Mỗi quốc gia có nguồn lực chăm sóc sức khỏe và nhu cầu về sức khỏe khác nhau. Tuy nhiên, mục tiêu cơ bản của một hệ thống y tế là đem lại sức khỏe tốt nhất và giảm tối thiểu sự cách biệt trong chăm sóc sức khỏe cho từng cá nhân và từng nhóm đối tượng khác nhau trong cộng đồng.
Theo định nghĩa về sức khỏe của tổ chức y tế thế giới (WHO-1988) thì sức khỏe là sự thoải mái hoàn toàn về thể chất, tâm thần và xã hội; không chỉ đơn giản là không có bệnh. Ý tưởng về “sức khỏe cho mọi người” lần đầu tiên được đưa vào tuyên ngôn Alma-Ata vào năm 1978 trong hội nghị quốc tế về chăm sóc sức khỏe ban đầu, tổ chức tại thành phố Alma- Ata, thành phố lớn nhất của Kazakhstan. Đến tháng 10 năm 2018, sau 40 năm, tuyên ngôn Alma-Ata vẫn còn nguyên giá trị khi một lần nữa lại được khẳng định và kêu gọi tất cả các nước, nhân viên y tế và cộng đồng trên toàn thế giới cùng bảo vệ và thúc đẩy sức khỏe cho mọi người. Từ khi tuyên ngôn Alma – Ata được đề cập năm 1978 đến nay, đã có nhiều nghiên cứu lớn chứng minh vai trò, lợi ích của “Chăm sóc sức khỏe ban đầu” trong hệ thống y tế và rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thấy được tầm quan trọng cũng như vai trò thiết yếu, tiên phong của “Chăm sóc sức khỏe ban đầu”. Trong đó, Y học gia đình (YHGĐ) là chuyên ngành đáp ứng tốt nhất mục tiêu “sức khỏe cho mọi người” vì đây là một lĩnh vực khoa học và hàn lâm, với đặc trưng về nội dung đào tạo, nghiên cứu, y học chứng cớ và kỹ năng lâm sàng, là một CHUYÊN KHOA lâm sàng HƯỚNG CHĂM SÓC BAN ĐẦU (Theo WONCA - the World Organization of National Colleges, Academies and Academic Associations of General Practitioners/Family Physicians. Viết ngắn gọn là World Organization of Family Doctors - 2002).
|