Quá trình hồi phục diễn ra chậm dần, sau 6 tháng bị tai biến, khả năng hồi phục rất hạn chế. Đây là giai đoạn di chứng sau tai biến. Tuy nhiên, những rối loạn nhận thức và ngôn ngữ vẫn tiếp tục được cải thiện hàng năm sau khi bị tai biến. Phần lớn khả năng hồi phục ở người bệnh là về vận động, đặc biệt ở chi dưới. Theo thống kê trên người bệnh khoa phục hồi chức năng bệnh viện Bạch Mai, thời gian trung bình từ khi bị tai biến đến lúc người bệnh đi được là 30 ngày. Còn theo dõi sau 1 năm, tỷ lệ người bệnh độc lập về chức năng (di chuyển và tự chăm sóc) chỉ đạt 33,5%. Những vấn đề chính của người bệnh là:
• Co cứng và co rút các khớp bên liệt: Xảy ra đặc biệt ở cổ chân bên liệt, khiến khi di chuyển, bàn chân tiếp đất bằng mũi hoặc cạnh ngoài, các ngón chân quắp. Khớp hông bên liệt gập và thân co ngắn. Khớp vai khép, xoay trong, cử động thụ động rất hạn chế do đau. Khuỷu và cổ tay gấp, cẳng tay quay sấp làm hạn chế nhiều hoạt động chức năng ở tay bên liệt. Nếu người bệnh khi xuất viện có nẹp chỉnh hình, những biến dạng này có thể kiểm soát được.
• Rối loạn thăng bằng điều hợp: Ngoài yếu cơ, các rối loạn thăng bằng, điều hợp cũng tham gia gây hạn chế các hoạt động chức năng. Người bệnh di chuyển hoặc thực hiện một hoạt động theo mẫu cử động khối.
• Hạn chế về giao tiếp: Ngay cả đối với những người bệnh không bị thất ngôn: bị hạn chế trong môi trường gia đình, các mối liên hệ xã hội giảm. Còn người bệnh bị thất ngôn, khả năng hiểu và diễn đạt kém lại là trở ngại trong quan hệ với người thân và xã hội, là nguyên nhân quan trọng dẫn đến hội chứng trầm cảm sau tai biến.
• Trầm cảm: Bản thân tổn thương não gây trầm cảm, ngoài ra sự cách biệt khỏi môi trường kéo dài cũng gây những thay đổi về trí tuệ và hoạt động tư duy. Người bệnh dễ xúc động, dễ khóc, khó kiểm soát những biểu hiện cảm xúc. Thông thường, biểu hiện trầm cảm ở người bệnh tai biến mạch não là tạm thời, không kéo dài nên việc khuyến khích, khen ngợi những cố gắng của người bệnh khi tập luyện là biện pháp tốt để giảm bớt trầm cảm.
|