Block nhĩ thất độ II Mobitz 1 (Wenkebach)
Block nhĩ thất độ II Mobitz 1 (còn được gọi là chu kỳ Wenckebach) xảy ra khi có sự ức chế dẫn truyền không đều qua nút nhĩ thất (AV), do đó một số sóng P không có phức bộ QRS theo sau. Không giống như block nhĩ thất độ I, tỷ lệ sóng P / phức bộ QRS không còn là 1: 1. Block nhĩ thất độ II Mobitz I đặc trưng bởi tình trạng ức chế dẫn truyền qua nút nhĩ thất tăng dần (thể hiện bằng khoảng PR kéo dài qua từng chu kỳ) cho đến khi 1 sóng P không thể dẫn qua nút nhĩ thất (thể hiện bằng có sóng P phối hợp mất sóng QRS). Phối hợp các hiện tượng này tạo thành thể khoảng PR dài dần cho đến xuất hiện sóng P đơn độc và mất QRS. Thời gian giữa các sóng P là đều nhau, thời gian giữa các sóng QRS sẽ dài dần ra và mất sau vài nhịp mang tính chất chu kỳ. Phức bộ QRS không đều nhưng có quy luật (gọi là các nhát bóp theo nhóm: grouped beating).
Block AV độ II Mobitz I xảy ra khi dẫn truyền trong nút nhĩ thất bị ức chế chứ không nhất thiết phải có bệnh lý về dẫn truyền, do đó thường không cần đặt máy tạo nhịp. Đây là điểm khác biệt với các loại block nhĩ thất cao độ (độ II mobitz 2 và độ III). Block nhĩ thất độ II Mobitz I có thể do thuốc ức chế dẫn truyền nhĩ thất hoặc cường dây thần kinh phế vị. Thiếu máu cục bộ tại nút AV trong NMCT thành dưới cũng có thể gây ra block nhĩ thất.
Lưu ý rằng nếu hiện tượng block này xuất hiện ở tỷ lệ 2:1 (2 sóng P , 1 sóng QRS) thì sẽ không thể đánh giá được tình trạng kéo dài thời gian của khoảng PR. Ví dụ như hình ở dưới đây, chúng ta sẽ không thể đánh giá là khoảng PR có kéo dài ra không để phân định hai dạng block độ II mobitz 1 và 2
Khi có block Nhĩ thất 2:1, có thể là block nhĩ thất độ II Mobitz I hoặc Mobitz II. Có thể làm nghiệm pháp cho bệnh nhân vận động gắng sức sẽ làm tăng dẫn truyền qua nút nhĩ thất và giúp phân biệt hai chẩn đoán này. Nếu có block nhĩ thất độ II Mobitz I, thì nhịp tim sẽ tăng lên và sự kéo dài dần dần của các khoảng PR sẽ dễ thấy hơn, không tương xứng với nhịp nhanh của tim. Nếu là block nhĩ thất độ II Mobitz II thì không có thay đổi gì sau vận động.
Điểm giúp phân biệt là dựa vào các đoạn PR xuất hiện ngay trước và sau phức bộ P mất QRS. Do đoạn PR ngay trước thường dài nhất và PR ngay sau là ngắn nhất nên sẽ giúp so sánh phát hiện sự khác nhau về thời gian của 2 đoạn PR này, giúp chẩn đoán Mobitz 1, nếu thời gian này là bằng nhau thì là Mobitz 2.
Một điểm cũng cần lưu ý trong chẩn đoán phân biệt là ngoại tâm thu nhĩ dầy cũng giống như block nhĩ thất độ II. Điểm đặc trưng của ngoại tâm thu nhĩ là:
- Sóng P có hình dáng khác với sóng P của nhịp bình thường (không còn hình ảnh đặc thù DII, V1)
- Sóng P đến sớm hơn so với sóng P của nhịp bình thường
ECG ví dụ:
Tài liệu tham khảo:
1. Surawicz B, et al. Circulation. 2009;119:e235-240.
2. Chou's Electrocardiography in Clinical Practice: Adult and Pediatric, 6e
|