Logo Xem trang đào tạo trực tuyến arrow1
space


Điều trị, quản lý người bệnh tại Đơn vị lọc máu

(Tham khảo chính: 1470/QĐ-BYT )

  1. Xác định trường hợp và phân loại
  2. Sàng lọc và phân loại tất cả người bệnh ở Đơn vị lọc máu để phân loại người bệnh thuộc nhóm mắc COVID-19, nghi ngờ mắc COVID-19, hoặc đã tiếp xúc với người mắc COVID-19, hoặc không/ít có nguy cơ mắc COVID-19.
  3. Với người bệnh đã thông báo có sốt, các triệu chứng liên quan đến COVID-19 cho Đơn vị lọc máu trước khi đến, khi người bệnh đến sẽ được tầm soát COVID-19 và đánh giá tại khu dành cho người bệnh nghi ngờ COVID-19.
  4. Thiết lập lối vào riêng cho:

- Người bệnh không/ít có nguy cơ mắc COVID-19.

- Người bệnh nghi ngờ hoặc mắc COVID-19 hoặc đã tiếp xúc với người mắc COVID-19

  1. Điều trị, quản lý người bệnh được chạy thận nhân tạo (CTNT)
  2. Thiết lập và rà soát cơ sở vật chất khoa phòng để giảm thiểu lây nhiễm chéo để người bệnh được CTNT theo các nhóm đã được phân loại dựa trên tình trạng COVID-19 (theo điểm a, mục 1).
  3. Đảm bảo lịch CTNT có thể đáp ứng thích hợp nhu cầu làm sạch, khử khuẩn cho bất cứ khu vực nào trong các Đơn vị lọc máu.
  4. Lau khử khuẩn bề mặt, làm sạch các trang thiết bị sau mỗi ca CTNT (ví dụ: Sanosin S010, Meliseptol, Anios spray, Aniosxim X3…). Khử khuẩn trang thiết bị, thông khí phòng vào cuối mỗi ngày làm việc theo đúng quy định hiện hành
  5. Tất cả người bệnh và người chăm sóc phải được rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn nhanh trước khi vào phòng CTNT
  6. Nếu người bệnh CTNT được nghi ngờ hoặc mắc COVID-19:

- Trước khi lọc máu hãy làm nhanh xét nghiệm COVID-19, đánh giá các triệu chứng, đánh giá xem có thể trì hoãn CTNT cho đến khi tình trạng COVID-19 của họ được xác định.

- Có thể cần phải CTNT trước khi có kết quả xét nghiệm, sau đó quản lý, điều trị người bệnh theo tình trạng COVID-19 dựa trên kết quả xét nghiệm.

- Nếu người bệnh âm tính với COVID-19 và có các triệu chứng, hãy đảm bảo rằng các giải thích khác cho các triệu chứng đã được xem xét. Ở lần đánh giá tiếp theo, thực hiện xét nghiệm lại COVID-19 nếu vẫn còn nghi ngờ lâm sàng về COVID-19.

- Được CTNT tại khu vực cách ly của Bệnh viện hoặc tại một Bệnh viện khác được chỉ định bởi Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố.

- Được CTNT ở ca sau cùng trong ngày cho đến khi loại trừ mắc COVID-19.

- Nếu có chỉ định làm đường vào mạch máu, cần xét nghiệm tầm soát COVID-19 trước, sau đó thực hiện tại phòng được chỉ định với các trang thiết bị và phương tiện phòng hộ cá nhân thiết yếu cho nhân viên y tế.

  1. Vận chuyển và lọc máu người bệnh F1 thận nhân tạo chu kì: các người bệnh thận nhân tạo chu kì là đối tượng F1 phải được chia nhóm nhỏ cố định (số lượng người trong nhóm phụ thuộc xe vận chuyển, phòng cách ly và phòng lọc máu). Khuyến khích vận chuyển người bệnh bằng xe riêng. Trong trường hợp sử dụng các phương tiện chuyên chở đông người để vận chuyển nhóm người bệnh (buýt, xe tải....) giữ đúng khoảng cách 2m. Trong quá trình cách ly và vận chuyển, nhóm này không được tiếp xúc với nhóm khác, đi tuyến cố định, tránh ra vào cùng một tuyến đường hay cùng lúc. Giữ ca CTNT và máy CTNT cố định.
  2. Trong phòng CTNT: người bệnh không được gần nhau, khoảng cách tối thiểu 2 mét. Khu vực chờ và điều trị phải có thông khí tốt.
  3. Nhân viên y tế chăm sóc người bệnh: phải được trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân thiết yếu theo đúng quy định.
  4. Nếu có người bệnh nghi ngờ hoặc được xác định mắc COVID-19 trong Đơn vị lọc máu, phải khử khuẩn Đơn vị lọc máu ngay lập tức.
  5. Các chất thải từ người bệnh nhiễm hay nghi ngờ nhiễm phải được xem là chất thải y tế truyền nhiễm và xử lý theo đúng quy định.
  6. Thông báo với Bộ Y tế, Sở Y tế, Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố nếu có trường hợp nghi ngờ hoặc xác nhận mắc COVID-19 theo đúng quy định hiện hành.
  7. Nếu người bệnh CTNT có thành viên trong gia đình thuộc diện cách ly thì phải được CTNT tại phòng dành cho người nghi ngờ mắc COVID-19 tại khu cách ly.
  8. Nếu thành viên trong gia đình người bệnh CTNT được xác định mắc COVID-19, thì người bệnh sẽ được nâng cấp lên theo các khuyến nghị ở trên.
  9. Điều trị và quản lý người bệnh lọc màng bụng (LMB).

3.1. Lọc màng bụng tại nhà

  1. Người bệnh cần được cung cấp dịch LMB và đủ thuốc dùng tối đa 3 tháng.
  2. Tăng cường hỗ trợ, tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa cho người bệnh.
  3. Tăng cường giáo dục vệ sinh cho người bệnh
  4. Điều dưỡng phải liên lạc với người bệnh thường xuyên nhằm phát hiện và xử lý tốt nhất trường hợp nguy hiểm và nghiêm trọng một cách kịp thời để hạn chế tối đa các chuyến thăm khám trực tiếp đột xuất hoặc khẩn cấp.
  5. Người bệnh phải đến cơ sở khám, chữa bệnh trong những trường hợp cần thiết như viêm phúc mạc, tắc dịch lọc màng bụng, nhiễm trùng lối thoát, hoặc dịch ra thiếu hoặc người bệnh mới được huấn luyện. Người bệnh phải sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn nhanh sau khi rời cơ sở khám, chữa bệnh hoặc tiếp xúc với nhân viên y tế.

3.2. Điều trị và quản lý cho người bệnh LMB mắc COVID-19:

  1. Điều trị COVID-19 cho người bệnh LMB theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19.
  2. Các trường hợp người bệnh nhẹ hoặc trung bình, đang điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục thực hiện LMB như bình thường.
  3. Trường hợp người bệnh LMB mắc COVID-19 có diễn tiến nặng hơn có thể tạm thời chuyển sang LMB bằng máy hoặc lọc máu liên tục.
  4. Về xử lý dịch thải của người bệnh LMB: (không khác gì người bệnh LMB không mắc COVID-19) hoặc khử khuẩn bằng cách thêm vào 500mg/l dịch chứa clo một giờ trước khi xả vào toilet. Điều quan trọng là tránh để văng dịch ra ngoài khi bỏ dịch.

3.3. Ưu tiên Lọc màng bụng trong dịch COVID-19

  1. Trong tình hình dịch bệnh COVID-19, lựa chọn các phương pháp thay thế thận để giảm khả năng nhiễm trùng cụm. Thực hiện LMB tại nhà cho người bệnh có nhiều lợi ích so với phương pháp CTNT, như:

- Người bệnh được điều trị tại nhà, giảm tần suất đến bệnh viện khám.

- Giảm nguy cơ lây nhiễm.

- Chủ động thời gian điều trị.

- Giảm tải bệnh viện, giảm nguy cơ cho nhân viên y tế và cộng đồng.

- Người bệnh tự thực hiện được LMB (sự trợ giúp của nhân viên y tế là tối thiểu)

  1. Ưu tiên chỉ định LMB tại nhà cho các trường hợp sau:

- Đối với những trường hợp lọc máu mới, nếu không có chống chỉ định tuyệt đối.

- Nếu người bệnh CTNT được cho là có nguy cơ cao mắc COVID-19 và điều trị tại nhà có lợi cho người bệnh, thì cân nhắc đổi sang phương pháp LMB.

- Nếu người bệnh CTNT nghi ngờ hay xác định mắc COVID-19 phải lọc máu cách ly; nhưng nếu Đơn vị lọc máu không đủ điều kiện để tiến hành lọc máu cách ly, thì cân nhắc đổi sang phương pháp LMB.

Chống chỉ định tuyệt đối LMB cho những trường hợp sau:

- Màng bụng không còn chức năng lọc, bị kết dính diện rộng làm cản trở dòng chảy của dịch lọc.

- Trong trường hợp không có người hỗ trợ phù hợp, đặc biệt với người bệnh có vấn đề thể chất hoặc tinh thần không có khả năng tự chăm sóc.

- Không thể điều chỉnh khiếm khuyết để ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng khi làm LMB (ví dụ: thoát vị...)

  1. Trong dịch COVID-19, đặt catheter màng bụng trong LMB và các đường vào mạch máu khác được xem là thủ thuật “khẩn/cấp cứu” ưu tiên cho những người bệnh thận mạn giai đoạn cuối.
  2. Lọc màng bụng sớm.

- Thông thường, LMB sẽ bắt đầu sau khi đặt catheter cho người bệnh 2 tuần để có thời gian lành vết thương và người bệnh hay người nhà được hoàn tất huấn luyện. Tuy nhiên, nếu cần thiết, người bệnh có thể bắt đầu LMB ngay sau khi đặt catheter với máy Lọc màng bụng.

- Giai đoạn dịch bệnh COVID-19, nếu quá tải Bệnh viện, nên lựa chọn Lọc màng bụng sớm cho những người bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Lọc màng bụng sớm không chỉ giúp bảo tồn nguồn lực, mà còn làm giảm nguy cơ lây mắc COVID-19 do giảm tiếp xúc với nhân viên y tế và những người khác tại Bệnh viện và Đơn vị lọc máu.

- Trong dịch COVID-19, nhằm giảm tải cho Bệnh viện và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, ưu tiên thực hiện LMB sớm sau khi cân nhắc những yếu tố sau:

+ Chọn lựa người bệnh đáp ứng được phương pháp LMB bằng máy.

+ Đặt catheter LMB sớm

- Bắt đầu LMB sớm tại Đơn vị lọc máu, đồng thời hướng dẫn người bệnh, người chăm sóc sử dụng máy LMB thành thạo để người bệnh xuất viện sớm và thực hiện LMB tại nhà.

Tải về tài liệu chính https://bsgdtphcm.vn/api/upload/202104061470_QD-BYT_466840.doc .....(xem tiếp)

  • Khuyến nghị cho người bệnh thận mạn giai đoạn cuối
  • Nguyên tắc chung đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trong điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch COVID-19
  • Điều trị, quản lý người bệnh tại Đơn vị lọc máu
  • space
    Tài liệu đào tạo liên tục
    1-hình 1
    đào tạo liên tục

    Q-codes.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Đặc điểm bệnh nhân

    ICPC.....(xem tiếp)

    1-hình 1
    Các vấn đề của mô mềm - xương - thành ngực

    CME.....(xem tiếp)

    Kiến thức nhanh
    Thông tin hành chánh
    Viêm thần kinh tiền đình
    Skin tag (molluscum fibrosum gravidarum)
    

    Phụ trách admin BS Trần Cao Thịnh Phước (phuoctct@pnt.edu.vn)

    Phụ trách chuyên môn TS Võ Thành Liêm (thanhliem.vo@gmail.com)

    space