Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


2.2. Triệu chứng lâm sàng

(Tham khảo chính: 5186/QĐ-BYT )

2.2.1. Giang mai mắc phải

  1. a) Giang mai thời kỳ I

- Biểu hiện lâm sàng đặc trưng: săng đơn độc, xuất hiện tại nơi xoắn khuẩn xâm nhập vào cơ thể, thường ở âm đạo, dương vật, hậu môn (hoặc có thể ở những vị trí ngoài sinh dục). Săng thường xuất hiện khoảng 3 tuần sau lây nhiễm (khoảng 9-90 ngày), có thể hết trong vòng 3-10 tuần dù điều trị hay không. Người bệnh có thể không để ý khi thấy xuất hiện săng hoặc thấy săng tự mất.

 - Nếu không được chẩn đoán và điều trị trong thời kỳ này, sau 4-8 tuần từ khi xuất hiện tổn thương ban đầu, bệnh sẽ tiến triển sang giang mai thời kỳ II.

  1. b) Giang mai thời kỳ II

- Biểu hiện lâm sàng đặc trưng: tổn thương da và niêm mạc, lan rộng.

+ Đào ban có hình thái đa dạng, có thể giống với tổn thương ban/dát đỏ ở các bệnh lý khác. Nhưng tổn thương trong giang mai đặc trưng ở vị trí lòng bàn tay, bàn chân, tổn thương đối xứng hai bên và không ngứa. Tổn thương cũng có thể rất kín đáo, dễ bị bỏ qua trên lâm sàng.

+ Mảng niêm mạc: các vết trợt màu trắng, hay gặp ở niêm mạc miệng, lưỡi, sinh dục.

+ Sẩn giang mai: màu đỏ hồng, hình bán cầu, xung quanh có viền vảy (viền vảy Biett), có thể xuất hiện ở các vùng da khác nhau, đa dạng về hình thái (sẩn dạng vảy nến, sẩn dạng trứng cá, sẩn dạng thuỷ đậu, sẩn loét). Sẩn sùi giang mai (condylomata lata) thường xuất hiện ở các vị trí nóng, ẩm như hậu môn, âm hộ. Đây là các tổn thương trợt nông màu trắng/xám, nổi gồ cao, là kết quả của sự lây lan xoắn khuẩn giang mai từ tổn thương tiên phát.

+ Có thể đi kèm các triệu chứng không đặc hiệu khác như mệt, sốt, nổi hạch vùng, rụng tóc, đau đầu.

- Triệu chứng của giang mai thời kỳ II có thể tự mất đi dù không điều trị gì. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển sang giang mai kín. Người bệnh trong thời kỳ giang mai II có nguy cơ cao lây nhiễm cho người khác.

  1. c) Giang mai kín (giang mai tiềm ẩn)

- Không có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng. Vì thế, chỉ có thể phát hiện bằng xét nghiệm huyết thanh.

- Được chia làm 2 giai đoạn: giang mai kín sớm (thời gian mắc £ 2 năm) và giang mai kín muộn (thời gian mắc > 2 năm). Những bệnh nhân không biết chắc chắn thời gian nhiễm bệnh nên được điều trị theo phác đồ giang mai kín muộn. Giang mai lây truyền qua đường tình dục thường chỉ xảy ra ở giang mai thời kỳ I, thời kỳ II và giang mai kín sớm. Tuy nhiên, lây truyền từ mẹ sang con thì có thể xảy ra sau nhiều năm kể từ thời điểm nhiễm khuẩn ban đầu.

- Nếu không được chẩn đoán và điều trị, hầu hết bệnh nhân vẫn ở giai đoạn giang mai kín. Khoảng 25% bệnh nhân sẽ tiến triển thành giang mai thời kỳ III.

  1. d) Giang mai thời kỳ III

- Bệnh ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể, có thể xảy ra sau thời điểm nhiễm khuẩn ban đầu thậm chí ³ 30 năm.

- Biểu hiện lâm sàng đặc trưng: biểu hiện thần kinh (giang mai thần kinh), biểu hiện tim mạch (giang mai tim mạch) và các tổn thương gôm giang mai.

+ Giang mai thần kinh có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh, thậm chí trong vài tháng đầu. Các triệu chứng thần kinh sớm bao gồm: thay đổi trạng thái tâm thần cấp tính, viêm màng não, đột quỵ, rối loạn chức năng dây thần kinh sọ, bất thường về thính giác, mắt và thị giác. Giang mai thần kinh muộn có thể xảy ra 10-30 năm hoặc lâu hơn kể từ thời điểm mắc bệnh và đặc trưng bởi tổn thương các rễ thần kinh sau của cột sống và liệt nhẹ toàn thể.

+ Giang mai tim mạch thường biểu hiện: viêm động mạch chủ, phình động mạch chủ, hở van động mạch chủ, hẹp động mạch vành, một số trường hợp có thể có viêm cơ tim.

+ Gôm giang mai: là thương tổn đặc trưng của giang mai thời kỳ III. Gôm là thương tổn chắc ở hạ bì, tiến triển qua 4 giai đoạn: ban đầu là những cục dưới da, các cục này dần to ra, mềm, vỡ chảy dịch dính giống như nhựa cao su tạo thành vết loét; vết loét dần lên da non rồi thành sẹo. Gôm có thể nhiều hoặc ít và có thể khu trú ở bất kỳ chỗ nào. Vị trí thường gặp là mặt, da đầu, mông, đùi, mặt ngoài phần trên cẳng chân… Ở niêm mạc, vị trí thường gặp là miệng, môi, vòm miệng, lưỡi, mũi, hầu…, ngoài ra có thể có gôm trong não.

2.2.2. Giang mai bẩm sinh

- Giang mai bẩm sinh được xác định khi:

+ Sảy thai, thai chết lưu hoặc trẻ được sinh ra từ tuần thứ 20 của thai kỳ trở đi hoặc cân nặng trên 500gam (tương đương tuổi thai 20 tuần trở lên), có mẹ xét nghiệm huyết thanh giang mai dương tính và không được điều trị đúng, đủ;

+ Trẻ sinh ra dưới 2 tuổi, có triệu chứng lâm sàng của giang mai bẩm sinh hoặc có xét nghiệm giang mai dương tính (xem phần chẩn đoán giang mai bẩm sinh).

 - Biểu hiện thường gặp nhất của giang mai bẩm sinh là thai lưu hoặc đẻ non ở 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Vì vậy, tất cả các bà mẹ bị thai lưu cần làm xét nghiệm huyết thanh giang mai. Ở hầu hết các quốc gia, đa số giang mai bẩm sinh gây hậu quả thai chết lưu và những trường hợp này thường bỏ sót nguyên nhân thai chết lưu do giang mai.

 - Trẻ em được sinh ra từ những bà mẹ có xét nghiệm huyết thanh giang mai dương tính cần được khám, phát hiện những dấu hiệu, triệu chứng của giang mai bẩm sinh sớm bao gồm: bọng nước, viêm mũi, viêm thanh quản, hạch, gan lách to, viêm xương sụn, viêm màng bụng, viêm màng não, viêm màng mạch-võng mạc.

 - Biểu hiện của giang mai bẩm sinh muộn ở trẻ > 2 tuổi bao gồm: viêm mắt, tai, khớp, dị dạng xương và các di chứng do các thương tổn của giang mai bẩm sinh sớm.

 - Tuy nhiên, rất nhiều trẻ sơ sinh bị giang mai mà không có các dấu hiệu, triệu chứng rõ ràng, điển hình.

Tải về tài liệu chính https://bsgdtphcm.vn/api/upload/202402035186_QD-BYT_493851.doc.....(xem tiếp)

  • 2.1. Các giai đoạn của giang mai
  • 2.2. Triệu chứng lâm sàng
  • 2.3. Cận lâm sàng
  • 2.4. Chẩn đoán xác định
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    kinh phí nghiên cứu

    Q-codes.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Cấp cứu ngừng thở

    DỰ ÁN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ PHỤC VỤ CẢI CÁCH HỆ THỐNG Y TẾ.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Dự phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

    DỰ ÁN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ PHỤC VỤ CẢI CÁCH HỆ THỐNG Y TẾ.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    Đau thứ phát do các bệnh lý khác
    Làm sao biết mình có bị HPV hay không?
    88 Vũ Thái Công - COPD
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space