Phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật là một nội dung quan trọng của phục hồi chức năng (PHCN) và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCNDVCĐ).
Trong những năm gần đây Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ LĐTBXH, các Bộ/ngành và Chính quyền địa phương rất quan tâm đến công tác phục hồi chức năng nói chung và hoạt động phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật nói riêng; đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển công tác PHCN. Hệ thống khám, chữa bệnh, PHCN, các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở giáo dục trẻ em khuyết tật ở nước ta ngày càng phát triển rộng khắp từ tuyến trung ương đến xã, phường và cộng đồng. Chất lượng chăm sóc, khám, chữa bệnh, PHCN và năng lực cung cấp dịch vụ ngày càng được cải thiện. Mỗi năm có hàng triệu người bao gồm: Người khuyết tật, đối tượng trợ giúp xã hội và người dân nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng được chăm sóc, PHCN, cải thiện chức năng, xóa bỏ mặc cảm, vươn lên hòa nhập cộng đồng, góp phần an sinh xã hội và phát triển đất nước.
Ngày 29 tháng 3 năm 2012, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 970/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật”. Bộ tài liệu này gồm: Tài liệu: “Hướng dẫn phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật” (dành cho cán bộ quản lý); Tài liệu: “Hướng dẫn phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật” (dành cho cán bộ y tế); Tài liệu: “Hướng dẫn chăm sóc dinh dưỡng cho (dành cho cán bộ y tế và các bà mẹ). Bộ tài liệu này đã được biên soạn công phu với sự tham gia của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm về trẻ khuyết tật trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Quyết định nêu trên, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các kiến thức về phát hiện sớm, can thiệp sớm với trẻ khuyết tật trên thế giới cũng như tại Việt Nam có nhiều tiến bộ. Để kịp thời cập nhật, bổ sung các nội dung hướng dẫn mới, bổ sung hướng dẫn phát hiện sớm, can thiệp sớm một số dạng khuyết tật chưa được đề cập trong Quyết định số 970/QĐ-BYT nêu trên, đồng thời cập nhật các phương pháp mới, kỹ thuật mới trong phát hiện sớm, can thiệp sớm với trẻ khuyết tật, ngày 26 tháng 8 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2318/QĐ-BYT về thành lập Ban soạn thảo, Tổ Biên tập Bộ tài liệu “Hướng dẫn phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật”.
Quan điểm biên soạn tài liệu: Ban soạn thảo đã kế thừa các nội dung của Bộ tài liệu ban hành kèm theo Quyết định số 970/QĐ-BYT năm 2012 có cập nhật, bổ sung các nội dung hướng dẫn mới, một số dạng khuyết tật phổ biến tại Việt Nam. Ban Biên soạn đã tham khảo tài liệu về PHCN, PHCNDVCĐ, hướng dẫn phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật của WHO, UNICEF, tham khảo ý kiến của các chuyên gia PHCN trong nước và quốc tế để điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam, Bộ tài liệu gồm:
- Tài liệu 1: Hướng dẫn tổ chức thực hiện Phát hiện sớm - Can thiệp sớm.
- Tài liệu 2: Hướng dẫn Phát hiện sớm - Can thiệp sớm một số dạng khuyết tật thường gặp.
Bộ Tài liệu này sử dụng cho cán bộ quản lý chương trình PHCNDVCĐ, cán bộ y tế từ tuyến trung ương đến cộng đồng; các cha mẹ, người thân, gia đình có trẻ em nghi ngờ rối loạn phát triển hoặc bị khuyết tật; các giáo viên, cộng tác viên PHCNDVCĐ, người chăm sóc trẻ tham khảo tài liệu nhằm hỗ trợ phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật.
Bộ Y tế đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ quý báu về kỹ thuật và nguồn lực của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) thông qua Dự án “Tăng cường Năng lực Mạng lưới Dịch vụ và Trị liệu cho Trẻ em Khuyết tật từ 0 đến 6 tuổi” (Dự án DISTINCT) do Trung tâm Phát triển Sức khoẻ Bền vững (VietHealth), các chuyên gia PHCN của Hội PHCN Việt Nam, Hội đồng thẩm định và nghiệm thu tài liệu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các thành viên Ban soạn thảo và Tổ Biên tập.
Sau nhiều lần hội thảo, xin ý kiến đóng góp của các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực PHCN, đến nay, bộ tài liệu “Hướng dẫn phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật” đã hoàn thiện.
Mặc dù, Ban Biên soạn đã hết sức cố gắng nhưng Bộ tài liệu khó tránh khỏi thiếu sót. Bộ Y tế kính mong bạn đọc gửi những nhận xét, phản hồi về Bộ tài liệu này để những lần tái bản sau được hoàn chỉnh hơn. Các góp ý, xin gửi về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh): địa chỉ 138A Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội.
|