Là bệnh lý rất thường gặp ở các bệnh nhân BPTNMT.
Các nghiên cứu tổng quan cho thấy, loãng xương gặp ở 38% bệnh nhân BPTNMT. Các yếu tố nguy cơ của loãng xương bao gồm: BMI < 18.5kg/m2, suy nhược cơ thể, giãn phế nang. Trong khi đó, FEV1 hầu như không liên quan tới bệnh lý này.
Hút thuốc lá, giảm hoạt động thể lực, nhẹ cân, nồng độ vitamin D thấp là những yếu tố góp phần gây loãng xương. Phát hiện sớm chỉ số khoáng của xương thấp và bắt đầu điều trị sớm là biện pháp căn bản ngăn ngừa gẫy xương do loãng xương.
Chỉ số khoáng của xương thấp, gãy xương thường gặp ở các bệnh nhân BPTNMT, thậm chí ngay cả sau khi đã điều chỉnh các chỉ số: sử dụng corticoid, tuổi, số bao - năm, hiện đang hút thuốc, và các đợt cấp.
Việc chẩn đoán loãng xương ở bệnh nhân BPTNMT thường được hướng tới ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ nêu trên, hình ảnh X quang các xương ghi nhận dấu hiệu tăng thấu quang, và giảm mật độ các bè xương, xẹp, lún đốt sống. Đo mật độ xương toàn thân với phương pháp DEXA ghi nhận chỉ số T-Score < -2.5.
Mối liên quan giữa loãng xương với dùng corticoid đường phun - hít đã được ghi nhận qua một số nghiên cứu, tuy nhiên, trên nhiều nghiên cứu khác thì không thấy có sự liên quan rõ ràng.
Corticoid đường toàn thân làm gia tăng nghiêm trọng nguy cơ loãng xương, do vậy, nên tránh sử dụng corticoid trong điều trị các đợt cấp nếu có thể
Loãng xương nên được điều trị đầy đủ theo các khuyến cáo hiện tại, các điều trị bao gồm: bổ sung canxi, vitamin D, thuốc nhóm bisphosphonat, hormon cận giáp. Trường hợp bệnh nhân đau nhiều được chỉ định sử dụng các thuốc giảm đau nhóm paracetamol, và có thể kết hợp các thuốc NSAID.
|