Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


Nguyên nhân do thần kinh

(Tham khảo chính: ICPC )

4.5.1.    Yếu cơ
Có thể do bệnh lý thần kinh vận động tầng cao, thần kinh vận động tầng thấp hoặc là do tại bệnh lý của cơ tại chi dưới. Đối với nguyên nhân thần kinh tầng cao, do yếu các nhóm cơ vùng gấp của đùi, người bệnh có khó khăn trong nâng chân, dẫn đến hiện tượng có rớt bàn chân với ngón chân chà sát với đất khi di chuyển. Quan sát đôi giầy sẽ ghi nhận có dấu mòn vùng mũi giầy. Dáng đi thể hiện bằng động tác nghiêng người và quét chân thành vòng tròn. Tham khảo động tác đi của người bị liệt nữa người (xem bên dưới) đại diện cho loại rối loạn dáng đi này
Đối với nguyên nhân thần kinh vận động vùng thấp sẽ có hiện tượng bàn chân rớt. Để có thể đi, người bệnh sẽ cố ý nâng đùi cao và nhấc từng bước đi khó khăn. Dáng đi của người yếu liệt thần kinh chi dưới (xem bên dưới) đại diện cho nhóm này.
Đối với người bị yếu cơ vùng chi dưới, người bệnh sẽ sử dụng nhóm cơ thân để hỗ trợ cho cơ chi, tạo dáng đi lắc người qua lại. Tham khảo dáng đi của người yếu cơ vùng chậu (xem bên dưới).
4.5.2.    Cơ cứng cơ
Tình trạng co cứng – tăng trương lực cơ là một trong dấu chứng của bệnh lý thần kinh tầng cao, gợi ý khả năng nguyên nhân từ tủy và não trung ương. Dáng đi cứng và từng bước nhỏ. Chân và bàn chân di chuyển nguyên khối không tự nhiên, các ngón chân có thể gập vào trong và khi đi gây quệt trên nền đất.
4.5.3.    Rối loạn cảm giác gân xương
Cảm giác gân xương cho phép xác định các tư thế của chi – khớp trong mối tương quan của cơ thể với không gian bên ngoài. Việc rối loạn mất – giảm cảm giác gân xương cũng gây rối loạn nặng nề dáng đi và thăng bằng. Bệnh nhân sẽ lo sợ té ngả khi cần phải di chuyển ban đêm (khi mà quan sát bị giới hạn do thiếu ánh sáng, thiếu tầm nhìn). Các tổn thương vùng bó sau của tủy sống, rối loạn chuyển hóa đái tháo đường, viêm dây thần kinh ngoại biên, một số tổn thương vỏ não là nguyên nhân của rối loạn này. Dáng đi kiểu mất cảm giác (xem bên dưới) là đặc trưng của nhóm này.
4.5.4.    Rối loạn vận động ngoại tháp
Nhóm này bao gồm các loại rối loạn vận động không có tính chu kỳ (múa giật, múa vờn) và có tính chu kỳ (các thể run). Bệnh nhân sẽ có biểu hiện vận động ngoại tháp ở những vùng chi trên giúp gợi ý nhóm này. Rối loạn chính là sự thiếu đồng vận giữa các nhóm cơ dẫn đến rối loạn giữ thăng bằng và dáng đi. Biểu hiện lâm sàng thể hiện bằng bước đi ngắn, tăng trương lực cơ, giảm động tác đồng vận của bên đối diện (giảm đánh tay), run tay – chân. Dáng đi kiểu Parkison là điển hình của nhóm này (xem bên dưới).
4.5.5.    Mất điều hòa tiểu não
Tiểu não là thần kinh trung ương quan trọng nhất của việc điều khiển – huy động - phối hợp giữa các nhóm cơ, hoạt động đồng vận khi di chuyển và giữ thăng bằng. Khi có tổn thương vùng tiểu não, các động tác thay đổi tư thế đột ngột: như chuyển từ ngừng sang chuyển động hoặc ngược lại sẽ khó khăn. Các động tác cần huy động nhiều khớp – cơ sẽ khó khăn hơn, tạo những cử động bất thường. Đối với dáng đi, người bệnh sẽ đi loạng choạng, lảo đảo, bước chân dang rộng như người say rượu. Các động tác cần sự định vị chính xác trong không gian cũng bị ảnh hưởng
4.5.6.    Mất điều hòa tiền đình ngoại biên
Tiền đình ngoại biên giữ vai trò cung cấp thông tin cảm nhận về vị trí của cơ thể trong không gian 3 chiều. Các tổn thương vùng ốc tai – tiền đình, viêm dây thần kinh tiền đình sẽ gây ảnh hưởng tín hiệu gửi về thần kinh trung ương, gây ra ảo giác về cảm nhận vị trí cơ thể trong không gian, thể hiện ra ngoài bằng cảm giác chóng mặt – xoay vòng, dấu nystamus, các động tác thích nghi chủ động của cơ thể làm nặng thêm tình trạng mất thăng bằng, gây té ngã. 
4.5.7.    Rối loạn thùy trán
Thùy trán chịu trách nhiệm trong việc lập trình các cử động cơ chủ ý cũng như các động tác thăng bằng chủ ý. Các nguyên nhân gây tổn thương não (nhồi máu, xuất huyết, thoái hóa não). Một số thể bệnh của nhóm này bao gồm :
•    Khó khăn về nhận thức nên sẽ bắt đầu đi với bước ngắn, sau vài bước có thể đi lại bình thường
•    Cảm giác tăng thận trọng gặp trong tình huống đi bước ngắn nhưng dạng rộng vùng diện tích bàn chân như thể người đang đi trên mặt phẳng trơn
•    Khó khăn khi đi đứng với cảm giác do dự, đi không thăng bằng, không muốn đi, đi bước nhỏ, hẹp. Hình dáng đi này giống với các trường hợp bệnh nhân cao tuổi có rối loạn dáng đi vô căn
4.5.8.    Run cơ tư thế
Rối loạn dáng đi nằm trong bệnh cảnh của tình trạng run cơ toàn thân, triệu chứng rối loạn thăng bằng tăng lên khi người bệnh đứng, cảm giác như chân bị run và không điều khiển chính xác. Nguyên nhân cần phân tích theo cách tiếp cận của bệnh lý gây run cơ toàn thân.
4.5.9.    Tâm lý
Nguyên nhân này được đặt ra trong bối cảnh không có bất thường thực thể nào có thể giải thích được tình trạng rối loạn dáng đi – thăng bằng, các nguyên nhân khác đã được loại trừ. Dáng đi có hình thức kỳ lạ không thể giải thích bằng các cơ chế đã nêu trên, có tình trạng tăng trương lực cơ và giảm sự đồng vận của các nhóm cơ phối hợp.
4.5.10.    Rối loạn tri giác
Tất cả nguyên nhân gây rối loạn về tri giác đều có thể hiện tình trạng rối loạn thăng bằng và dáng đi. Bệnh nhân có thể té ngã, không có động tác chống đỡ bảo vệ phần đầu ví dụ như trong động kinh, hôn mê, choáng hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim chậm.
 

Tải về tài liệu chính .....(xem tiếp)

  • Nguyên nhân do thần kinh
  • Nguyên nhân không thần kinh
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    Tư vấn KHHGĐ các phương pháp tránh thai

    Sản phụ - phòng khám đa khoa Phạm Ngọc Thạch.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Khảo sát cận lâm sàng

    ICPC.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Tác dụng phụ của vaccin Gradasil

    ICPC.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    Tái cực sớm
    Định nghĩa thiếu máu
    Tiếp cận loãng xương - L95
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space