy ra ở ngón chân cái, nhưng nó có thể xảy ra ở các ngón chân khác, cổ chân hoặc đầu gối; hiếm khi xảy ra ở vùng hông.
Các nguyên nhân của đau chân
|