Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


Phục hồi chức năng

(Tham khảo chính: DỰ ÁN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ PHỤC VỤ CẢI CÁCH HỆ THỐNG Y TẾ )

Mục tiêu:
 
−    Duy trì tình trạng sức khỏe ổn định.
−    Tăng cường độc lập tối đa trong các hoạt động chăm sóc bản thân.
−    Hạn chế các di chứng.
−    Khuyến khích người bệnh tham gia các hoạt động của gia đình và xã hội.
−    Thay đổi kiến trúc cho phù hợp với tình trạng chức năng của người bệnh.
−    Hướng nghiệp.
−    Giáo dục và lôi kéo gia đình tham gia vào quá trình tập luyện và tái hội nhập.
•    Các biện pháp phục hồi chức năng
Theo dõi sức khỏe định kỳ: sau xuất viện cho người bệnh là cần thiết để đề phòng tai biến tái phát. Việc theo dõi có thể chuyển về tuyến cơ sở nơi người bệnh sinh sống. Ngoài ra, mối liên hệ thường kỳ với cơ quan y tế còn nhằm mục đích giáo dục truyền thông về phòng ngừa, chăm sóc người tàn tật. Từ phía người bệnh, việc này tạo cho họ tâm lý an tâm, được chăm sóc.
Thuốc có thể cần là các thuốc giãn cơ: nếu các thuốc giãn cơ thông thường kém hiệu quả, có thể sử dụng Baclofen (Lioresal) hoặc Dantrolen (Dantrium) để kiểm soát co cứng. Dùng thuốc sau cùng cần kiểm tra chức năng gan trước và sau điều trị, vì nó có thể gây viêm gan nhiễm độc.
•    Các bài tập tại nhà
Người bệnh cần hướng dẫn những bài tập này trước khi xuất viện. Tốt nhất các bài tập được thiết kế dưới hình thức các hoạt động. Có thể kể ra đây một số ví dụ: tập khớp vai bằng ròng rọc, gấp vai thụ động nhờ tay lành, dồn trọng lượng lên tay liệt khi ngồi, tập với theo các mốc đánh dấu trên tường bằng tay liệt…
Đối với chân, người bệnh có thể đạp xe đạp, đi bộ lên xuống cầu thang, tập đi trên mặt đất không phẳng, đi ra khỏi môi trường quen thuộc…
•    Hoạt động tự chăm sóc: Môi trường gia đình là nơi người bệnh có thể tập các hoạt động tự chăm sóc tốt nhất. Khuyến khích người bệnh tự thực hiện các hoạt động ăn uống, tắm rửa, thay quần áo, đi vệ sinh theo nền nếp… giống như trước khi bị bệnh. Một số hoạt động có thể cần trợ giúp một phần: ví dụ di chuyển trong nhà vệ sinh, buộc dây giầy… Tuy nhiên, cần thay đổi các vật dụng của người bệnh một cách thích ứng để họ có thể độc lập tối đa. Chẳng hạn: làm tay cầm để người bệnh tự cầm lược chải đầu, xúc ăn, dùng băng dán thay cho cúc áo…
•    Nội trợ và các hoạt động khác trong gia đình: Người bệnh là phụ nữ thì nhu cầu nội trợ rất cần thiết. Nên động viên người bệnh tham gia nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc con cái. Người bệnh có thể thực hiện một phần những hoạt động này, cố gắng thay đổi vị trí, kích thước, chiều cao bệ bếp, dây phơi… để người bệnh có thể làm những việc đó khi ngồi xe lăn hoặc trên ghế dựa.
•    Các hoạt động khác và hướng nghiệp: Giao tiếp xã hội và tham gia các hoạt động của cộng đồng là nhu cầu thiết yếu của mỗi người. Nên dần đưa người bệnh đi ra ngoài, thăm hàng xóm, đi mua bán, họp hành ở phường xóm. Việc đó tạo cho họ một tâm lý vui vẻ, tự tin và động lực tập luyện, ham muốn tái hội nhập. Đồng thời những cuộc thăm viếng đó cũng làm thắt chặt mối quan hệ với mọi người xung quanh, là tiền đề cho việc
 
tìm kiếm cơ hội làm việc.
•    Thay đổi kiến trúc nơi người bệnh sinh sống: Kiến trúc kiểu căn hộ, nghĩa là toàn bộ diện tích gia đình đều trên một mặt sàn, hiện nay ở các đô thị Việt Nam chưa phổ biến. Ở nông thôn, việc này tương đối thuận tiện, nhưng lề lối bố trí các công trình vệ sinh, nhà bếp gây khó khăn cho người bệnh. Do vậy, thầy thuốc phục hồi chức năng nên tư vấn cho người bệnh và gia đình họ để có những lựa chọn hợp lý khi xuất viện. Nhà ở cao tầng, kích thước cửa ra vào, nhà vệ sinh, bếp, bàn ghế, bậc lên xuống và xe lăn đặc biệt cho người bệnh liệt nửa người là những vấn đề cần điều chỉnh khi người bệnh xuất viện.
•    Vai trò của gia đình trong quá trình hội nhập xã hội: Thời gian phục hồi sau tai biến, có thể kéo dài hàng năm, trong khi người bệnh chỉ có thể ở lại trong bệnh viện 1- 2 tháng. Do vậy, việc hướng dẫn, giáo dục gia đình họ tham gia vào chăm sóc, tập luyện rất cần thiết. Nên để gia đình họ quan sát các bài tập, cách đặt tư thế, cách đỡ người bệnh khi lăn trở, di chuyển, hạn chế giúp người bệnh khi người bệnh đã tự làm được trong sinh hoạt hàng ngày. Khi xuất viện, gia đình cũng cần được biết về mục tiêu và chương trình tập tại nhà để động viên, tham gia cùng tập với người bệnh, cần được hướng dẫn về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi thích hợp cho người bệnh.
 

Tải về tài liệu chính https://bsgdtphcm.vn/api/upload/20240229hpet_bacsi.pdf .....(xem tiếp)

  • Các di chứng sau tai biến
  • Phục hồi chức năng
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    Đại cương

    Trần Thị Mộng Hiệp.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Cơ chế gây nôn ói

    ICPC.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Khám lâm sàng

    .....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    QUY TRÌNH CẤP CỨU NGƯNG TIM NGƯNG THỞ NGƯỜI LỚN
    Chẩn đoán
    Khám chuyên khoa sinh thiết thận
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space