4.1. Điều tra, báo cáo ca bệnh
- Thực hiện thông tin, báo cáo theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Thông tư số 54/2015/TT-BYT, ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế Hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm và các văn bản khác về thông tin, báo cáo dịch bệnh.
- Báo cáo trường hợp bệnh nghi ngờ, xác định được gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur và Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện hoặc có kết quả xét nghiệm khẳng định trường hợp bệnh mpox.
4.2. Phân tuyến điều trị
- Cách ly, điều trị tại nhà có sự giám sát của y tế cơ sở: ca bệnh nhẹ, không có bệnh nền hoặc bệnh nền ổn định.
- Bệnh viện quận/huyện: điều trị ca bệnh có nguy cơ tiến triển nặng (trẻ sơ sinh, người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, bệnh nền tiến triển, phụ nữ mang thai).
- Bệnh viện tỉnh/thành phố/trung ương: điều trị ca bệnh nặng, ca bệnh có biến chứng.
- Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần được theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị:
+ Tổn thương da sâu, rộng.
+ Suy hô hấp.
+ Các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn.
+ Giảm thị lực.
+ Giảm ý thức, hôn mê, co giật.
4.3. Tiêu chuẩn kết thúc cách ly, xuất viện
4.3.1. Người bệnh không triệu chứng, triệu chứng nhẹ
- Cách ly tối thiểu 14 ngày VÀ
- Hết các triệu chứng lâm sàng (không xuất hiện tổn thương trên da mới tối thiểu 48 giờ và các tổn thương cũ đã đóng vẩy).
4.3.2. Người bệnh mức độ nặng và nguy kịch
Sau khi đủ tiêu chuẩn hết cách ly như trên nếu người bệnh cần tiếp tục chăm sóc y tế do bệnh nền hoặc biến chứng chuyển điều trị theo chuyên khoa.
|