2.1. Nguyên tắc xử trí chung
- Xử trí tuỳ theo mức độ nặng của bệnh.
- Điều trị triệu chứng.
- Điều trị nguyên nhân: điều trị kháng sinh sớm cho các người bệnh viêm phổi do vi khuẩn. Lựa chọn kháng sinh theo căn nguyên gây bệnh. Khi chưa có kháng sinh đồ, dựa theo kinh nghiệm lâm sàng, yếu tố dịch tễ, mức độ nặng của bệnh, tuổi người bệnh, các bệnh kèm theo, các tương tác, tác dụng phụ của thuốc. Thời gian dùng kháng sinh từ 7 đến 10 ngày nếu do các tác nhân gây viêm phổi điển hình, 14 ngày nếu do các tác nhân không điển hình, trực khuẩn mủ xanh.
2.2. Điều trị ngoại trú viêm phổi mắc phải ở cộng đồng (CURB65 từ 0-1 điểm)
2.2.1. Điều trị nguyên nhân
a/ Ở người không có bệnh kèm theo và không điều trị kháng sinh trong vòng 3 tháng
gần đây:
- Amoxicilin 500 mg viên uống x 3 lần/ngày, hoặc amoxicilin 500 mg ống tiêm tĩnh mạch x 3 lần/ngày, nếu người bệnh không uống được; hoặc:
- Erythromycin 2g/ngày hoặc clarithromycin 500 mg x 2 lần/ngày; hoặc:
- Doxycylin 200 mg/ngày sau đó dùng 100 mg/ngày.
b/ Ở người bệnh có bệnh phối hợp như: suy tim, suy hô hấp, suy thận, suy gan, bệnh đái tháo đường, bệnh ác tính, nghiện rượu, suy giảm miễn dịch hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc có điều trị kháng sinh trong vòng 3 tháng gần đây:
- Fluoroquinolon (moxifloxacin (400mg/ngày), gemifloxacin (500 - 700mg/ngày),
hoặc levofloxacin (500-750mg/ngày); hoặc:
- Kết hợp một Beta-lactam có tác dụng trên phế cầu (Amoxicilin 1g x 3 lần/ngày hoặc amoxicilin-clavulanat 1g x 3 lần/ngày, hoặc cefpodoxim 200mg x 2 lần/ngày, hoặc cefuroxim 500 mg x 2 lần/ngày) với một macrolid (azithromycin 500 mg/ngày trong ngày đầu, tiếp theo 250 mg /ngày trong 4 ngày hoặc clarithromycin 500mg x 2 lần/ngày). Có thể dùng doxycyclin thay thế cho macrolid.
2.2.2. Điều trị triệu chứng
- Hạ sốt, giảm đau ngực: paracetamol, non steroid, aspirin.
- Giảm ho, long đờm: Hạn chế dùng thuốc giảm ho chế ức chế trung tâm hô hấp. Nên dùng thuốc làm loãng đờm và long đờm.
- Khó thở: thở oxy, khí dung thuốc dãn phế quản nếu có co thắt phế quản.
- Truyền dịch nếu có mất nước điện giải: Ringerlactat hoặc natriclorua 0,9%.
2.3. Quản lí viêm phổi mắc phải ở cộng đồng
2.3.1. Phát hiện sớm các biến chứng
- Biến chứng nhiễm khuẩn huyết: Vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu gây ra nhiễm khuẩn huyết. Các triệu chứng nghĩ tới sốc nhiễm khuẩn: sốt cao rét run, nhịp tim nhanh, thở nhanh, huyết áp tụt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ý thức lơ mơ lẫn lộn, hôn mê.
- Áp xe phổi: Các triệu chứng nghĩ tới áp xe phổi: sốt trên 38 độ, ho ra mủ, vã mồ hôi về đêm, mệt mỏi, chán ăn, sút cân.
- Tràn dịch màng phổi (hội chứng 3 giảm), tràn khí màng phổi (gõ vang, nghe rì rào phế nang giảm, rung thanh giảm).
- Suy hô hấp: Các triệu chứng nghĩ tới suy hô hấp: thở nhanh hoặc chậm, nhịp tim nhanh hoặc không đều, da/môi/ đầu ngón tay tím tái, mệt mỏi, vã mồ hôi, lo lắng, hốt hoảng, ý thức lơ mơ/lẫn lộn/ hôn mê.
- Suy thận: Các triệu chứng nghĩ tới suy thận: đái ít, phù chi dưới, khó thở, buồn nôn, mệt mỏi, yếu cơ, rối loạn nhịp tim, lẫn lộn, co giật, hôn mê.
2.3.2 Các trường hợp chuyển tuyến
- CURB65 = 2 điểm: viêm phổi trung bình, chuyển người bệnh lên các bệnh viện đa khoa để điều trị.
- CURB65 = 3 - 5 điểm: viêm phổi nặng, chuyển người bệnh lên các khoa hô hấp, trung tâm hô hấp để điều trị.
- Viêm phổi nhẹ sau khi điều trị kháng sinh không đỡ, hoặc diễn biến nặng lên.
- Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng cần được chẩn đoán phân biệt với ung thư phổi và lao phổi. Cả 3 bệnh này đều có ho, đau ngực, khó thở và sốt (một số trường hợp ung thư phổi có sốt). Tuy nhiên, lao phổi thường khởi phát từ từ. Sốt ở người bệnh lao phổi thường sốt nhẹ, sốt về chiều và sốt kéo dài, không sốt cao đột ngột như viêm phổi. Ho ở người bệnh lao phổi thường kéo dài trên 2 tuần và điều trị kháng sinh không kết quả. Người bệnh lao phổi có toàn trạng suy kiệt hơn do hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc mạn tính. Người bệnh ung thư phổi thường ho khan, cơn ho dài, ho không có đờm, ho dai dẳng không đỡ với thuốc giảm ho và kháng sinh, kèm theo sút cân rất nhanh.
- Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng có biến chứng.
- Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng ở người già yếu, người có bệnh đồng mắc hoặc hệ thống miễn dịch suy giảm.
2.3.3 Tư vấn cho người bệnh
- Nghỉ ngơi cho đến khi phục hồi hoàn toàn nhằm tránh tái phát, có thể nghỉ ngơi kéo dài đến hàng tháng.
- Uống nhiều nước: làm loãng đờm và chất nhầy.
- Trong thời gian điều trị bệnh không được hút thuốc lá hay sử dụng các chất kích thích khác, bởi chúng sẽ hủy hoại hoạt động lông mao của các tế bào lông chuyển, làm kích thích tế bào tiết ra chất nhầy của phế quản và ức chế các chức năng đại thực bào của phế nang.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.
|