Quyết định số 1568/QĐ-BYT ngày 27/04/2016 của Bộ Y tế:
Nhiệm vụ 1: Thực hiện nhiệm vụ của trạm y tế xã theo quy định tại Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y theo nguyên lí toàn diện và liên tục.
Nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
- Sơ cứu, cấp cứu;
- Khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật, đặc biệt các bệnh dịch;
- Bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm;
- Chăm sóc, khám bệnh, chữa bệnh tại nhà đối với người bệnh
- Thực hiện các dịch vụ kỹ thuật:
• Các gói dịch vụ y tế cơ bản quy định tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế;
• Danh mục kỹ thuật của tuyến 3, tuyến 4 quy định tại Thông tư của Bộ Y tế về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, danh mục kỹ thuật;
• Các kỹ thuật chuyên môn khác, ở tuyến cao hơn khi đủ điều kiện theo quy định.
TYT phải thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh một cách toàn diện. Khám chữa bệnh toàn diện là cung cấp đầy đủ các dịch vụ và thủ thuật lâm sàng cho các vấn đề sức khỏe thông thường của cộng đồng cho mọi lứa tuổi và cả hai giới tại phòng khám, bệnh viện và cộng đồng theo hướng chăm sóc ban đầu, khám chữa bệnh ban đầu, khám sàng lọc, cấp cứu ban đầu…. Nhiệm vụ của cán bộ y tế (bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ…) là cung cấp chăm sóc theo chuyên môn của mình, cả về thể chất, tinh thần, các vấn đề xã hội, phục hồi chức năng, sử dụng thuốc, đảm bảo sự chăm sóc toàn diện cho người bệnh.
Xây dựng năng lực cho cán bộ để thực hiện được các nhiệm vụ của TYT hoạt động theo nguyên lí YHGĐ theo hướng dẫn của thông tư 21/2019 của Bộ Y tế
Chăm sóc liên tục là nguyên lí quan trọng nhất, đối tượng được chǎm sóc liên tục là cả người khỏe và người bệnh. Cùng với việc liên tục chǎm sóc, mối quan hệ lâu dài và tin cậy giữa thầy thuốc và người bệnh sẽ được xây dựng. Mỗi nhân viên y tế (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ,…) đều có những vai trò nhất định công tác CSSK liên tục cho người dân.
Công tác dự phòng: Bác sĩ gia đình không chỉ khám bệnh, chữa bệnh mà còn kết hợp các dịch vụ để tăng cường sức khỏe và dự phòng bao gồm sàng lọc bệnh và tiêm chủng, tổ chức chăm sóc sức khỏe cho bệnh mạn tính.. Tư vấn người dân phòng tránh các nguy cơ, hành vi có hại cho sức khỏe như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, vần động thể chất,…
- Thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về tiêm chủng vắc xin phòng bệnh;
- Giám sát, thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh không lây nhiễm; phát hiện và báo cáo kịp thời các bệnh, dịch;
- Hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về vệ sinh môi trường, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tại cộng đồng; phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn; y tế học đường; dinh dưỡng cộng đồng;
- Tham gia kiểm tra, giám sát và triển khai các hoạt động về an toàn thực phẩm trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.
Hiểu biết đầy đủ về cộng đồng và mô hình bệnh tật của cộng đồng (nơi người bệnh sống và làm việc) là rất cần thiết giúp định hướng chẩn đoán cũng như đưa ra các quyết định can thiệp phù hợp, lựa chọn được các can thiệp dựa trên nguồn lực sẵn có của cộng đồng, để cung cấp được dịch vụ chăm sóc sức khỏe tối ưu cho từng cá nhân.
Nhiệm vụ 2: Thực hiện quản lí sức khỏe cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng theo nguyên lí Y học gia đình
Lập hồ sơ quản lí sức khỏe cá nhân theo Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11 tháng 3 năm 2017 của Bộ Y tế ban hành mẫu hồ sơ quản lí sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu;
Lập hồ sơ quản lí sức khỏe, nhất là ứng dụng bệnh án điện tử một cách đẩy đủ sẽ là một công cụ kết nối hiệu quả, thực hiện hóa chăm sóc liên tục cho mỗi cá nhân trên địa bàn.
Nhiệm vụ 3: Thực hiện chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh theo quy định chuyển tuyến Y học gia đình
Chuyển người bệnh lên tuyến trên theo yêu cầu chuyên môn phù hợp; tiếp nhận người bệnh đã được điều trị ổn định từ tuyến trên chuyển về để tiếp tục điều trị theo quy định tại Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/04/2014 của Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Để thực hiện việc chuyển tuyến được hiệu quả, các bác sĩ ở TYT cần chủ động xây dựng hệ thống phối hợp, kết nối hiệu quả với y tế tuyến trên, các chuyên gia, chuyên khoa và lĩnh vực liên quan. Việc chia sẻ và kết nối thường xuyên sẽ giúp cho người bệnh và cả bác sĩ gia đình trong việc nâng cao trình độ và quản lí, chăm sóc người bệnh được tốt hơn. Bác sĩ gia đình cũng là người điều phối khi người bệnh mắc nhiều loại bệnh, đang điều trị từ nhiều chuyên khoa khác nhau. Khi người bệnh cần được khám chữa bệnh bởi các bác sĩ thuộc chuyên khoa khác nhau, bác sĩ gia đình sẽ là người điều phối giúp người bệnh có kế hoạch CSSK lồng ghép, tránh được chồng chéo, rủi ro.
Nhiệm vụ của cán bộ y tế xã là phối hợp với nhau trong nhóm chăm sóc đa ngành. Nếu như trước đây, các cán bộ y tế thường độc lập thực hiện các dịch vụ chăm sóc theo lĩnh vực chuyên ngành, Y học gia đình đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, đa ngành
cho một người bệnh cụ thể. Việc phối hợp đa ngành ngày càng trở nên cần thiết, khi nhu cầu của người bệnh không chỉ là điều trị một bệnh, mà nhiều bệnh, không chỉ dùng thuốc mà còn phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ…
Nhiệm vụ 4: Thực hiện tư vấn sức khỏe, sàng lọc, tầm soát phát hiện bệnh sớm
- Tư vấn về dinh dưỡng, hoạt động thể lực, phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia và yếu tố nguy cơ khác, tư vấn về khám bệnh, chữa bệnh cho cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng;
- Truyền thông, giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh tích cực và chủ động, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe;
- Hướng dẫn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm;
- Tham gia giám sát, phát hiện sớm, phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng;
- Tiêm chủng;
- Phòng chống các bệnh không lây nhiễm: ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.
Bác sĩ gia đình thường sử dụng một số công cụ để đánh giá tác động của gia đình, như cây phả hệ, sơ đồ gia đình, chỉ số APGAR, đánh giá SCREEM, chuỗi sự kiện gia đình.
Nhiệm vụ 5: Tham gia các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời
- Chẩn đoán phân biệt và lựa chọn điều trị nguyên nhân và triệu chứng.
- Hỗ trợ về tâm lý và xã hội giúp cho người bệnh sống tích cực và chuẩn bị cho cái chết, giúp tiếp cận các dịch vụ lâm sàng và tuân thủ các chế độ điều trị đặc hiệu, giúp gia đình người bệnh đối phó với tình trạng bệnh tật của người thân và khi người thân qua đời.
- Dự đoán và lập kế hoạch giải quyết những triệu chứng tiềm tàng và những vấn đề
tâm lý xã hội có thể xảy ra,
- Bảo vệ người bệnh khỏi những can thiệp y tế không thích hợp.
Nhiệm vụ 6: Được thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tại gia đình người bệnh
Gồm 51 dịch vụ được ban hành kèm theo Thông tư số 21/2019/TT-BYT, ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Bộ Y tế hướng dẫn thí điểm về y học gia đình: khám bệnh, kê đơn thuốc một số bệnh thường gặp; thực hiện thủ thuật: thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu để xét nghiệm, khí dung, tiêm, truyền dịch,… khi cần thiết.
Nhiệm vụ 7: Tham gia nghiên cứu khoa học và đào tạo về Y học gia đình và
các vấn đề liên quan; là cơ sở đào tạo thực hành chuyên ngành Y học gia đình.
Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ như đã nêu và phân tích, TYT cũng đồng thời trở thành một cơ sở thực hành, góp phần đào tạo cho các lớp cán bộ y tế kế tiếp về chuyên ngành Y học gia đình. Dữ liệu thông tin y tế được lưu giữ, như bệnh án điện tử, các số liệu về tình hình bệnh tật, yếu tố nguy cơ sức khỏe là nguồn thông tin quí để bác sĩ gia đình tham gia vào các nghiên cứu khoa học, nhằm nâng cao chất lượng CSSK cho người dân.
|