Hiện nay cơ cấu dân số của Việt Nam đang chuyển dần từ mô hình dân số trẻ sang mô hình dân số già, cơ cấu bệnh tật từ mô hình bệnh nhiễm sang mô hình bệnh mạn tính (chuyển tiếp mô hình dịch tễ học). Trong đó, người lớn tuổi ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong dân số. Hiện thế hệ sinh sau chiến tranh đã bước vào độ tuổi 40-45. Dự báo trong tương lai gần 15-20 năm nữa, Việt Nam sẽ chứng kiến hiện tượng “Daddy Boom” như các nước phát triển hiện đang đối mặt.
Song song với tình trạng già hóa của dân số là việc gia tăng các bệnh mạn. Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng chính bệnh nhân là người giữ vai trò quyết định trong việc theo dõi và điều trị cho chính sức khỏe của bản thân họ. Việc điều trị không chỉ khu trú ở khía cạnh kiểm soát đơn thuần bằng thuốc, ngoài ra cần đồng thời thực hiện chế độ ăn phù hợp, xây dựng lối sống tích cực, khống chế các yếu tố nguy cơ phối hợp, dự phòng biến chứng. Có thể nói, các nhu cầu này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực y khoa đơn thuần mà còn mở rộng đối với nhu cầu tình cảm – xã hội. Để thực hiện các tốt các khía cạnh trên, người bệnh cần có sự hỗ trợ, cần đến các năng lực chuyên môn khác nhau.
Trong thực tế, không ai có thể làm tốt trong tất cả các lĩnh vực cùng một thời điểm. Ví dụ bác sĩ sẽ giỏi trong lĩnh vực điều trị bệnh lý, trong khi điều dưỡng lại làm việc rất tốt trong việc chăm sóc, theo dõi các vấn đề sức khỏe thông thường, có thể hỗ trợ các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Do vậy, để thực hiện tốt việc chăm sóc bệnh nhân một cách toàn diện các khía cạnh thể chất – tinh thần và xã hội, yêu cầu cần phải có ê kíp các chuyên ngành khác nhau cùng thực hiện việc chăm sóc cho bệnh nhân.
Hình n.1. Mô hình của êkíp chăm sóc sức khỏe của tương lai, được hỗ trợ xung quanh với các dịch vụ cung cấp với mạng lưới chuyên gia trong cộng đồng (nguồn từ Royal College of General Practitioners 1996)
Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị thuốc, bệnh nhân có nhu cầu điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp. Thông thường cả bác sĩ gia đình và bác sĩ chuyên khoa không có đủ thời gian, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để giúp đỡ cho từng cá nhân bệnh nhân. Hơn nữa việc thay đổi thói quen ăn uống, khẩu phần ăn uống mới cần có thời gian theo dõi hướng dẫn. Người bệnh thường không được hướng dẫn đầy đủ, đưa đến việc chế độ dinh dưỡng không được thực hiện nghiêm túc. Kết quả là việc điều trị không hiệu quả như kỳ vọng, người bệnh có nguy cơ cao diễn tiến nặng, có biến chứng. Trong trường hợp này, việc tham gia của chuyên viên dinh dưỡng có vai trò quan trọng, góp phần vào khả năng thành công của điều trị. Chuyên viên dinh dưỡng sẽ có nhiều thời gian hơn để hiểu bệnh nhân, đưa ra lời khuyên phù hợp hơn, từ đó đạt được kết quả tốt hơn trong thay đổi hành vi bệnh nhân.
Trong ví dụ khác về vai trò của điều dưỡng, các kỹ thuật chăm sóc vết thương tuy không quá phức tạp, tuy nhiên nó đòi hỏi sự theo dõi – chăm sóc lâu dài. Người thực hiện cũng cần có một số kiến thức chuyên biệt về y khoa, do đó người thực hiện cần phải được huấn luyện cụ thể. Bác sĩ thường không có thời gian với bệnh nhân hoặc thân nhân để thực hiện tốt phần việc này. Nếu có được điều dưỡng cùng tham gia trong ê kíp điều trị, họ sẽ có đủ thời gian tiếp xúc và hướng dẫn cho bệnh nhân về kỹ thuật, có thời gian theo dõi để đảm bảo đạt mục tiêu điều trị.
Để các chuyên viên phối hợp một cách nhịp nhàng, tránh trùng lắp và đạt hiệu quả mong muốn, ê kíp điều trị cần có một người giữ vai trò “điều phối”. Người điều phối sẽ cân nhắc, đánh giá nhu cầu sức khỏe bệnh nhân và đề ra kế hoạch can thiệp phù hợp. Tại các nước có mô hình y tế phát triển, vai trò “điều phối” này thường do bác sĩ gia đình – bác sĩ tổng quát đảm nhiệm. Các thành viên khác của ê kíp điều trị sẽ được phân đảm trách công việc chuyên biệt trong kế hoạch can thiệp tổng thể chuyên biệt cho từng người bệnh.
Hình n.2. Vai trò điều phối của bác sĩ gia đình trong chăm sóc toàn diện trên bệnh nhân (nguồn từ Royal College of General Practitioners 1996)
Để minh họa cho vai trò “điều phối”, với đặc điểm là nơi tiếp xúc đầu tiên của người bệnh với hệ thống y tế, bác sĩ gia đình – bác sĩ tổng quát có điều kiện gặp người bệnh sớm và thường xuyên, có thể giữ vai trò như người bảo vệ quyền lợi chính đáng của bệnh nhân được hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng cao nhất trong điều kiện có thể.
Tùy theo đặc thù của từng quốc gia mà mô hình hoạt động ê kíp điều trị có thể nằm trong một tổ chức y tế nhất định hoặc là tự do không trực thuộc một đơn vị. Tại các nước phát triển (Anh, Mỹ, Bỉ, …), mô hình ê kíp được thể hiện bằng hợp đồng làm việc cụ thể với các ràng buộc nhất định về thời gian, công việc, chế độ bồi dưỡng. Tại một số quốc gia khác, mô hình ê kíp đôi khi không rõ ràng. Các ê kíp chăm sóc này chỉ được hình thành vào thời điểm xuất hiện nhu cầu y khoa của từng bệnh nhân cụ thể. Với mô hình này, các thành viên trong nhóm điều trị liên đới với nhau thông qua lợi ích vì sức khỏe toàn diện của bệnh nhân. Tuy nhiên họ không bị ràng buộc bởi qui định cụ thể. Ví dụ cụ thể: sau khi khám bệnh nhân đái tháo đường, bác sĩ gia đình có thể nhờ phòng xét nghiệm độc lập khác đến nhà lấy mẫu máu kiểm tra đường huyết; có thể nhờ điều dưỡng độc lập đến chăm sóc các vết thương nhiễm trùng vùng chân tại nhà; có thể gởi bệnh nhân đến khám chuyên khoa sâu về bệnh lý nội khoa phối hợp tại một bệnh viện bất kỳ. Các hoạt động trên có thể diễn ra độc lập, không phụ thuộc lẫn nhau. Do vậy, các nhân viên y tế có thể không biết các thành viên khác đang cùng chăm sóc bệnh nhân.
|