a) Trẻ dưới 6 tháng
- Trẻ cần được bú sớm trong vòng 1 giờ sau sinh.
- Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không cho trẻ ăn hoặc uống thêm bất cứ loại thức ăn, nước uống nào khác kể cả nước trắng.
- Bú theo nhu cầu của trẻ. Cho trẻ bú cả ngày và đêm. Bà mẹ nên cho còn bú từ 8-12 lần trong 24h, cách 1-3 tiếng. Trẻ càng bú nhiều và được ngậm bắt vú đúng thì mẹ sẽ càng tiết nhiều sữa.
- Trẻ khóc là dấu hiệu muộn của đói. Bà mẹ cần học để phát hiện những dấu hiệu sớm cho thấy trẻ muốn bú mẹ là:
+ Ngọ ngoạy không nằm yên
+ Mở miệng và quay đầu sang hai bên.
+ Đưa lưỡi ra vào.
+ Mút ngón tay hoặc nắm tay.
- Cần nhận biết các trường hợp bà mẹ không đủ sữa để tìm hiểu nguyên nhân giúp bà mẹ có thể tiếp tục NCBSM hoặc xác định các tình huống cần hỗ trợ khác để giúp bà mẹ.
- Cho trẻ bú hết một bên bầu vú mới chuyển sang bên tiếp theo để giúp trẻ nhận được cả sữa đầu và sữa cuối cữ bú.
Bảng 7: Những dấu hiệu giúp bà mẹ nhận biết là trẻ không được bú đủ
Các dấu hiệu chắc chắn
|
- Trẻ đi tiểu ít (dưới 6 lần/ngày) và nước tiểu cô đặc, nặng mùi và có màu vàng
|
- Trẻ tăng cân kém: Dưới 500g/tháng
|
Các dấu hiệu không chắc chắn (có thể có nguyên nhân khác cần xác định rõ)
|
- Trẻ không thỏa mãn sau mỗi bữa bú
- Trẻ khóc thường xuyên
- Các bữa bú quá gần nhau
- Bữa bú của trẻ kéo dài
- Trẻ không chịu bú mẹ
- Trẻ đi ngoài phân rắn hoặc xanh, đôi khi đi ngoài ít phân
- Khi mẹ vắt sữa không thấy sữa chảy ra
- Hai bầu vú bà mẹ không to lên trong khi có thai
- Sữa không “về” sau khi sinh
|
b) Trẻ từ 6 đến 12 tháng
- Bắt đầu ăn dặm khi trẻ tròn 6 tháng tuổi (180 ngày tuổi).
Nguyên tắc cho trẻ ăn bổ sung
- Cho trẻ ăn từ mềm tới đặc (thời gian tập cho ăn bột loãng chỉ từ 2-3 ngày, sau đó cho ăn đặc dần), từ ít tới nhiều, tập cho trẻ ăn quen dần với thức ăn mới.
- Số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi, đảm bảo thức ăn hợp khẩu vị cho trẻ.
- Chế biến thức ăn hỗn hợp giàu dinh dưỡng, sử dụng các thức ăn có sẵn ở địa phương.
- Bát bột, bát cháo của trẻ ngoài bột, cháo ra còn cần thêm nhiều loại thực phẩm khác, tạo nên màu sắc thơm ngon, hấp dẫn và đủ chất.
- Khi chế biến, đảm bảo thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt, dễ tiêu.
- Tăng thêm năng lượng của thức ăn bổ sung bằng cách cho thêm dầu hoặc mỡ hoặc vừng, lạc (mè, đậu phộng) làm cho bát bột vừa thơm, vừa béo, mềm, trẻ dễ nuốt, lại cung cấp thêm năng lượng giúp trẻ mau lớn.
- Đảm bảo vệ sinh ăn uống, chế biến thực phẩm cho trẻ để tránh gây rối loạn tiêu hóa. Rửa sạch tay trước khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn.
- Không cho trẻ ăn bánh, kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn vì chất ngọt làm tăng đường huyết, gây ức chế tiết dịch vị, làm trẻ chán ăn, trẻ sẽ bỏ bữa hoặc ăn ít đi trong bữa ăn.
- Khi cho trẻ ăn cần kiên nhẫn, luôn khuyến khích động viên để trẻ ăn tốt hơn.
- Đa dạng hóa các loại thực phẩm trong mỗi bữa ăn. Thành phần của bữa ăn dặm phải đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng thực phẩm cơ bản trong ô vuông thức ăn.
+ Nhóm tinh bột: Bao gồm ngũ cốc và khoai củ, là thức ăn cung cấp năng lượng chính: gạo, mỳ, ngô, khoai.
+ Nhóm chất đạm: Cung cấp protein cho cơ thể chủ yếu là thịt, cá, trứng, sữa... sử dụng các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, trẻ dễ hấp thu. Nên phối hợp các protein có nguồn gốc thực vật như các loại đậu đỗ.
+ Nhóm chất béo: Sử dụng phối hợp các loại thực phẩm: mỡ, dầu... Nên sử dụng dầu thực vật, vì có nhiều acid béo không no cần cho sự phát triển thần kinh của trẻ nhỏ.
+ Nhóm vitamin và khoáng chất: Các loại rau, quả chín. Ngoài cung cấp vitamin và khoáng chất, các thực phẩm này còn nhiều chất xơ, có tác dụng tăng hấp thu các chất dinh dưỡng và chống táo bón.
|