Nguyên lý tạo ảnh tia X
Hiểu được nguyên lý tạo ảnh tia X là điều cực kỳ quan trọng để tránh những xảo ảnh và cạm bẫy trong quá trình chẩn đoán hình ảnh. Tia X là dạng bức xạ điện từ có bước sóng ngắn và tần số cao, có khả năng đi xuyên các mô khác nhau trong cơ thể với mức độ khác nhau. Chùm tia X phóng từ máy chiếu có bản chất phân kỳ, dẫn đến vùng trung tâm của phim nhận được lượng bức xạ thấp hơn so với vùng rìa. Hình ảnh X quang được hình thành trên bản ghi theo nguyên lý tương tự như chụp ảnh thông thường, trong đó tia X đóng vai trò như nguồn sáng chiếu lên phim. Trên phim X quang, các vùng không có cấu trúc cản tia X, dòng tia X sẽ di chuyển dễ dàng và không bị giảm dòng tia, sẽ có màu sẫm hoặc đen trên phim, trong khi các vùng có nhiều cấu trúc cơ quan cản tia, các mô hấp thụ nhiều tia X, dẫn đến dòng tia sẽ bị suy giảm, ghi trên hình sẽ có màu trắng.
Tư thế chụp phim X quang
Sự liên quan giữa tư thế bệnh nhân, chùm tia X và phim đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ảnh X quang. Dưới đây là những nguyên tắc cơ bản trong các tư thế chụp phim X quang:
- Nguyên tắc chung là đặt cơ quan cần khảo sát càng gần trung tâm phim càng tốt để tránh phóng đại hoặc thu nhỏ quá mức. Ví dụ, tư thế chụp X quang ngực sau-trước (PA) giúp đánh giá bệnh lý ở phổi, xương sườn, trung thất và tim.
- Tùy thuộc vào vị trí tổn thương, có nhiều kỹ thuật chụp và chiếu khác nhau.
- Các tư thế chụp X quang ngực chính bao gồm:
- Sau trước (PA): Tia X chiếu từ sau ra trước bệnh nhân.
- Trước sau (AP): Tia X chiếu từ trước ra sau bệnh nhân.
- Nghiêng.
- Chếch trước hoặc sau: Đánh giá trung thất hoặc xương sườn.
- Sau trước đâm xuyên.
- Sau trước hít vào/thở ra: Đánh giá tràn khí màng phổi, dị vật đường thở hoặc chuyển động của cơ hoành.
- Đỉnh ưỡn.
|