3.1. Bố trí điểm tiêm chủng
Bố trí điểm tiêm chủng/phòng tiêm chủng 1 chiều, có 3 khu vực: khu vực khám
tư vấn, khu vực tiêm, khu vực theo dõi sau tiêm.
3.2. Các trường hợp chống chỉ định và tạm hoãn tiêm vắc xin
(Theo Quyết định số 2301/QĐ-BYT ngày 12 tháng 6 năm 2015 về hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng)
3.2.1. Các trường hợp chống chỉ định
a) Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin lần trước (có cùng thành phần): sốt cao trên 39°C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở.
b) Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy
tim, suy thận, suy gan. ).
c) Trẻ suy giảm miễn dịch (bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng IV hoặc có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng) chống chỉ định tiêm chủng các loại vắc xin sống.
d) Không tiêm vắc xin BCG cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà không được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
đ) Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.
3.2.2. Các trường hợp tạm hoãn
a) Trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.
b) Trẻ sốt ≥37,5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤35,5 °C (đo nhiệt độ tại nách).
c) Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B.
d) Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày. đ) Trẻ có cân nặng dưới 2000g.
e) Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.
3.3. Giám sát phản ứng sau tiêm chủng
(Theo Quyết định số 1830/2014/QĐ-BYT về việc ban hành “hướng dẫn giám sát, điều tra, phân tích, đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm chủng”).
Phản ứng sau tiêm chủng là tình trạng bất thường về sức khỏe xảy ra sau khi tiêm chủng có liên quan đến vắc xin, sai sót trong tiêm chủng hoặc do trùng hợp ngẫu nhiên hay các nguyên nhân khác. Tất cả các trường hợp tiêm chủng cần phải theo dõi sau tiêm tại trạm y tế ít nhất 30 phút và tại nhà ít nhất 24 giờ.
3.3.1. Phân loại phản ứng sau tiêm chủng theo nguyên nhân
- Phản ứng liên quan đến thành phần của vắc xin: Là phản ứng của từng cá nhân đối với các thành phần có trong vắc xin, bao gồm các phản ứng thông thường và phản ứng hiếm gặp, hầu hết các phản ứng liên quan tới thành phần vắc xin là nhẹ và tự khỏi. Phản ứng nghiêm trọng liên quan tới thành phần vắc xin rất hiếm gặp.
- Phản ứng liên quan tới chất lượng của vắc xin: Có thể do khiếm khuyết xảy ra trong quá trình sản xuất vắc xin và làm tăng nguy cơ các phản ứng sau tiêm chủng. Cho đến nay, sau nhiều sự cố tiêm vắc-xin, các mẫu vắc-xin đã được kiểm nghiệm, rất hiếm gặp phản ứng sau tiêm chủng do chất lượng của vắc xin, bởi lẽ các cơ sở sản xuất vắc xin đều đã áp dụng thực hành sản xuất tốt (GMP), đồng thời kiểm định chặt chẽ đối với từng lô vắc xin trước khi sử dụng. Việc kiểm định vắc xin trong quá trình sản xuất, trước khi được phép xuất xưởng và trước khi sử dụng cũng được thực hiện hết sức nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo vắc xin có chất lượng tốt nhất và đảm bảo an toàn đối với người sử dụng.
- Phản ứng liên quan đến sai sót tiêm chủng: Là những phản ứng liên quan đến quá trình bảo quản, vận chuyển, chỉ định và tiêm chủng vắc xin không đúng. Những phản ứng này đều có thể phòng ngừa được. Do vậy, việc thực hiện đúng các quy định trong vận chuyển, bảo quản vắc xin, cùng hoạt động thực hành tiêm chủng đúng quy
trình (khám sàng lọc để có chỉ định tiêm chủng thích hợp, thực hành pha hồi chỉnh vắc xin đối với loại vắc xin dạng đông khô), hoặc các thực hành tiêm chủng khác như sử dụng bơm kim tiêm tự khóa an toàn v.v… luôn luôn phải được chú trọng.
- Phản ứng liên quan đến lo lắng khi tiêm chủng: Đây là phản ứng của cơ thể do sự lo lắng quá mức với tiêm chủng. Phản ứng này hay gặp ở nhóm trẻ lớn, người lớn, đặc biệt trong các đợt tiêm chủng cho nhiều đối tượng. Trong chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella vừa qua, có một số địa phương ghi nhận phản ứng dây chuyền này. Tuy nhiên, tất cả các cháu đều bình phục ngay sau khi được chăm sóc tại điểm tiêm chủng hoặc cơ sở y tế.
- Trùng hợp ngẫu nhiên: Là phản ứng sau tiêm không phải do vắc xin hay sai sót tiêm chủng, cũng không liên quan đến lo lắng khi tiêm chủng, mà là do bệnh lý sẵn có của đối tượng được tiêm chủng. Phản ứng có thể xảy ra trùng hợp với thời điểm tiêm chủng và đôi khi có thể bị cho là do tiêm vắc xin.
- Không rõ nguyên nhân: Là phản ứng sau tiêm không xác định được nguyên
nhân.
3.3.2. Phân loại phản ứng sau tiêm chủng theo mức độ
- Phản ứng nhẹ sau tiêm chủng: Có thể có các phản ứng như sốt nhẹ < 38,5ºC, đau tại chỗ tiêm, quấy khóc. Đây là phản ứng thông thường cho thấy đáp ứng của cơ thể với vắc xin, không kéo dài, các phản ứng sẽ tự khỏi trong ṿòng 1 ngày.
- Phản ứng sau tiêm chủng nghiêm trọng: Thường ít gặp nhưng phải được phát hiện sớm và xử lí kịp thời, bao gồm: phản vệ, sốc phản vệ, hội chứng sốc nhiễm độc, nghi ngờ do sai sót trong tiêm chủng, tử vong.
3.4. Xử trí các phản ứng sau tiêm chủng
(Theo Quyết định số 2535/QĐ-BYT ngày 10/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn sử trí phản ứng sau tiêm chủng)
Tất cả các trường hợp tiêm chủng đều phải theo dõi tại nơi tiêm chủng ít nhất 30 phút và theo dõi tại nhà ít nhất 24giờ để phát hiện và sử trí kịp thời phản ứng sau tiêm chủng.
3.4.1. Xử trí các phản ứng thông thường sau tiêm chủng
- Sốt nhẹ (dưới 38,5oC): Uống nhiều nước, tiếp tục ăn uống bình thường, nằm chỗ thoáng. Một số trường hợp có bệnh lý về tim mạch, viêm phổi hoặc trẻ có tiền sử sốt cao co giật có thể dùng thuốc hạ sốt khi thân nhiệt trên 38,oC.
- Phản ứng tại chỗ gồm các triệu chứng đỏ và/hoặc sưng tại chỗ tiêm và có thể có 1 hoặc nhiều triệu chứng sau: sưng tới tận khớp xương gần chỗ tiêm nhất, đau, đỏ và sưng kéo dài trên 3 ngày. Phản ứng thường tự khỏi trong vòng vài ngày đến 1 tuần. Điều trị triệu chứng với các thuốc giảm đau theo chỉ định.
- Đau khớp kể cả khớp nhỏ ngoại vi, đau dai dẳng (trên 10 ngày) hoặc thoáng qua (tối đa 10 ngày). Đau khớp có thể tự khỏi, một số trường hợp cần dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của cán bộ y tế.
- Nhiễm khuẩn BCG lan tỏa trên diện rộng xảy ra trong vòng 1 đến 12 tháng sau tiêm BCG và được chẩn đoán xác định bằng cách phân lập vi khuẩn lao. Thông
thường xảy ra ở những người suy giảm miễn dịch, cần đưa đến cơ sở y tế để điều trị bằng thuốc chống lao.
- Hội chứng não, màng não cấp tính với đặc điểm có 2 trong 3 triệu chứng sau: những cơn kịch phát, ý thức rối loạn kéo dài 1 đến nhiều ngày và hành vi thay đổi rõ rệt kéo dài 1 đến nhiều ngày, cần đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị.
- Giảm trương lực, phản xạ, choáng xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi tiêm chủng kéo dài từ 1 phút đến nhiều giờ ở trẻ em dưới 10 tuổi với biểu hiện mệt lả, giảm đáp ứng, thường thoáng qua và tự khỏi không cần điều trị. Trường hợp xuất hiện tái xanh hay tím ngắt hoặc bất tỉnh cần được đưa đến cơ sở y tế để theo dõi và điều trị tích cực như sốc phản vệ.
- Viêm hạch bạch huyết kể cả viêm hạch bạch huyết có mủ với biểu hiện có 1 hạch lympho sưng to > 1,5 cm (bằng 1 đầu ngón tay người lớn) hoặc có 1 hốc dò rỉ trên 1 hạch lympho, xảy ra trong vòng 2-6 tháng sau khi tiêm vắc xin BCG, tại cùng một bên người với chỗ tiêm chủng (đa số là ở nách). Viêm hạch thường là tự lành và không cần điều trị. Trường hợp tổn thương dính vào da hoặc bị dò rỉ thì cần đưa đến cơ sở y tế để được phẫu thuật dẫn lưu và đắp thuốc chống lao tại chỗ.
- Bầm tím và/hoặc chảy máu do giảm tiểu cầu thường là nhẹ và tự khỏi. Trường hợp nặng cần đưa đến cơ sở y tế để điều trị thuốc steroid và truyền khối tiểu cầu.
3.4.2. Xử trí các tai biến nặng sau tiêm chủng
- Phản vệ: Thường xuất hiện trong hoặc ngay sau khi tiêm chủng với các triệu chứng như mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay, phù Quincke; mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt có khi không đo được; khó thở (kiểu hen, thanh quản), nghẹt thở; đau quặn bụng, ỉa đái không tự chủ; đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê; kích thích, choáng váng, vật vã, giãy giụa, co giật. Cần dừng ngay việc tiêm vắc xin và tiến hành cấp cứu phản vệ theo phác đồ của Bộ Y tế và chuyển người bệnh đến đơn vị hồi sức tích cực của bệnh viện gần nhất.
- Phản ứng quá mẫn cấp tính: Thường xảy ra trong vòng 2 giờ sau khi tiêm chủng với 1 hay kết hợp nhiều triệu chứng như thở khò khè, ngắt quãng do co thắt khí phế quản và thanh quản, phù nề thanh quản; phát ban, phù nề ở mặt, hoặc phù nề toàn thân. Xử trí: dùng các thuốc kháng histamin, phòng ngừa bội nhiễm, đảm bảo nhu cầu dịch và dinh dưỡng. Trường hợp phản ứng nặng cần cho thở ô xy và xử trí như sốc phản vệ.
- Sốt cao (>38,5oC): Cho trẻ uống nhiều nước hoặc đảm bảo nhu cầu dịch và dinh dưỡng. Dùng thuốc hạ sốt hiệu quả và an toàn cho trẻ em như Acetaminophen. Trong trường hợp sốt cao không đáp ứng với Acetaminophen đơn thuần có thể phối hợp thêm Ibuprofen sau 1 đến 2 giờ không hạ nhiệt với Acetaminophen và không có chống chỉ định với Ibuprofen. Có thể tiến hành lau mát hạ sốt với nước ấm hoặc nước thường và điều trị các biến chứng co giật nếu có.
- Khóc thét không nguôi, dai dẳng trên 3 giờ kèm theo la hét. Thường dịu đi sau 1 ngày hoặc tại thời điểm đó có thể dùng thuốc giảm đau theo chỉ định.
- Co giật: Thường là những con co giật toàn thân không kèm theo dấu hiệu và triệu chứng tại chỗ, có thể có sốt hoặc không. Cần được điều trị hỗ trợ hô hấp như thông đường thở, hút đờm rãi, thở ô xy. Dùng thuốc chống co giật như Diazepam và/hoặc thuốc chống co giật khác theo đúng phác đồ xử trí co giật.
- Áp xe: Sờ thấy khối sưng, mềm hoặc có dò dịch tại chỗ tiêm, có thể là áp xe vô khuẩn hoặc nhiễm khuẩn. Điều trị bằng chích rạch và dẫn lưu, dùng kháng sinh nếu nguyên nhân do nhiễm khuẩn.
- Nhiễm khuẩn huyết: Bệnh thường khởi phát cấp tính, có tính chất toàn thân, trầm trọng. Biến chứng thường gặp và nguy hiểm là sốc nhiễm trùng. Cần sơ cấp cứu sốc (nếu có) và chuyển người bệnh lên tuyến trên.
|